Sự thành lập các làng cổ ở Quảng Trị
Linh mục Stanislao Nguyễn Văn Ngọc sinh năm 1910, quê ở làng Dương Lộc (Triệu Phong), tốt nghiệp chủng viện An Ninh (Cửa Tùng) và Đại chủng viện Huế, là một nhà cổ học hiểu biết sâu rộng về truyền thống văn hóa – lịch sử Quảng Trị, suốt đời gắn bó với mảnh đất quê hương.
Bài này được ông viết và đăng trên tạp chí Cửa Việt năm 1990 và cho đến nay, các thông tin về làng trong bài có thể đã đổi khác. Tuy nhiên, để rộng đường trao đổi, Huyhoang Design xin đăng nguyên văn bài viết của tác giả.
1.CÁCH TỔ CHỨC THÔN XÃ THỜI XƯA
Tác giả Phạm Văn Sơn trong cuốn Việt Sử Tân Biên II trang 320 đã viết : Đối với xã hội Việt Nam thời xưa, một xã hội hoàn toàn nông nghiệp, xã thôn là nền tảng. Chế độ và tổ chức xã thôn xuất hiện từ thời Trần theo nguyên tắc dân chủ vì xã thôn có những quy lệ riêng do các phong tục, tập quán được nhân dân tôn trọng, cấu tạo. Nó là ý dân ở từng địa phương một. Nó đã gây nên một chế độ tiểu quốc gia trong một quốc gia và đã xây dựng được nền tự trị của nó về kinh tế, chính trị, cũng như văn hóa. Câu “ phép vua thua lệ làng” đủ tỏ cái uy tín của xã thôn đối với nhân dân Việt Nam….Xã thôn có nhiều uy quyền nên đã phát triển được mọi sáng kiến, mà vì đó, nhiều tục lệ của xã thôn mặc nhiên được nhà nước công nhận.
Đời vua Lý Anh Tông (1171-1172) đã có các bản đồ các xã thôn và nhà Lý đã đặt chức “xã quan” để cai trị xã thôn. Nhà Trần cũng theo luật lệ nhà Lý trong việc hướng dẫn xã thôn, gọi là “Quan đại tư xã” và “ Quan tiểu tư xã”. Mỗi vị cai trị hoặc hai xã hoặc ba bốn xã. Do đó, nhà Trần lập các đình làng bên các quan lộ như công đường, để các “quan xã” tới làm việc tại đó cho sát cánh nhân dân xã. Nhưng từ đời vua Trần Nghệ Tông (1370-1372) chế độ xã thôn vì chế độ hoàn cảnh thời bấy giờ mà sinh ra nhiều sự đồi tệ, nên ông Hồ Quý Ly, lúc còn làm quan, đã đứng ra cải tổ. Đó là xã thôn trải qua ba nhà : Lý, Trần, Hồ.
Đến năm 1407, quân nhà Minh qua xâm chiếm nước ta và diệt họ Hồ. Nhà Minh tổ chức xã thôn Việt Nam theo kiểu Trung Quốc như sau : tại nông thôn thì chia ra Lý và Giáp, tại thành phố thì chia ra Phường. Cứ 110 hộ thành một Lý, có vị Lý trưởng cai trị, và cứ 10 hộ làm một Giáp có ông Giáp thủ. Hai vị này cầm đầu và kiểm soát xã thôn. Như vậy mỗi làng có nhiều người để kiểm soát, trong coi, chịu trách nhiệm về mọi hành động của nhân dân. Có bản đồ ruộng đất, có sổ đinh và sổ điền và có bản danh sách các gia đình, kê khai đủ mọi điều.
Năm 1428, sau khi vua Lê Lợi đã đuổi được quân Minh ra khỏi nước, thì các cơ cấu hành chính xã thôn được thay đổi chia ra ba cấp : đại xã có trên 100 người, được đặt dưới ba vị quan xã cai trị; trung xã có trên 50 người, đặt hai xã quan và tiểu xã có 10 người trở lên, đặt một xã quan.
Một cuộc cải tổ hoàn toàn mới được ban hành, là trong các chế độ trước các quan cai trị xã thôn là do triều đình đặt ra, nhưng từ đời vua Lê Thánh Tông (1460-1479) cơ cấu cai trị xã thôn do dân làng bầu ra như sau : Mỗi đại xã có ba xã trưởng, còn tiểu xã có hai người. Các viên chức này là những đại diện của dân về tri thức và hạnh kiểm. Khi dân bầu xong, họ còn phải do quan trên phúc hạch lại.
Điều lệ bầu viên xã trưởng như sau : hội đồng toàn dân lựa chọn, hoặc lấy người cao niên, hoặc giám sinh, sinh đồ mà học lực chưa thành đạt, hoặc phần tử thuộc lương gia đệ tử từ 30 tuổi trở lên. Bầu sai nguyên tắc sẽ phải tội. Nếu cần thêm người giúp việc thì cho phép lấy thêm vị thôn trưởng. Để tránh việc bè đảng, ở mỗi làng, người nào đã ra làm xã trưởng thì người cùng họ với xã trưởng, không được giữ chức xã trưởng thứ hai.
Số dân trong xã thôn cũng có sự quy định như sau : một trăm nhà là tiểu xã, hai trăm nhà trung xã, ba trăm nhà là đại xã. Như vậy, đời Lê Thánh Tông có lẽ số nhân khẩu nước ta đã tiến rõ rệt, vì làng nhỏ đã có 100 nhà, còn đời Minh thuộc, một lý chỉ có 110 nhà mà thôi. Ngoài ra còn đặt vị Chánh tổng có nhiệm vụ liên lạc các xã thôn với nhau ngoài các cấp lý trưởng, giáp trưởng, thôn trưởng là các cấp dưới dùng vào việc cai trị nhân dân. Các xã thôn còn phải chọn các người già cả có đạo đức làm trưởng.
Vua Lê Thánh Tông năm thứ 7 niên hiệu Quang Thuận (1460-1469) rồi qua niên hiệu Hồng Đức (1470-1497) mới định bản đồ xã thôn toàn quốc mà được gọi là : “Địa bộ nhà Lê”. Trong đó dưới phủ huyện châu thì có : hương, phường, xã, thôn, trang, sách, động, nguyên. Đến đời nhà Mạc (1527-1554) lại lập địa bộ mới, gọi là “ Địa bộ nhà Mạc”, trong đó chỉ chia ra cấp xã mà thôi. Do đó sách Ô Châu Cận Lục viết năm 1553 đã theo địa bộ nhà Mạc mà ghi bản danh sách 173 xã tỉnh Quảng Trị thuộc bốn huyện : Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng như sẽ kể sau.(Hình phải: Một ngôi làng của người An Nam, ảnh Marie Charles Désiré Lemire)
2.CUỘC NAM TIẾN LẦN THỨ NHẤT 1075 VÀO VĨNH LINH VÀ DO LINH.
Núi Hoàng Sơn là ranh giới giữa hai nước Việt – Chiêm. Thế rồi từ năm 1064 người Chăm đưa quân ra quấy rối ranh giới, nên năm 1069 vua Lý Thánh Tông xuống chiếu xuất quân và thân chinh đi đánh. Chọn Lý Thường Kiệt làm nguyên soái đem 5 vạn quân đi tiên phong theo đường biển, qua các vùng đất Chàm hồi đó là : Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và Quảng Nam. Đến cửa Nhật Lệ thuyền quân Việt bị thủy quân Chàm chặn đánh, nhưng quân Chàm bị thua. Đại quân Việt tiến lên và ghé nghỉ lại tại cửa Ô Long của Chàm (nay là cửa Tư Hiền- Thừa Thiên Huế), rồi theo bờ biển đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn). Tại đây, quân hai bên đánh nhau kịch liệt, quân Chàm chết nhiều không kể xiết. Vua Lý Thánh Tông vào kinh đô Trà Bàn (Bình Định) của Chàm. Chế Củ của Chàm đang đêm đem vợ con chạy trốn. Tướng Lý Thường Kiệt chạy theo bắt được Chế Củ và thuộc hạ đem về Thăng Long (Hà Nội). Vua Chế Củ xin dâng ba châu : Bố Chính, Địa Lý và Ma Linh. Theo sách Việt Nam gấm vóc, là dải đất từ Hoành Sơn tới sông Cam Lộ. Bắt đầu từ đây, cửa sông Cam Lộ gọi là cửa Việt. Sông này từ Đông Hà gọi là Đò Điếu. Châu Ma Linh của Chàm sau này được đổi tên thành Châu Minh Linh, ngày nay là đất hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, phần đất phía bắc Quảng Trị, từ Hồ Xá tới sông Cửa Việt.
Người Chàm chống đối việc vua Chế Củ nhường đất ba châu trên cho nhà Lý, nên họ cứ nhùng nhằng ở lại trên đất đã nhượng qua 6 năm (1069-1075) không chịu rút đi. Hơn nữa năm 1074 quân Chàm lại ra đánh phá biên giới Việt. Vì thế, năm sau 1075 nhà Lý lại sai tướng Lý Thường Kiệt đem quân vào đánh, vẽ họa đồ về hình thế sông núi ba châu, rồi rút quân về. Sau đó người Chàm tự động ra đi.
Sau khi người Chàm rút đi, nhà Lý ( năm 1075) xuống chiếu chiêu mộ nhân dân tới ở. Hưởng ứng lời kêu gọi, nhiều người đã từ phía bắc, đa số là người Nghệ An ở gần đó đến đất châu Minh Linh khai khẩn làm ăn thay thế người Chàm mà lập ra hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh phía bắc tỉnh Quảng Trị như đã có ngày nay.
Sử sách không ghi chép việc nhà Lý đã tổ chức cuộc di dân này như thế nào. Nhưng nếu ta nhìn vào cuộc di dân đợt ba do nhà Hồ tổ chức vào năm 1402, cách ba thế kỷ sau, thì phải nhạc nhiên. Năm đó người Chàm dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy (Quảng Nam, Quảng Ngãi), nhà Hồ chia hai nơi này làm bốn châu : Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, rồi đưa dân vào ở. Cuộc di dân này được tổ chức như sau : họ Hồ ra lệnh di dân. Người nghèo ở Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, có của mà không có ruộng đất, được tổ chức thành đoàn như quân đội, đưa cả vợ con đi theo, chia nhau chiếm hữu các nơi đất mới để khẩn hoang lập nghiệp. Họ phải xăm ở bên cánh tay tên châu mình trú ngụ. Vấn đề trâu bò cũng được giải quyết. Ai nộp nhà nước trâu bò để cấp cho di dân đều được ban phẩm tước.
Lúc đầu người di dân vào phía bắc Quảng Trị có lẽ thưa thớt, nhưng dần dần họ sinh con đẻ cháu ra đông. Theo nguyên tắc “di dân lập ấp”, vừa tới nơi họ bắt đầu lập thành xã thôn và đặt tên xã mình bằng hai cách :
– Những người cùng một họ tộc, thường tụ tập một nơi, lập thành xã và lấy tên họ tộc mình mà gọi tên xã mình như : xã Hồ Xá, xã Phan Xá,..
– Ngoài ra phần đông các xã khác do nhà nước đặt tên bằng chữ Hán hay nhữ Nôm : xã Tân Sài, xã Cổ Trai,…Về sau, chúa Nguyễn Hoàng và các đời vua sau này có đổi tên một số xã. Vậy từ năm 1075-1553, trải qua gần năm thế kỷ, có 65 xã được thành lập trên đất hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh, mà chúng tôi gọi là “xã cổ”, vì nếu tính đến nay thì các xã đó đã được thành lập gần 9 thế kỷ rồi. Danh sách các xã cổ trên được ghi trong sách Ô Châu Cận Lục như sau :
1- Tùng Công (Liêm Công); 2 – Tân Sài; 3-Minh Ái; 4-Lân Trì; 5-Cổ Trai; 6-Tùng Luật; 7-Đan Duệ; 8-Tang Ma; 9-Lâm Sài; 10-Sa Lung; 11-Hàm Hòa (Hòa Lạc); 12-Hồ Xá; 13-An Điền; 14-Thượng Lập; 15-Trung Lập; 16-Lai Cách; 17-Xuân Mỹ; 18- Bắc Bạn; 19-Mô Nham; 20-Thạch Ma; 21-Cổ Hiền; 22-Tiên Trạo; 23-Vũ Tá; 24-Phan Xá; 25- Hoàng Các Thượng; 26- Hoàng Các Hạ; 27-Tân Manh; 28- Nguyễn Xá; 29- Lâm Cao; 30-Tử Lai; 31-Đặng Xá; 32-Duy Viên; 33- Lại Xá; 34-Thủy Ba Thượng; 35-Thủy Ba Hạ; 36-Vũ Xá; 37- Kinh Môn; 38-Bùi Xá; 39- Lệ Môn; 40- Cao Xá; 41- Gia Môn (Da Môn); 42- Hương Gia; 43- Lại Phúc; 44- Phúc Thị; 45- Hà Lạc Thượng; 46- Hà Lạc Hạ; 47- Hy Nguyễn; 48- Trí Tuyền; 49- Trúc Lâm; 50- Sùng Hoa Thượng; 51- Sùng Hoa Hạ; 52- Mai Xá; 53- Diêm Hà Thượng; 54- Diêm Hà Hạ; 55- Lâm Ngang; 56- Duy Phiên; 57- Thần Thái; 58- Xuân Lôi; 59- Hải Chữ; 60- An Bạch; 61- Bào Phố; 62- Thụy Khê; 63- Nhĩ Thượng; 64- Nhĩ Hạ; 65- Nhĩ Trung.
Như vậy, số xã tại hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh không có tên trong bản danh sách nói trên, tức là những xã đã được thành lập sau năm 1553 như xã Di Loan; xã Cát Sơn,…Sau khi nhà Lý đã lấy ba châu (Minh Linh, Địa Lý, Bố Chính) thì người Chăm căm thù người Việt. Năm 1104, Chàm đem quân lấy lại ba châu. Nhưng sau mấy tháng, vua Lý Thánh Tông lại sai tướng Lý Thường Kiệt đem quân vào đánh, quân Chàm thua phải trả lại ba châu. Rồi trong đời vua Trần Thái Tông (1225-1268), Chàm thỉnh thoảng lại qua quấy phá ven biển và cứ đòi lại ba châu đã nhượng.
3.CUỘC NAM TIẾN LẦN THỨ HAI (1307) VÀO TRIỆU PHONG VÀ HẢI LĂNG
Cuộc Nam tiến lần 1 vào phía bắc Quảng Trị do chinh chiến thì cuộc Nam tiến đợt 2 do tình duyên, là 232 năm (1075-1307).
Năm 1301, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho Trần Anh Tông, rồi ngài đi chùa Võ Lâm (Ninh Bình). Cùng năm đó, ngài rời chùa đi tham quan nước Chàm trong thời gian 9 tháng. Ngài có gặp Chế Mân vua Chàm và có hứa gả công chúa Huyền Trân cho vua. Sau đó ngài trở về nước.
Mãi tới 5 năm sau (1305), vua Chế Mân sai sứ thần và 100 người Chàm mang vàng bạc, hương quý, vật lạ sang cống xin cưới. Nhưng triều đình nhà Trần nhiều quan không tán thành cuộc tình duyên Việt – Chàm này. Thấy vậy, vua Chế Mân xin dâng hai châu Ô, Lý (từ sông Cửa Việt tới tỉnh Quảng Nam) làm lễ cưới, bấy giờ nhà Trần mới quyết định gã.
Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306), công chúa Huyền Trân về nhà chồng. Đoàn đưa dâu đi đường biển từ Thăng Long tới cửa Ô Long ( Tư Hiền). Thuyền đậu tại đấy rồi đoàn đưa dâu lên bộ đi tới kinh đô Chàm. Hồi đó, cửa Ô Long là một hải cảng lớn của Chàm, thuộc châu Ô có phong cảnh sơn thủy đẹp. Phía Nam giáp núi Cát Sơn, phía đông gần núi Quy Sơn (nay gọi là động Hòn Rùa hay núi Linh Thái) và núi Túy Vân, phía tây bắc thì trời nước mênh mông, vì từ nguồn Kim Trà, Cổ Nông, Hưng Vĩnh, Cao Đồi đổ đến. TRên chóp núi Quy Sơn và Túy Vân người Chàm đã xây cất nào tháp, nào chùa mà nay đã bị sụp đổ. Vì đoàn đưa dâu nghỉ lại đây nên nhà Trần đã đổi tên cửa Ô Long thành cửa Tú Dung, nhưng về sau Mạc Đăng Dung cho là chữ húy nên đổi lại thành cửa Tú Khách, rồi chúa Nguyễn đổi thành cửa Tư Hiền cho tới nay.
Năm tiếp theo cuộc đưa dâu (1307) nhà Trần thu nhận hai châu Ô, Lý của Chàm rồi đổi tên thành châu Thuận và châu Hóa. Đất đai huyện Triệu Phong và Hải Lăng, phía nam tỉnh Quảng Trị thuộc châu Thuận. Nhà Trần ra chiếu cho di dân vào ở. Hưởng ứng lệnh của nhà nước, người Nghệ An, Quảng Bình và bắc Quảng trị vào lập làng và khai khẩn đất mới từ sông Cửa Việt tới phía bắc tỉnh Quảng Nam. Quan hành khiển Đoàn Nhữ Hài được cử vào việc lập guồng máy cai trị ở đó.
Cũng như trong cuộc di dân lần 1, người Chàm rút lui để lại làng mạc, ruộng đất, vườn tược cho người Việt, người di dân tới ở và khai thác thêm. Họ lập xã thôn và gọi tên bằng nhiều cách, hoặc bằng tên họ tộc như : xã Trương Xá, xã Hoàng Xá hoặc bằng di tích lịch sử như xã Cổ Thành, hoặc bằng nghề nghiệp như xã Bố Liêu ( làm vải) hoặc bằng chữ Hán hay chữ Nôm do nhà nước đặt như xã Phúc Lộc, Hà Bá. Về sau chúa Nguyễn Hoàng có đổi tên một số xã.
Từ năm 1307-1553 người di dân đã thành lập được 59 xã trên đất Triệu Phong và 49 xã tại huyện Hải Lăng mà sách Ô Châu Cận Lục đã ghi lại như sau :
– 59 xã thuộc huyện Triệu Phong :
1- Hoa Vi; 2- Đông Dương; 3- Diên Cát; 4- An Nghi; 5- Cổ Lũy; 6- Toàn Giao; 7- Đan Quế; 8- Phương Lang; 9- Cổ Kinh; 10- Trung Đan; 11- Tiểu Khê; 12- Văn Phong; 13- Linh Vũ; 14- Linh Chiểu; 15- Đạo Đầu; 16- Hội Khách; 17- Đại Hào; 18- Hòa Điều; 19- Vân Đóa; 20- Vân Động; 21- Hướng Ngao; 22- Thượng Đô; 23- Hạ Đô; 24- Lang Gia; 25- Nhan Qua; 26- Ôn Tuyền; 27- Ái Tử; 28- Trung Chỉ; 29- Thượng Độ; 30- Hạ Độ; 31- Nghĩa Đoan; 32- Chính Lộ; 33- Thượng Nguyên; 34- Trà Bát; 35- Vĩnh Phúc; 36- Thiên Áng; 37- Lai Cách; 38- Thanh Đằng; 39- Trâm Hốt; 40- Trúc Giang; 41- Kỳ Trúc; 42- Bích Đàm; 43- An Cư; 44- An Việt; 45- Trúc Liêu; 46- Bố Liêu; 47- Lâm Gia; 48- Trương Xá; 49- Chính Đường; 50- Kim Đâu; 51- Trúc Kính; 52- Trúc Giang; 53- Tiểu Áng; 54- Tam Vô; 55- Liên Trì; 56- Tài Lương; 57- Phù Ba; 58- An Nhân; 59- An Nghiệp.
– 49 xã thuộc huyện Hải Lăng :
1- An Thư; 2- Vĩnh Hưng; 3- Văn Quỹ; 4- Câu Nhi; 5- Hà Lộ; 6- Lãng Uyên; 7- Đoan Trang; 8- Diên Sinh; 9- Câu Hoan; 10- Trà Trì Thượng; 11- Trà Trì Hạ; 12- Lam Thủy; 13- Mai Đàn; 14- Hương Lan; 15- Hương Liễu; 16- Long Đôi; 17- Thái Nại; 18- An Khang; 19- Hoàng Xá; 20- Xuân Lâm; 21- Tích Tường; 22- Như Lệ; 23- Thạch Hàn; 24- Cổ Thành; 25- Thương Mang; 26- Hoa Ngạn; 27- Phù Lưu; 28- Nha Nghi; 29- Hữu Điều; 30- Hoa La; 31- An Lộng; 32- Hà Mi; 33- Nại Cửu; 34- Dương Lệ; 35- Dương Chiếu; 36- An Toàn; 37- Động Giám; 38- Dã Độ; 39- An Giã; 40- Quảng Đâu; 41- Đâu Động; 42- Phúc Lộc; 43- Đại Bối; 44- Tiểu Bối; 45- Tiểu Bị; 46- Đại Bị; 47- An Hưng; 48- Hà Bá; 49- Đâu Kim.
Tính đến nay số 108 xã thuộc cổ Triệu Phong và Hải Lăng kể trên đã thành lập gần 7 thế kỷ (1307-1990). Số các xã khác không có tên ở trên là những xã được thành lập sau năm 1553. Vậy số xã cổ tỉnh Quảng Trị đã trải qua bao biến cố thăng trầm mà tồn tại tới nay, thật là :”đá trôi, làng không trôi”.
- Các xã thành lập từ Nguyễn Hoàng về sau :
Trong các phần trên, chúng tôi đã ghi tên 173 xã cổ có trước đời chúa Nguyễn Hoàng (1075-1558). Sau đây, xin ghi thêm một số xã cổ có từ đời Nguyễn Hoàng về sau : (1558-1776).
- Huyện Hải Lăng :
1- Tổng Hoa La, các xã : Hồng Khê (nay là Bích Khê), Nại Diên, Tả Hữu, An Tiêm, Cổ Bưu, Phù Lưu, Dư Triều, Hậu Lễ, Long Hưng, Vệ Nghĩa, Xuân An, Vạn Long, Na Nẫm
2- Tổng An Thư, các xã : Mỹ Chánh, Hội Kỳ.
3- Tổng An Dã, các xã : An Trung, Đại Hòa, Quảng Điền, Vũ Thuận, An Lệ nhị giáp, Duy Hòa, Giáo Liêm, Phụ Tài, Thanh Liêm, Quảng Lượng, Hiền Lương, Phan Xá, Trúc Đăng.
4- Tổng Câu Hoan : các xã : Trường Sinh, An Phúc, Hà Lộc, Lương Phúc, Miển Trạch, Đổ Phùng.
5- Tổng An Khang, các xã : An Khang, Đại Nại, Trà Lộc, La Duy, Hương Vân, Anh Hoa, Tam Hữu, Duân Kinh, Thi Ông, Thượng Xá, Trâm Lý, Xuân Lâm, Mai Lộc, Phú Xuân, Mai Hoa, Mai Đàn, Thượng Thôn.
II- Huyện Đăng Xương (Triệu Phong)
1- Tổng An Phúc, các xã : An Phúc, Hòa Viện, Diên Phúc, Kim Giao, Kim Lung, Đan Quế, Hội Yên, Đà Nghị, Ba Du, Phúc Kinh, Thượng An, Đôn Điềm, Thâm Khê, Mỹ Thủy, Tân An.
2- Tổng An Lưu, các xã : An Lưu, Hương Liệu, Thượng Trạch, An Phú, An Trụ, Đồng Bào, Tài Lương, Thanh Lê, Mỹ Khê, Xuân Dương, Trung An, Phú Hải, Phủ Toàn, Ba Lăng, Văn Phong, Gia Đẳng, Thuận Đầu, An Bôi, Tân An, Ngô Xá đông giáp, Ngô Xá tây giáp.
3- Tổng An Cư, các xã : An Cư, Bồ Bản, Hà Bá, Linh An, Đăng Long, Lại Phú, Lỗ Truyền, An Trạch, Nho Lý, Lưỡng Toàn, Hạo Ly, Như Liễu, Mỹ Lộc, Tân Định, An Việt, Phúc Lễ, Tường Vân, Vân Tường, An Tục, Phụ Lũy, Khang Vĩnh, An Toàn, Tân An.
4- Tổng An Đôn, các xã : An Đôn, Thượng Phúc, Phúc Toàn, Phù Ang, Trà Lễ, Lại Phúc, Vân An, Hà Xá, Đại Áng, Lập Thạch, Phương Lương, Phú An, Lăng Phúc, Điếu Ngao, Đông Hà, Đông Vu, Y Bích, Bạch Câu, Cây Khế, Giang Hiếu, Hà Xá, Thiết Trường, Tử Chính, THiết Tường, Hạ Phương, Sơn Trạch, Sơn Hằng, An Trung, Ngũ Giáp.
5- Tổng An Lạc, các xã : An Lạc, Phả Lại, An Bình, Phú Ngạn, Trúc Khê, Nhật Lệ, Thuận Đức, Lâm Lang, Phi Hữu, An Thịch, Bào Đá, Trung Bác, Phả Lại, An Xuân, Phúc An, Khang Mỹ, An Bình, Khang Thái, Tân An, Ba Xuân, Cây Lúa, Bái Sơn, Thiết Trường, Cam Lộ, Thiên Xuân, Bố Chính, Quật Xá, An Sát.
III. Huyện Minh Linh (Vĩnh Linh và Gio Linh)
- Tổng An Xá, các xã : An Xá, Kinh Môn, Trung Xá, Lang Môn, Hương Đình, Hà Thượng, Hà trung, Hà Hạ, Phúc Xuân, Lâm Xuân, Vĩnh Hòa Thượng, Vĩnh Hòa Hạ, Kỳ Trúc, Tân An, Kỳ Lâm, Lịch Tân, Bào Cục, Hương Đình, Liễu Môn.
- Tổng Minh Lương, các xã : Minh Lương, An Do, Gia Lâm, Phúc Lâm, Di Loan, Thạch Tuyền, Thủy Bạn, Cồn Cát, An Xá, Để Vòng, Châu Thị, Thịnh Mỹ, Mỹ Lộc, Tứ Chính, Tân Khang, Thương Tuyền, Sa Lung, Phú Trường, Phú Xuân Thị, An Khang.
- Tổng Bái Trời, các phường : Tân An, An Hướng, Trung An, An Định, Cảnh Sơn, Long Sơn, Gia Định, Hương Khê, Phú Ốc, Thượng Nhâm, Khang Xá, Phú Vinh, An Định Nha, An Phúc, Nam Dương, Bình An, Phú Xuân, Khe Sông, An Lộc.
- Tổng Thủy Ba, các xã : Tiên Trạo, Nguyễn Xá, Duy Viên, Tiên An, Lô Xá, Tứ Lai, Cổ Hiền, Hoàng Xá Thượng, Hoàng Xá Hạ, Mỹ Xá, Phúc Thuận, Đại Phúc, Phúc Lộc.
- Tổng Yên Mỹ, các xã : Yên Mỹ, Thời Thừa, Hoàng Hà, Diêm Hà Trung, Hà Lợi Thượng, Hà Lợi Trung, Hà Lộc, An Lộc, Đại Lộc, Ngọc Giáp, Trung An, Phúc An, Bạch Câu, Tây Giáp, Xuân An, Trù Cương, Xuân Lung, Mai Xá Thị, Cảnh Dương.
Sách Phương Đình Dư Địa Chí của Nguyễn Văn Siêu nói nhà Lê đã lập địa bộ Quảng Trị, nhưng chúng tôi không được bản lưu chiếu. Nhà Mạc đã soạn châu Bộ Quảng Trị, có bản lưu chiếu trong sách Ô Châu Cận Lục, do ông Dương Văn An ghi lại năm 1553, mà chúng tôi đã kể trong phần trên. Các chúa Nguyễn đã lập địa bộ Quảng Trị, có bản lưu chiếu do ông Lê Quý Đôn viết trong cuốn Phủ Biên Tạp Lục vào năm 1760, mà chúng tôi đã ghi trên. Bản địa bộ họ Nguyễn đã viết rõ ràng có huyện, tổng, xã, số làng được thêm nhiều và nhiều làng được đổi tên như làng Dương Chiếu ra làng Dương Lộc, làng Đại Bị ra làng Đại Lộc,…Sau mấy mươi năm nổi loạn giữa 3 nhà : Nguyễn, Trịnh và Tây Sơn, rồi Gia Long phục quốc và hạ sắc dụ quản tu địa bộ. Mỗi làng nhận bản địa bộ riêng và được giao cho ông “Thủ bộ” cất giữ cẩn thận. Ngày nay gọi là bộ “Gia Long”. Trong bộ này, Gia Long còn có đổi tên nhiều làng như làng An Lệ nhị giáp đổi thành Dương Lệ Nhị Phe tức là phe Văn và phe Đông, thường gọi là Dương Lệ Đông và Dương Lệ Văn. Làng An Toàn đổi thành làng An Lợi,…Trong bộ Gia Long cũng có ghi thêm nhiều làng mới. Ví dụ làng An Do huyện Vĩnh Linh vì quá rộng mà chia thành nhiều làng như sau : làng An Do Tây làng chính rồi chia ra thôn An Do Đông, An Bằng, An Ngãi, An Lễ và An Trí. Làng Di Loan được chia ra làng Hòa Ninh và và làng Loan Lý. Làng Bái Sơn huyện Gio Linh thành làng An Hòa, làng Nam Tây, làng Vạn Thiện, làng Cổ Vưu (Trí Bưu) xuất ra thành phường Lá Vằng, làng Hạnh Hoa, làng Cây Đa,…
Tại Quảng Trị người ta có dùng tiếng “Kẻ” để gọi tên một số làng. Danh từ “Kẻ” gọi là Người, tên đó là tên địa phương, chứ không phải là tên hành chính trong địa bộ làng. Ví dụ họ gọi làng Di Loan, xứ Cửa Tùng là làng “Kẻ Mói”, vì ngày xưa người Di Loan làm nghề muối. Làng “Kẻ Giáo” là làng Giáo Liêm, làng “Kẻ Triêm” là làng “Thanh Liêm”, làng “Kẻ Diên” là làng Diên Sanh, làng “Kẻ Văn” là làng Văn Quỷ, làng “Kẻ Vịnh” là làng Vịnh Hưng, làng “Kẻ Bố” là làng Bố Liêu,…
Chúng tôi soạn bài :” Sự thành lập các làng cổ ở Quảng Trị” với mục đích ghi lại những trang sử quý giá của tỉnh, mặc dù nó chưa đầy đủ và những con số trong danh sách trên không phải tuyệt đối là đúng, mong quý bạn bổ túc thêm. Chúng tôi thiết tha yêu cầu sau này có vị sử gia nào nghiên cứu gốc tích mỗi làng và soạn trang sử cho mỗi làng một và thành ấn loát thành bộ sách lịch sử của tỉnh Quảng Trị, thì hữu ích cho con cháu hậu thế biết bao.
Linh mục Nguyễn Văn Ngọc
@huyhoang