Đầu đông, trên xứ người, chờ xe bus, tình cờ gặp lại cố nhân khi tóc xanh đã phai màu. Bạn đứng nép vào tường, co ro trong lớp áo lạnh, có lẽ được mua từ một chợ đồ sida nào đó, không đủ ấm cho người tha hương. Mình hỏi “Excuse me, are you Vietnamese?”, bạn lúng túng trả lời mình bằng vài câu tiếng Việt. Mình nói tiếng Việt, bạn vui mừng nói, gặp được người Việt ở đây tự nhiên thấy vui quá.
Bạn người miền Tây, con gái học đại học năm nhất ở Saigon, con trai chuẩn bị vào cấp ba, nhờ người quen giúp làm thủ tục, bạn vừa mới qua đây làm việc, chỉ biết mỗi chỗ làm, nhà trọ, và trạm xe bus. Có lẽ cũng cỡ tuổi mình hay nhỏ hơn mình vài tuổi, nhưng sương gió cuộc đời làm bạn già trước tuổi, nên bạn tự nhiên xưng là chị và gọi mình là cưng. Cần tiền cho con ăn học nên qua đây phụ việc trong một quán ăn, có tiền nhưng cực, chắc cưng không hiểu đâu. Bạn không biết rằng mình đã từng làm những công việc mà bạn đang làm.
Cố nhân của mình không phải là bạn gái đó, mà là cái lon sữa Ghi-gô (Guigoz) phủ đầy bụi thời gian nằm trong cái túi nhỏ bạn cầm trên tay.
Mình được sinh ra sau khi Saigon thay tên, nên không biết mùi vị của sữa Ghi-gô, mà chỉ được nhìn thấy cái lon sữa thôi. Chỉ là những cái lon trống vô tri thôi nhưng là cả một trời kỷ niệm. Hồi học xong lớp 12, mới chuyển vào Bà Rịa – Vũng Tàu, chị hai mình không được làm hồ sơ thi đại học vì chưa có hộ khẩu, nên phải tập tành ra chợ buôn gánh bán bưng để phụ giúp gia đình, còn mình thì đi theo phụ chị, thật ra mình thích đi chơi chứ cũng không phụ được gì. Gánh của chị có một cái lon Ghi-gô dùng để đựng muỗng đũa. Có lần chị bận đem đồ ăn cho khách, có một bạn gái cỡ tuổi mình lại mua, ăn xong, bạn không đi mà nhìn cái nồi bánh canh một cách say đắm, mình lén chị múc thêm cho bạn một tô nữa rồi ngồi ngắm bạn ăn. Gần 40 năm trôi qua, mình cũng không còn nhớ rõ khuôn mặt bạn như thế nào nữa, không biết bạn giờ lưu lạc phương nào, có còn nhớ đến những giây phút ngồi cùng với mình bên nồi bánh canh ngày đó không.
Ngày đó, mẹ thường chuẩn bị cho ba một lon Ghi-gô cơm kèm theo muối đậu phộng để ăn dọc đường, quê nghèo, gọi là cơm chứ thật ra chỉ có một phần đúng là cơm thôi, còn lại là khoai lang hoặc khoai mì.
Saigon thay tên, ba có điều kiện ra nước ngoài, nhưng không đành bỏ lại vợ con, nên quyết định ở lại, để rồi khổ cả một đời. Nhớ có lần đi qua những chổ bán bánh kẹo, em mình đòi ăn, ba nói ăn những thứ đó dễ đau bụng, em mình tin vậy, mình giả bộ cho ba thấy là mình tin vậy, chứ mình biết ba không có tiền.
Có lần mình thèm ăn kẹo bông gòn xanh đỏ lắm mà không có tiền, và suốt nhiều năm mình nghĩ có lẽ đó là món ăn vặt ngon lắm. Ngoài 30 tuổi, mình mua ăn kẹo bông gòn ăn thử, thấy như vừa đánh mất điều gì, vì không thấy ngon như mình từng nghĩ. Sau này, mình không dám ăn những loại bánh kẹo mà ngày xưa mình thèm, sợ đánh mất thêm những kỷ niệm đẹp, cũng giống như có những người đã vỡ mộng khi gặp lại người yêu cũ vậy.
Hồi mới lên Saigon học, chờ xe ở bến xe Miền Đông, thấy 3 mẹ con nghèo cũng chờ xe, đang chia nhau cái lon Ghi-gô đựng cơm. Đứa nhỏ vô tư ăn, đứa lớn có lẽ hiểu chuyện hơn nên sau khi ăn vài muỗng thì kêu mẹ ăn đi, người mẹ thì giục con ăn cho nhanh, mẹ không đói. Có lẽ hai đứa nhỏ không hiểu câu “mẹ không đói” nghĩa là gì.
Có lần mẹ mình bị bệnh phải nằm viện, mua được một lon sữa Ông Thọ, mẹ chỉ uống một ít rồi gửi về cho mình và em mình. Mẹ nói mẹ không thích mùi sữa, và trong ký ức của mình thì đó là lần đầu tiên mình được uống sữa, và thật ra sau này mẹ vẫn thích uống sữa. Lúc ở bến xe, mình cũng có ý định cho họ vài ngàn, rút ra khỏi ví 5 ngàn đồng, nhưng rồi suy tính lại, chưa tìm được chỗ dạy kèm, 5 ngàn cũng là hơn 2 dĩa cơm, rồi nhớ lại cái cảnh ba mẹ mình khó nhọc kiếm tiền ở quê, cất tiền vô ví. Lúc đó mình chưa hiểu mỗi khi mình giúp ai đó, sau một thời gian, thế nào cũng có người khác giúp lại mình cái gì đó.
Thời sinh viên, có lần ghé lại xe lạc xoong ven đường, thấy một cô đang mua cái lon Ghi-gô, cô cứ mân mê cái lon cũ mà rơm rớm nước mắt. Nói chuyện dăm câu, mới hay cái lon Ghi-gô cũng là cả một trời kỷ niệm của cô. Ngày xưa, mỗi lần pha sữa Ghi-gô cho em trai, cô thường lén ăn vài muỗng sữa bột, không phải nhà cô thiếu sữa đâu, mà đó chỉ là một thói quen của cô thôi.
Saigon thay tên, gia đình cô từ Saigon phiêu bạt mỗi người một nơi. Một thời gian sau, em trai cô quyết định lên tàu vượt đại dương cùng với bạn bè. Cũng hơn 10 năm rồi không nghe tin tức gì từ em mình, cô vẫn chờ, và mỗi lần thấy cái lon Ghi-gô, cô lại nhớ về em trai cô. Mình an ủi, có lẽ chú phải vất vả ở xứ người, nên tạm thời chưa liên lạc với cô, thế nào rồi chú cũng trở lại. Vượt đại dương trên những chiếc thuyền mong manh, biết bao nhiêu người đã vùi thây giữa muôn trùng sóng dữ, nhưng mình vẫn an ủi và thành tâm cầu nguyện em trai cô sẽ bình an về gặp cô.
Mấy chục năm thế sự thăng trầm, sữa Ghi-gô ngày xưa giờ cũng chỉ còn trong hoài niệm của những người muôn năm cũ. Vật đổi sao dời, sữa Ghi-gô thưở nào đã không còn, nhưng cái lon Ghi-gô cũ vẫn tiếp tục len lỏi đâu đó, từ thành thị đến nông thôn.
Cũng đã nửa thế kỷ trôi qua, cái thân xác cuối mùa nhan sắc ấy tưởng đã về với cát bụi, bỗng chợt xuất hiện trở lại vào một ngày đầu đông ở xứ người.
Ôi, “Nhớ thương biết bao giờ nguôi…”.
Nam Phan
@namphan/facebook
Ghi chú :Sữa Guigoz do công ty Nestlé sản xuất.
Nestlé được thành lập vào năm 1905, là một tập đoàn chế biến thực phẩm và đồ uống đa quốc gia của Thụy Sĩ có trụ sở chính tại Vevey, Vaud , Thụy sĩ.
Nestlé có 447 nhà máy, hoạt động tại 189 quốc gia và có khoảng 339.000 công nhân, viên chức. Chuyên sản xuất thực phẩm dành cho trẻ em, thực phẩm y tế, nước đóng chai, ngũ cốc ăn sáng, cà phê và trà, bánh kẹo, các sản phẩm từ sữa, kem, thực phẩm đông lạnh, thức ăn cho vật nuôi và đồ ăn nhẹ, gồm 29 thương hiệu như Nespresso, Nescafé, Kit Kat, Smarties, Nesquik, Stouffer’s, Vittel , Maggi. Doanh thu Nestlé hàng năm khoảng 1.1 tỷ Mỹ kim