– Mày vô chơi chừng nào dzề?
– Chiều mai.
– Tối nay đi bắt tắc kè với tao hông?
– Bắt làm gì?
– Bán, tao bán cho người ta làm thuốc, hai ngàn đồng một con.
Tôi với nó cùng tuổi nên vào mẫu giáo cùng một lượt, nhà nó từng ở khu Gia Binh Thủ Đức rồi bị đưa đi Kinh Tế Mới cùng lượt với nhà tôi. Ba nó là lính và nghe đâu đã tử trận ở Long Khánh vào những ngày cuối cùng của cuộc chiến mà cho mãi đến gìờ xác vẫn chưa tìm được. Nó lớn lên với Mẹ và một đứa em gái.
Chiều sập tối, nó đạp xe chạy trước dẫn đường còn tôi thì đạp xe bám theo. Vào đến bìa rừng, chúng tôi giấu xe vào một lùm dây gùi rất rậm rồi đi theo con đường mòn hướng lên trên núi. Nó đội một cái đèn đi rừng có hai dây điện lòn ra sau cắm vào hai cọc bình ắc quy đựng trong bao cát mang trên lưng. Tôi đi theo nó tay cầm cái túi vải nó đưa cho để hễ nó bắt được con nào thì đưa vào túi cho tôi giữ.
Nó dừng lại bẻ một nhánh cây dài khoảng hai mét to bằng ngón tay cái giống như cây roi dùng để đánh bò, rồi vừa đi vừa tước hết lá trên cây roi ấy vừa hỏi tôi:
– Mày có sợ ma hông?
– Hồi nhỏ thì sợ, giờ thì tao chỉ sợ ma sống thôi.
Tuy nói chắc vậy nhưng tự nhiên tôi thấy như có một cái gì đó lành lạnh chạy dọc sống lưng. Hồi nhỏ tôi nghe người dân địa phương kể lại không biết bao nhiêu lần về chuyện ma ở vùng núi này, bởi vậy núi mới được đặt tên là núi Hồ Linh. Nhiều câu chuyện nghe rất rùng rợn chẳng hạn như câu chuyện này.
“…hôm đó khi đang ủi đất làm con đường đi ngang Hồ Linh để đi ra biển thì đột nhiên chiếc xe ủi dừng lại như bị vướng vào một thân cây rất lớn. Người tài xế leo xuống xe xem xét thì giật mình kinh ngạc khi thấy nằm ngang bánh của chiếc xe ủi là xác một con nai chà thật to. Ông lật đật chạy về lán kêu người ra giúp một tay kéo xác con nai nhưng khi mọi người đến nơi thì chỉ thấy một chiếc hòm gỗ bị xe ủi xới lên và bên trong là một bộ xương người đã khô…”
Những câu chuyện tương tự như vậy tôi từng nghe rất nhiều nên giờ này bước đi trong chính cái khu rừng linh thiêng này trong đêm tối không khỏi khiến tôi rùng mình, đã vậy lũ chim táp muỗi cứ thình lình vỗ cánh ‘…sột…sột…’ trong những lùm cây hai bên đường mòn càng khiến tôi lạnh chân hơn. Rất may là lúc đó trăng đã nhú đầu lên và ánh trăng rằm bàng bạc bắt đầu tỏa xuống xuyên qua những khe lá tạo nên những đốm sáng nho nhỏ bên dưới những tàng cây khiến cho cái âm u rờn rợn của núi rừng có phần nào được xua đi.
– Trăng lên rồi, trăng lên cao chút nữa thì tắc kè sẽ đi kiếm ăn.
Nó vừa nói vừa dừng lại sửa cái đèn đội trên đầu cho ngay ngắn lại. Chiếc đèn nhỏ xíu chiếu ra một luồng ánh sáng bằng cỡ cái nia sàng gạo khoảng vài chục mét. Nó hướng ánh đèn lên thân cây dầu rái rồi đưa tay xoay cái đèn mấy vòng cho ánh sáng gom lại một chổ trên thân cây và ra hiệu cho tôi:
– Ngồi đây nghỉ chút đi, đợi trăng lên cao chút nữa là được.
Nói xong nó tắt đèn rồi dỡ cái bình ắc quy ra khỏi lưng đặt xuống đất, chúng tôi ngồi xuống một bãi cát trắng phau lác đác vài bụi cỏ lá kim mọc rải rác khắp nơi. Ánh trăng mơ màng tỏa lên trảng cát dài trước mặt khiến cho khung cảnh núi rừng lung linh hệt như cảnh trong bộ phim thần thoại của Liên Xô ‘Cậu Bé Và Chú Ngựa Con’ mà tôi rất thích. Cái cảm giác sợ ma tự lúc nào đã nhường chổ cho khả năng tưởng tượng phong phú của tôi mặc sức tung hoành. Tôi mường tượng ra cảnh những con ngựa thần bay xuống ăn lúa trong ánh trăng tuyệt đẹp như trong bộ phim. Rồi lại tưởng tượng ra cảnh một đàn tiên từ trên trời nhẹ nhàng đáp xuống bãi cát trắng giữa khung cảnh núi rừng hoang vắng này, họ vừa quay quanh tôi vừa hát những điệu nhạc du dương và múa những đường múa thật lã lướt và lãng mạn. Gió thổi hiu hiu, nhè nhẹ nhưng cũng đủ làm cho những cánh hoa dầu vừa rơi vừa xoay trong ánh trăng bàng bạc cứ như thể chúng vừa được ai đó đứng trên bề mặt chị Hằng vung từng nắm tay mà rãi chúng xuống trần gian vậy. Hình ảnh chú Cuội ngồi dưới gốc đa hôm nay hiện rõ mồn một, tôi nhìn bóng dáng cô đơn của chú mà như cảm nhận được cái lạnh lẻo buồn bã của một người đã bị chận mất lối đoàn viên với những người thân.
– Nhà mầy dời ra quyện (huyện) sống được hông? Nó đột ngột hỏi tôi.
– Được, ngoài đó có ruộng làm cũng đở hơn ngày xưa ở đây làm rẫy.
– Ừa, làm ruộng thì được ăn gạo, không phải ăn khoai… giọng nó hơi buồn buồn.
Rồi như nhớ ra điều gì, nó hỏi giọng có vẻ hứng khởi lắm:
– Nghe nói mấy người sĩ quan đi cải tạo về giờ được đi Mỹ, nhà mày có đi hông?
– Nhà tao làm giấy tờ rồi, nhưng không biết có đi được không.
– Nếu đi được là mầy sướng nha, làm dziệt kiều.
Tôi cười, nó cũng cười. Trong ánh trăng tôi thấy nụ cười của nó đượm một nét buồn kỳ lạ, cái cảm giác buồn mà bất cứ ai trong chúng ta cũng từng trải qua khi biết rằng cánh cửa tương lai sẽ mở ra cho một người bạn nhưng sẽ không bao giờ mở ra cho mình. Tôi hiểu tâm trạng của nó nên buông một câu an ủi.(Hình dưới : Tác giả TT bên mộ bạn)
– Còn chờ đợi lâu lắm, mà cũng chưa chắc gì đi được đâu mày ơi.
Rồi tôi chuyển đề tài và hỏi nó:
– Sao mày không ra huyện học tiếp lên cấp ba?
– Xa quá! mỗi ngày đạp xe ba mươi cây số tao đạp không nỗi, mà nhà tao khổ quá mày cũng biết rồi đó.
– Vậy bây giờ mày làm ăn ra sao?
– Ăn không chứ làm gì…cười..mùa mưa thì làm rẫy, mùa nắng thì đụng gì làm nấy…không đi bắt tắc kè thì tao đi mua ve chai.
Mắt nó chợt sáng lên.
– Tao mới vừa mua được một trái 105 ly, mai tao đem ra nghĩa địa cưa chắc kiếm cũng đươc cả trăm ngàn.
– Hả…cưa đạn?.. mày gan vậy?…tôi há miệng sợ hãi.
Nó cười tỉnh queo:
– Đâu có sao! Tao quen một ông đi bộ đội dzề rành ba cái này lắm, mai tao dzới ổng cưa.
Tôi rùng mình, chưa kịp nói gì thêm thì…
– tắc kè…tắc kè…tắc kè…
Tiếng tắc kè đột ngột vang lên trong mảng rừng trước mặt. Nó nhổm dậy như cái lò xo và xốc chiếc bình ắc quy lên lưng rồi rọi đèn đi về hướng đó. Tôi đi theo sát sau lưng nó vừa đi vừa nhớ lại lúc nhỏ tôi có thói quen hay đếm tiếng tắc kè kêu mỗi khi con tắc kè trên nóc nhà cất tiếng. Tôi nhớ lời anh tôi nói hễ tắc kè mà kêu ba tiếng thì chắc chắn có điều gì xui xẻo sắp sửa xảy ra.
Nó thoăn thoắt vạch nhánh cây rừng tiến về phía vừa phát ra tiếng tắc kè kêu, tôi bám theo sát phía sau được một quãng thì nó ra hiệu cho tôi dừng lại, rồi nhẹ nhàng tiến đến gốc một cây mã tiền to lớn mọc sát bên vách đá. Theo ánh đèn trên đầu nó tôi nhìn thấy hai con mắt đỏ rực như hai trái trứng cá nằm trên thân cây cách mặt đất khoảng chừng 3 mét. Nó tiến đến sát gốc cây rổi dùng cây roi trên tay quất nhè nhẹ phía trên hai chấm đỏ một chút, hai chấm đỏ từ từ di chuyển xuống phía dưới gốc cây và khi đã ngang tầm tay thì nó nhanh tay chộp lấy.
Tôi tiến lại đưa chiếc túi cho nó bỏ vào, nó chìa cho tôi xem một con tắc kè bông mình mẩy hoa cà với chiếc hàm dưới đã bị bẻ gảy.
– Sao bẻ hàm nó chi vậy?
– Để nó đừng cắn nhau đứt đuôi không bán đươc.
Nó hồ hởi ra mặt… cũng phải thôi vì con tắc kè nó vừa bắt được sẽ là cơm là rau cho bữa ăn ngày mai. Trong khi nó nhanh nhẹn quơ đèn khắp các hướng khác nhau để tìm thêm những chấm mắt sáng đỏ khác thì tôi vừa bước theo nó vừa loay hoay với cái cảm giác thương hại đến con vật tội nghiệp đang ngọ nguậy trong chiếc túi vải tôi cầm trên tay. Những sản vật của núi rừng mà nó và tôi đang săn lùng này từng một thời đầy dẫy thừa mứa thì nay đã ngày càng ít đi rất nhiều. Tôi có cảm giác khu rừng mà chúng tôi đang lùng sục như là một người Mẹ già cố chắt chiu những giọt sữa cuối cùng trong đời để nuôi sống những đứa con như nó, những đưá con mà ngoài việc bám lấy núi rừng để sống qua ngày thì chẳng còn biết phải bám víu vào đâu.
***
Chiều hôm sau khi tôi đạp xe về ngang chợ huyện thì cũng vào lúc những chiếc loa truyền thanh dọc hai bên đường đang oang oang phát đi bản tin địa phương buổi chiều. Tôi còn nhớ như in chất giọng miền Bắc đặc trưng của người đọc bản tin hôm ấy. Cái chất giọng và cách dùng từ rất lạ lẫm đối với những người sinh ra và lớn lên trong miền Nam như tôi.
“…Một vụ cưa trái nổ trái phép diễn ra tại xã… vụ nổ khiến hai ‘Tên’ thiệt mạng tại chổ…”
Mãi đến bây giờ tôi vẫn không hiểu vì sao người xướng ngôn viên đã dùng đại từ ‘Tên’ để ám chỉ hai con người xấu số chiều hôm ấy. Nó có phải là một ‘Tên’ tội phạm gì đâu, nó chỉ là một người đi tìm một chút sự sống trong cõi chết thôi mà.
Trần Thức
March, 2018