Xém nữa thì .. tham nhũng.. từ lúc năm 11 tuổi.
Năm đó , em học Taberd , thường đi học bằng tuyến Phú Nhuận – Tân Định – Bến Thành, của ‘Công quản chuyên chở công cộng ‘ .
Chiếc xe buýt hồi đó , chắc các bác già cùng thế hệ còn nhớ, nó có cái hòm máy to tổ chảng, nằm ngay kế bên ông tài xế .
Chỗ đó là chỗ ngồi của đám con nít , học sinh.
Ngồi trên cái thùng mà nó rung bần bật.
Ngồi thấp nên tầm nhìn ngang mông người lớn.
Bỗng đột nhiên thấy một bàn tay .. móc túi một bác , có dáng vẻ một công chức già.
Rút nhanh như cắt, bác công chức hổng hề hay biết .
Em sảng hồn, ú ớ chưa biết phản ứng ra sao , ngước mắt nhìn lên thì thấy ánh mắt trừng trừng, hăm doạ của một chú , trung niên hành nghề …móc túi.
Nhanh như cắt, chú ấy trừng mắt, nghiến răng lầm bầm thì thầm nói câu gì , không ra tiếng.
Tay dúi ngay vào tay em một đống bạc cắc .
Em đang rối ruột , chưa biết sao , thì trong chớp mắt , bác công chức rờ tay kiểm túi quần và phát hiện cái ví bay mất tiêu.
Bác phản ứng rất nhanh , tay kia túm chú móc túi và la ầm lên
• móc túi ! móc túi ! bà con ơi ! Nó móc túi tui!
Chú móc túi cũng rất nhanh , la toáng lên
• đù má thàng già nói láo. Ai móc túi mà mày vu cho tao . đm mày .
Và thoi ngay vào mặt bác công chức một cú nháng lửa .
Chú móc túi vất chiếc ví vào gầm ghế , xô mọi người ngã ngửa, mở cửa xe buýt , nhảy xuống đường trốn thoát .
Bác công chức lồm cồm bò dậy , nhặt chiếc ví dưới gầm ghế lên .
Cả xe náo loạn , bàn tán xôn xao .
Em xuống xe , bối rối, trong tay vẫn cầm những đồng bạc cắc ‘phi nghĩa ‘ , bởi không biết phải làm thế nào .
Từ trạm xe buýt đi về nhà, bàn tay em cứ nắm chặt mà bước vào một cuộc … đấu tranh tư tưởng.
Một tiếng nói trách móc cất lên trong đầu..
-Sao mầy lại cầm tiền móc túi ?
Thế rồi , một tiếng nói khác bảo ..
-Đâu phải tiền móc túi! bác có mất gì đâu nào? Bác tìm được ví mà!
-Nhưng đó là tiền thằng cha móc túi , vậy thì mầy cũng là thằng móc túi!
-Đâu phải! thằng chả đưa mà! Hổng nhận chả oánh chết!
-Sao mày không la làng lên?
-La sao được mà la ! nó ..
Lại có tiếng nói khác , cám dỗ , mơn man hơn
-Má ơi! Với số tiền này mình tha hồ ăn kem, mua me cam thảo, trả tiền mướn sách kiếm hiệp ở tiệm chú Tư … mà.. mà.. mà.. có ai biết đâu mà .
Cứ thế mà cắm cúi đi, trong tiếng cãi lộn um xùm của ba thằng .. tham ăn , luật sư và quan toà.
Đi qua một bụi cây , cỏ mọc um tùm , không biết ai xui khiến, đột nhiên em bỗng vung tay , vụt nắm tiền cắc vào bụi rậm và cắm cúi đi thật lẹ .
Như thể muốn .. tẩu thoát khỏi ‘phạm trưởng ‘ và phi tang ‘tang vật’.
Trong lòng vừa thấy nhẹ đi , “thôi! Hổng nghĩ nữa” ..,.
Lẫn .. tiếc của! Mèn đéc ui! Tiếc ơi là tiếc! Kẹo bánh … me cam thảo .. bay hết trơn hết trọi!
Biên giới thật mong manh!
Nếu như, ngày ấy , không phải là … bụi rậm có khi em đã quay lại lụm!
Hoặc nếu như số tiền đó nhiều hơn nữa thi … nào ai biết? ai sẽ thắng ai ?
Bởi thế, ngày nay khi nghe chuyện ‘đốt lò’ em chẳng ‘hả hê’ gì khi nghe ai đó vào tù !
Bởi , có ai dám chắc là mình , chính mình không đứng trước vành móng ngựa?
Con chuôt đói mà sa hũ gạo , bảo nó ‘tu dưỡng’ đi để nhịn đói thì là .. hành hạ nó!
Là phạm tội … bạo hành súc vật!
Ông thánh mà sa chĩnh gạo thì cũng thành.. con heo .
Vấn đề không phải ở chỗ ‘đốt lò’ nóng cỡ nào mà là có hệ thống làm cho không con nào sa vào cái hũ.
Con mèo canh con chuột .
Con chó canh con mèo .
Con khỉ canh con chó.
Con chuột cắn đuôi con khỉ.
Mà mỗi con phải có phe! Phe con chuột , phe con mèo.
Nhược bằng , nó trong.. một Đảng…
Thì chết cha thiên hạ.
Hũ nào nó cũng ‘họp giao ban” với nhau, nó tu với nhau, nó dưỡng cùng nhau , và nó cùng “tập thể” nhất trí cùng xơi.
Hũ nhiều cách mấy cũng sạch trơn.
Ở đó mà đốt !
Nguyễn Lê Tiến