Phật giáo

Nơi đâu cũng là chùa

Hành giả Thích Minh Tuệ không tu trong một ngôi chùa nào. Nhưng ngài có một ngôi chùa rất lớn, đó là cả dài đất hình chữ S này. Góc chùa của ngài có thể là nghĩa địa, gò hoang, gốc cây, bãi biển, lưng đèo…

Lần đầu tiên, Phật tử biết Phật với chùa ở đâu, và tu tập là quyền thiêng liêng, quyền bất khả xâm phạm của mỗi người.

Ngài không có mùa an cư kiết hạ, mùa của ngài ngay ở bước chân thiền hành trong chánh niệm. Khi trong tâm có chánh niệm, thì bước đi đến đâu cũng là tu tập, thấy đâu cũng là Phật đường, và khi ấy tâm trở nên an lạc, thanh tịnh.

Quả thật, Thích Minh Tuệ mở rộng không gian tu Phật đến vô biên. Không nhất thiết phải đến chùa, trước mặt không nhất thiết phải là tượng Phật, trên tay không nhất thiết phải là quyển kinh, và miệng cũng không nhất thiết phải tụng lời kinh. Thế, tức là Phật ở khắp mọi nơi và không lệ thuộc, không chấp vào bất cứ cảnh nào.

Và như vậy, Phật tính đã được đánh thức. Phật tính vốn vô biên, vô lượng, vô ngại, nên tất thảy, có mặt từ ngọn cỏ, lá cây, chim muông, cho đến áng mây buổi sớm, cơn gió thoảng trên ngọn cỏ chiều hôm nơi lưng đèo.

Và thật lạ, những vật vô tri vô giác như mụn giẻ, áo tơi vứt đi cũng thành biểu tượng. Tức chính những hình tướng ấy tự toát lên những lời pháp âm vang giữa chốn bụi trần, giữa nơi bùn lầy tanh hôi. Rồi vật dụng hàng ngày như cái ruột nồi cơm điện cũng là pháp khí, nó cũng gợi nhớ về lòng từ bi và lan tỏa tâm thiện lành.

Là một người bước chân theo con đường của Đức Thế Tôn, Thích Minh Tuệ tuy chỉ tự nhận mình là người còn đang “tập học”, nhưng nhìn vào con đường ấy đã thấy Ngài trùng tuyên chánh pháp bằng chính cái thân kham nhẫn và các pháp hành trì, tức thân ngài là Pháp, sắc ngài là Kinh và giới hạnh của ngài là Luật. Nhà Phật gọi đó là Thân giáo.

Thật hiếm có xưa nay.

Lành thay!

Nguyễn Xuân Diện
07.06.2024

Xem thêm :
RFA
Mặc Lâm

Đơn giản

This entry was posted in Văn Hóa and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.