CẦN VƯƠNG CHIẾU
(Lệnh dụ thiên hạ cần vương)
勤王詔
Ngày 13 tháng 7 năm 1885
*
Chiếu Cần Vương, tên chính thức là Lệnh dụ thiên hạ cần vương, là lệnh dụ của vua Hàm Nghi nhà Nguyễn, tuyên bố ngày 13 tháng 7 năm 1885 (tức ngày mùng 2 tháng 6 năm Ất Dậu) tại căn cứ Tân Sở thuộc Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị sau khi triều đình Huế thất bại trong trận chiến Kinh thành Huế ngày 5 tháng 7 năm 1885, nhà vua phải xuất bôn. Đây là lời dụ kêu gọi sĩ phu và dân chúng toàn quốc nổi dậy chống lại sự đô hộ của người Pháp lên đất nước Đại Nam sau Hiệp ước Giáp Thân (1884).
Hàm Nghi đế chiếu
Dụ:
Tự cổ ngự nhung chi sách bất xuất chiến, thủ, hòa tam giả nhi dĩ. Chiến chi tắc vị hữu kỳ cơ, thủ chi tắc nan kỳ đắc lực, hòa chi tắc sở cầu vô yếm. Đương thử sự thế thiên nan vạn nan, bất đắc dĩ nhi dụng quyền. Thái Vương thiên Kỳ[1], Huyền Tông hạnh Thục[2], cổ chi nhân diệc hữu hành chi giả.
Ngã quốc nhĩ lai ngẫu nhân đa cố. Trẫm dĩ xung linh tự vị[3], kỳ ư tự cường tự trị bất hạ vi mưu.
Tây phái[4] hoành bức nhật thậm nhất nhật. Tạc giả, Tây binh thuyền tăng lai trách dĩ sở nan, chiếu thường khoản tiếp, nhất bất chi thụ. Đô nhân chấn cụ, nguy tại đán tịch. Mưu quốc đại thần thâm duy an xã trọng triều chí kế, dữ kỳ phủ thủ thính mệnh, tọa thất tiên cơ, hạt nhược tứ kỳ dục động nhi tiên ứng chi. Túng nhiên sự xuất vô nại do đãi hữu thử kim nhật chi cử dĩ đồ thiện hậu chi nghi, diệc hệ thời thế khởi kiến. Phàm dự hữu phân ưu tưởng diệc dự tri. Tri nhi dự vi chi, thiết xỉ xung quan, tiêm cừu địch khái, thùy vô thị tâm tai? Chẩm qua, kình tiếp, đoạt sóc, vận bích, diệc khởi vô kỳ nhân tai? Thả nhân thần lập triều tuẫn nghĩa nhi kỷ, nghĩa chi sở tại, tử sinh dĩ chi. Tấn chi Hồ Yển, Triệu Thôi[5], Đường chi Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật[6] cổ hà nhân dã?
Trẫm lương đức, tao thử biến cố, bất năng kiệt lực oán toàn, đô thành luân hãm, từ giá bá thiên[7], tội tại trẫm cung, tàm quý vô địa. Duy luân thường sở hệ, bách tích hương sĩ vô đại vô tiểu, tất bất trẫm khí, trí giả hiến mưu, dũng giả hiến lực, phú giả xuất ty dĩ trợ quân nhu, đồng bào đồng trạch bất từ gian hiểm, đương như hà? Nhi khả phù nguy trì điên, hanh truân tế kiển giả bất cận tâm lực, thứ kỉ thiên tâm trợ thuận, chuyển loạn vi trị, chuyển nguy vi an, đắc vũ quy cương thử nhất cơ hội, tôn xã chi phúc tức thần dân chi phúc, dữ đồng thích giả dữ đồng hưu khởi, bất vĩ dư? Nhược phù ái tử chi tâm trọng ư ái quân, mưu gia chi niệm thiết ư mưu quốc, quan tắc thác cố viễn tỵ, binh tắc ly ngũ tiềm đào, dân tắc bất tri hiếu nghĩa cấp công, sĩ tắc cam ư khí minh đầu ám, túng năng thâu sinh thế thượng, y quan nhi cầm độc, hồ nhẫn vi chi? Nùng thưởng trọng phạt, triều đình tự hữu điển hình, vô di hậu hối! Kỳ lẫm tuân chi!
Khâm thử
Hàm Nghi nguyên niên lục nguyệt sơ nhị nhật
Chiếu vua Hàm Nghi
Dụ rằng :
Từ xưa sách lược chế ngự giặc không ngoài đánh, giữ, hòa, ba điều mà thôi. Đánh thì chưa chắc có cơ hội, giữ thì khó đạt đủ sức lực, hòa thì đòi hỏi không chán. Đang lúc thế sự muôn khó vạn khăn như vậy, bất đắc dĩ phải dụng quyền. Thái Vương dời sang đất Kỳ, Huyền Tông thăm chơi nẻo Thục, người đời xưa cũng đều có làm cả.
Nước ta gần đây bỗng gặp nhiều việc. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào nguôi nghĩ đến tự cường tự trị.
Phái viên Tây ngang bức, càng ngày càng quá. Trước đây, chúng tăng thêm binh thuyền, buộc theo những điều không thể được, ta chiếu lệ tiếp đón, không chịu nhận một thứ gì. Người kinh đô náo sợ, nguy biến chỉ trong sớm chiều. Đại thần lo việc quốc gia chỉ nghĩ kế nước được yên, triều đình được trọng ; cứ cúi đầu nghe mệnh, ngồi để mất cơ hội, sao bằng thấy âm mưu biến động của giặc mà đối phó trước ? Ví như việc đến không tránh được thì cũng còn có ngày nay để lo cho tốt cái lợi sau này, ấy là do thời thế xui nên vậy. Phàm đã dự chia mối lo này, tưởng cũng dự biết. Biết thì phải dự vào, nghiến răng dựng tóc, thề giết hết giặc, nào ai không có lòng như thế ? Gối gươm, đánh chèo, cướp giáo, lăn chum, chẳng lẽ không có ai sao ? Vả thần tử đứng ở triều chỉ có theo nghĩa thôi, nghĩa ở đâu thì sự chết sống ở đấy. Hồ Yển, Triệu Thôi nước Tấn, Quách Tử Nghi, Lý Quang Bật nhà Đường là người thế nào đời cổ vậy ?
Trẫm đức mỏng, gặp biến cố này, không thể hết sức giữ toàn, đô thành bị hãm, Từ giá phải dời, tội ở mình trẫm, xấu hổ vô cùng. Chỉ duy luân thường quan hệ, trăm quan khanh sĩ không kể lớn nhỏ, tất không bỏ trẫm, kẻ trí hiến mưu, người dũng hiến sức, kẻ giàu bỏ của trợ giúp quân nhu, đồng bào đồng trạch chẳng từ gian hiểm, phải thế chứ ? Đến như cứu nguy chống đỡ, mở chỗ nguy khốn, giúp nơi bức bách, không tiếc tâm lực, ngay sau lòng trời giúp thuận, chuyển loạn thành trị, chuyển nguy thành an, thu lại cõi bờ chỉ cơ hội này, phúc của tôn xã tức là phúc của thần dân, cùng lo với nhau thì cùng nghỉ với nhau, há chẳng tốt sao ? Nhược bằng lòng sợ chết nặng hơn lòng yêu vua, nghĩ lo cho nhà hơn nghĩ lo cho nước, làm quan thì mượn cớ tránh xa, đi lính thì đào ngũ trốn tránh, dân không biết hiếu nghĩa cứu gấp việc công, sĩ cam bỏ chỗ sáng đi vào nơi tối, ví không phải sống thừa ở đời thì áo mũ mà hóa ra cầm thú ngựa trâu, ai nỡ làm thế ? Thưởng cũng hậu mà phạt cũng nặng, triều đình tự có phép tắc, chớ để hối hận sau này ! Phải nghiêm sợ tuân hành !
Khâm thử.
Ngày 2 tháng 6 niên hiệu Hàm Nghi thứ nhất (1885)
@Wiki