Giáo họ Trà Lộc (Giáo xứ Ngô Xá)
kỷ niệm 100 năm lãnh nhận Đức tin
Thật là một dịp đầy ý nghĩa trong Năm Đức Tin, khi con dân giáo họ Trà Lộc khắp nơi tuôn về quê hương để mừng lễ kỷ niệm 100 năm hồng ân lãnh nhận Đức tin Công Giáo vào ngày 05.7.2013. Thứ sáu đầu tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, quan thầy của Giáo họ Trà Lộc.
Thánh lễ diễn ra sốt sắng tại Nghĩa Trang Trà Lộc lúc 07g00 do Cha Gioan Baotixita Lê Quang Quý, Hạt trưởng Hạt Quảng Trị chủ sự, cùng với cha sở Giáo xứ Ngô Xá Đaminh Lê Đình Du. Cha Phêrô Lê Minh Cao, quản xứ La Vang Quảng Thuận và bào đệ của ngài vừa về từ Rôma là cha Barnaba Lê An Phong, Dòng Don Bosco.
1. Nguyên nhân có Giáo Họ:
Thôn Trà Lộc thuộc xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
Do sự tranh chấp kiện tụng về quyền hành chức tước trong làng Trà Lộc, các gia đình khá giả có chút ít chữ nghĩa dùng tiền bạc đút lót cấp trên nên thắng kiện. Những người thua kiện phần thì nghèo khổ, phần thì thất học nên đành tìm phương cầu cứu ở các linh mục.
Năm 1912, thời Cha Antôn Nguyễn Văn Sản, quản xứ Ngô Xá , một số gia đình ở thôn Trà Lộc theo đạo để nương nhờ thế lực. Thế là hạt giống Tin Mừng được gieo vào mãnh đất Trà Lộc: gia đình nào có 3 con trai trở lên thì theo đạo một người, số ít con trai (dưới 2) hoặc con gái không buộc cũng như không ngăn cấm theo đạo. Thế là các Thầy giảng bắt đầu dạy giáo lý vào những năm 1913 đến năm 1915, thời Cha J.B Lương Văn Thể, con số rửa tội lên đến cả trăm người. Nhà thờ sơ khai được xây cất, có chiều dài 15m, rộng 8m, cột gỗ, lợp tranh, vách phên tre trát đất. Nhà thờ được hoàn tất vào năm 1917.
Từ năm 1947 đến 1957, Giáo xứ Ngô Xá không có Linh mục coi sóc, sau khi Cha Tin ra đi, Giáo Họ Trà Lộc trực thuộc có lúc Trí Bưu, thời Cha Giuse Lê Hữu Huệ, có lúc trực thuộc Thanh Hương, Hội Yên…tùy theo hoàn cảnh đi lại thuận tiện.
Từ năm 1957 đến 1963, Cha Gioakim Nguyễn Văn Tư về Quản xứ Ngô xá, được coi là thời kỳ hoàng kim của Giáo họ: Đại trùng tu và tân tạo ngôi Nhà Thờ. Nhờ thời bình nên con cháu trở về quê quán. Thời gian nầy con số giáo dân lên tới hơn trăm người. Các hội đoàn được thành lập, hầu hết con cháu Trà Lộc rất hăng say phục vụ giáo họ.
Từ năm 1963 đến 1968, thời Cha Phêrô Hoàng Kính, Quản Xứ Ngô Xá, các sinh hoạt đều đặn, khởi sắc, có thêm gia đình Bà Lê Thị Dãnh và các con Lê Quang Quê, Lê Quang Phú (họ Lê Nhất) nhập đạo, nhân số tăng thêm.
Từ năm 1968 đến 1972, do tình hình an ninh là lý do sinh sống, giáo dân bắt đầu phân tán: kẻ lên Trí Bưu, thị xã Quảng Trị, Long Hưng, vào Sài Gòn…số bám trụ còn ít. Ngôi Nhà Thờ bị sập năm 1970 và bình địa 1972.
Từ năm 1973 đến 1975, nhiều gia đình đã rời quê hương lập nghiệp ở Vĩnh Linh (Cam Ranh), Quảng Thuận (Ninh Thuận)… Sau năm 1975, một số đi định cư ở Cù Bị (Đồng Nai – Vũng Tàu), Tà Pao, Bắc Ruộng (Bình Thuận)…Cố hương Trà Lộc chỉ còn lại hoài niệm với 2 gia đình công giáo còn bám trụ.
Giáo Họ Trà Lộc phân tán nhưng không bị phân chia. Năm 2002, do tình hình kinh tế tạm ổn định và sự khích lệ của Linh mục Phêrô Lê Minh Cao, người con Linh mục đầu tiên của Giáo họ đã tập hợp bà con họp mặt hằng năm. Các cuộc họp mặt đã được triển khai: Năm 2002 tại Lăng Minh; năm 2003 tại Cù Bị; năm 2004 tại Tà Pao; năm 2005 tại Quảng Thuận; năm 2006 tại Vĩnh Bình; năm 2007 Giáo họ tổ chức chuyến hành hương về cội nguồn, thăm Mẹ La Vang thân yêu.
Giáo dân gốc Trà Lộc sống rải rác khắp nơi: Saigon – Lang Minh – Cam Ranh – Cù Bị – Dầu Giây – Quảng Thuận – Tà Pao – Lâm Đồng – Đắc Nông…hiện thống kê được 354 nhân khẩu.
2. Đời sống tu trì và ơn gọi:
Nét tự hào nhất của Giáo họ Trà Lộc là ơn gọi được phát triển rất mạnh trong 10 năm trở lại đây. Tính đến nay giáo họ Trà Lộc đã và đang cống hiến cho Giáo Hội các ơn gọ
1. Lm. Phêrô Lê Minh Cao, Quản xứ La Vang, thuộc Giáo phận Nha Trang.
2. Lm. Giuse Lê Quang Tuấn, Dòng Chúa Cứu Thế.
3. Lm. Barnaba Lê An Phong, Dòng Don Bosco, hiện đang ở Rôma.
4. Lm. Gioan Maria Vianney Lê Quang Tấn, Giáo phận Bà Rịa.
5. Lm. Gioan Baotixita Lê Quốc Kiệt, Phụ Tá Giáo xứ Gia Định, Tổng Giáo phận Sài Gòn.
6. Lm. Alberto Cáp Hữu Khanh, Dòng Xitô Phước Sơn, hiện đang phục vụ tại Trà Vinh.
7. Thầy Phó Tế Gioan Baotixita Cáp Hữu Trí, Dòng Đa Minh.
Các Nam tu sĩ
1. Thầy Simon Lê Hân, Dòng Gioan Thiên Chúa.
2. Thầy Anrê Lê Hiến, Dòng Xitô Phước Sơn.
Các Nữ tu thuộc Dòng Mến Thánh Giá Phan Thiết:
1. Maria Cáp Thị Ánh
2. Anna Cáp Thị Thanh Mai
3. Anna Lê Thị Thanh Thúy
4. Maria Nguyễn Thị Thu Hà
5. Maria Nguyễn Thị Vân Hương
Điều làm cho con cháu Trà Lộc tự hào là cho dù mới chỉ 100 năm lãnh nhận Đức tin nhưng họ có ơn gọi linh mục và tu sĩ khá dồi dào.
Nguyện xin Thánh Tâm Chúa luôn đồng hành và che chở con dân Trà Lộc đang sống tản mác khắp nơi được ngày thêm đoàn kết gắn bó và vững mạnh trong đức tin đức cậy và đức mến.
Thanh Hương
@TonggiaophanHue