hoànglonghải

Kể chuyện Quảng Trị

Thầy cũ:
“Ông Ngân”…

(Trích trong “Xóm cũ”, hồi ký)
hoànglonghải

Tôi là thằng học trò “mất dạy”.
Điều đó tôi nói thật. Cả trường (niên khóa 1951- 52 / niên khóa đầu tiên và 1952-53, niên khóa thứ hai của trường Trung Học Quảng Trị), bọn học trò gọi ông Lê Đình Ngân một cách kính cẩn là “Thầy Ngân” hoặc, đàng hoàng hơn “Thầy Lê Đình Ngân” thì tôi, – và một vài thằng “mất dạy” như tôi nữa, như Nguyễn Tri Châu, Hồ Diện, sau nầy thêm vô tiếng đệm nữa là Hồ Xuân Diện, Hồ Trọng Toàn…cũng gọi trổng “Ông Ngân” như tôi.

Không riêng gì ông Ngân đâu. Các thầy khác cũng bị “bọn tôi” gọi trổng như thế. Chẳng hạn: Ông Bích, ông Hùng, ông Phụ, ông Khánh đều “bị” chúng tôi gọi như thế cả. Ngoại trừ ông Nguyễn Văn Hải, hiệu trưởng đầu tiên, thì gọi là ông Tham Hải, tiếng gọi chung của mọi người. Ông Hồ Duy Tình gọi là Ông Hội Tình (Hội viên hội đồng thành phố bầu năm 1952 hay 53?). Ông nầy là thủy quỹ của trường, cũng chỉ một niên khóa đầu tiên mà thôi.

Những thằng gọi trổng tên thầy như tôi, xét cho kỹ, đều là “dân thành phố cả”. Bọn nhà quê, bọn Đông Hà, bọn Diên Sanh lễ phép hơn. Chúng nó gọi “thầy” đàng hoàng.

Tôi còn “được” bạn bè gọi bằng một cái biệt danh khác nữa: “Thằng lãng tử”. Bọn chúng gọi đúng đấy. Từ trước năm tản cư (1945), tôi mới 6 tuổi, đã đi khắp thành phố Quảng Trị rồi: Ga, Long Hưng, Văn Thánh (bạn có biết ở đâu không? Bên Nhan Biều đấy), Ái Tử, An Đôn, Qui Thiện, Trí Bưu, Cổ Thành, Nại Cửu, Cửa Việt, Cửa Tùng… tôi đi khắp rồi.

Còn trong chiến tranh?
Chợ Cạn, Đồng Bào, Liên (hay Linh?) Chiểu, Gia Đẳng, An Cư, Hiền Lương, Chợ huyện, Chợ Phủ, Huỳnh Công, Hạ Cờ, Thủy Bạn, Cát Sơn, An Mỹ, Lệ Môn, Trấm (xã Phong An), “chiến khu” Ba Lòng… tôi cũng đi khắp.

Trước 1954 – năm tôi bỏ xứ mà đi – tôi cũng đã lang thang tới “Cây đa bến cộ” ở làng Diên Trường, Bến Đá (cầu Trường Sanh), Vân Trình, Mỹ Chánh… Những năm tôi với Hường, vợ tôi sau nầy, “bắt bồ” với nhau thì “hai đứa” đi chơi càng dữ: Không phải La Vang đâu! Xa hơn nữa: Nhà thờ Phước Môn, “đồi thông hai mộ”: Mộ ông Nguyễn Hữu Bài và vợ ông, xa hơn nhà thờ Phước Môn một chút xíu nữa, gần chân núi Trường Sơn rồi qua Tân Lệ, Như Lệ…

&

Niên khóa đầu tiên (1951-52), trường Trung học Tư Thục Quảng Trị (gọi như thế mới đúng tên trường), có 3 thầy chính:

-Ông Thái Mộng Hùng, mới đậu tú tài 2, ban gì không biết, con thầy Trợ Liên (Thái Tăng Liên, bạn với “cậu” (cha tôi đấy, gọi bằng cậu, con khó nuôi), quê ở Cam Lộ. Ông Hùng dạy: Việt Văn (rất buồn ngủ), vạn vật (buồn ngủ hơn).

-Ông Lê Bích, mới đậu tú tài 2, ban toán. Anh ông Lê Bích là ông Lê Oanh, công chức Bưu Điện Quảng Trị, huynh trưởng gia đình Phật tử Quảng Thiện, gia đình Phạt tử duy nhất ở thị xã Quảng Trị (ngoài ra còn có gia đình Phật tử thứ 2 của anh Nguyễn Quang Toản ở Đông Hà, tên là gì tôi không biết). Ông Tư Đồ Minh muốn thành lập một gia đình nữa ở Diên Sanh, nơi ông sinh sống, nhưng Diên Sanh lúc đó dân chúng ít quá, không đủ “nhân số” để tập họp thành một gia đình. Qua năm sau mới có.

Có lẽ qua ông anh nên ông Bích mới ra dạy ở Quảng Trị. Ông Bích dạy toán (đệ Lục) và Anh văn (dùng sách “Anglaise Vivant” blue. Ông Bích đọc tiếng Anh nghe rất rõ múi ruốc Huế nấu bún bò. Học trò ông, Hoàng thị Lệ Khanh, dân Đông Hà, đọc tiếng Anh còn pha thêm một chút “con hến luộc” của làng Điếu Ngao.

-Ông Lê Quít, người thứ ba. Có lẽ ông Lê Quít mới đậu trung học, cỡ như Brevet Elementaire, nguyên là hiệu trưởng trường Tiểu Học Đông Hà. Ông dạy Toán và Pháp Văn.

Các thầy dạy phụ:
Ông Phan Minh Phụ, công chức tòa án Quảng Trị, dạy Pháp Văn Đệ Lục. Ở lớp nầy có hai học trò con của ông là Phan thị Thu Thủy, xấu đẹp tôi không nhớ, có lẽ cũng có thước tấc, như ông bố vậy. “Đàn chị” mà! Để ý làm gì (?!), mất công; và em của Thủy là Phan Minh Ân.

Ông Nguyễn Vọng, cán bộ ty Thông Tin, dạy Hán Văn. Ông nầy có “tâm hồn văn nghệ” lắm. Ông viết lại câu chuyện ngắn “Bóp thì bóp” (1), đem vô lớp đọc cho học trò nghe. Chỉ có tôi thích mà thôi. Mấy đứa kia “vô tri bất mộ”, “đàn gãy tai trâu” biết gì! Ông Vọng đi kháng chiến, có lẽ bị Việt Cộng “biên chế” vì gốc “tạch tạch sè”, đuổi hay ông bỏ về? Ông dáng người cao, ốm, đeo kính trắng, già nhất trong số các thầy.

-Ông Lê Khắc Khánh, dòng Lê Khắc ở Huế, phía ông bác sĩ Lê Khắc Quyến. Ông Khánh dạy nhạc, vợ ông đẹp lắm, là con gái “ông Xạ Đồng”, chị ông Lê Huân.

-Hiệu trưởng là ông “Tham Hải”. Ông nầy chưa có bằng tú tài, chỉ là Agent technique, sau nầy gọi là cán sự, ngành Công Chánh. Ông gốc Huế, hồi nầy ra Quảng Trị làm thầu xây cất cho lính Tây – xây đồn bót hay doanh trại –

-Ông Hội Tình, “nhân vật quan trọng” vì ông thu học phí, trả lương thầy (dạy giờ – dạy giờ nào, ăn giờ nấy). Ông Hội Tình nguyên là thầy giáo làng, ở làng Hội Yên, phủ Hải Lăng. Mới đây, ông Nguyễn Hữu Tuấn ở Boston cho tôi biết ông Hội Tình không phải quê ở Hội Yên mà ở một làng gần đó. Hội Yên có nhà thờ lớn, ông thường đi nhà thờ nầy.

Chiến tranh bùng nổ, ông Hội Tình sợ Việt Minh, Việt Minh thường cầm mã tấu đi tìm những người có đạo, nên ông trốn ra thị xã, núp bóng Tây cho yên thân. Ông làm nghề “xanh xít đít đui” (cho vay 5 (cinq) trả thành 6 (six), vay 10 (dix) trả thành 12 (douize). Thỉnh thoảng, ông đứng ra tổ chức hội chợ “cứu trợ” cái gì đó như bây giờ chùa với nhà thờ tổ chức tùm lum vậy đó.

Ông Hội Tình thuộc hàng ngũ “hễ thấy hơi tiền thì mê” nên cùng ông Tham Hải, vận động thêm một số “thân hào nhân sĩ”, đặc biệt là cụ Tôn Thất Dương Thanh, trưởng ty Tiểu Học Vụ, đứng ra mở trường trung học cho học sinh nghèo ở thị xã Quảng Trị và vùng chung quanh…

Tôi cám ơn trường nầy vô vàn.
Năm đó, 1951, tôi đậu tiểu học. Nếu “các cụ” không mở trường trung học thì tôi học ở đâu? Không lý chui vô vùng Việt Minh mà học như Lê Hữu Thăng. Ai không có tiền vô học trung học ở Huế, như tôi chẳng hạn, thì học nghề: Sửa xe đạp, thợ giày, thợ hớt tóc, thợ may… có thể. Nếu không học trung học, tôi dã thành thợ nề (thợ hồ); lỡ như Việt Cộng bắt đi “xây lăng bác Hồ” thì bỏ mẹ!!!!!

Cũng may, năm đó, ông Phạm Đình Ái, theo kháng chiến, dù đã được ông Hồ Chí Minh thưởng “Kháng chiến bội tinh” cùng với ông Trần Đại Nghĩa, chế ra vũ khí cho Việt Minh (SKZ và Bangalore) đang ở Thanh Hóa thì trốn về, làm giám đốc nha Học Chanh Trung Việt. Ông lo mở mang giáo dục nên việc thành lập trường Trung Học Quảng Trị được dễ dàng.

Mấy cụ “thân hào nhân sĩ” phần đông “đi chùa”, bỗng dưng thấy hai ông “đi nhà thờ” Tham Hải và Hội Tình, nắm thủ quỹ trường Trung Học, thu học phí, vô lý quá, không có lợi chi cho bọn học trò nghèo cả, bèn xin chính phủ cho quốc hữu hóa trường nầy. Năm sau, bọn học trò khỏi đóng học phí, khỏe quá.

Người đúng ra vận động, vô Huế xin ông giám đốc Phạm Đình Ái cứu xét “công lập hóa” ngôi trường là cụ trợ Đãi, tên đầy đủ là Phan Quang Đãi – thân phụ anh Phan Quang Nam và anh bạn học Phan Quang Dinh và “cô nường” Phan thị Ngọc Tĩnh – vô ra Huế nhiều lần, mới thành việc. Bọn học trò năm ấy, bắt đầu khỏi đóng học phí thì nhờ ơn nhiều nhất là cụ Đãi. “Tụi bây” phải biết nhớ ơn.

Niên khóa sau, mấy thầy rời khỏi trường:

Ông Lê Bích ra Hà Nội học kiến trúc sư. Ông Thái mộng Hùng, ông Lê Quít bị động viên, đi sĩ quan Thủ Đưc. Ông Quít không có mạng “làm quan võ”, đi lính gần hai chục năm mà lon lá chỉ tới đại úy hay thiếu tá gì đó. Khi ông là sĩ quan, có người còn mang lon trung sĩ, nhờ ông thi giùm cho đi học sĩ quan, sau lên tới đại tá. Gặp bạn cũ, chắc ông Quít chào mỏi tay luôn. Vậy mà bạn cũ đành lơ!

Vậy là thiếu thầy!
Niên khóa 1952 – 53, tôi học Đệ Lục. Bấy giờ ông Lê Đình Ngân, thường gọi là ông Phán Ngân, hình như làm việc ở phòng (hay ty?) Tài Chánh của Tỉnh Đường, và ông Lê Đình Trình, thường gọi là ông Phán Trình, làm Tòa Án, sang làm giáo sư phụ, dạy học trò. Mấy năm sau thì ông Trình thôi dạy, còn ông Ngân thì xin chuyển hẳn sang làm giáo sư trung học.

Cũng năm ấy, hai vợ chồng ông Tôn Thất Dương Kỳ – bà Khuê, tôi không nhớ họ, ở chiến khu về, được bổ dụng làm giáo sư. Năm sau nữa có ông Nhơn và cô Bích. Bấy giờ thì tôi đã trốn nhà “lưu lạc giang hồ” mất rồi.

Cũng năm tôi học Đệ Lục, ông Ngân dạy Việt Văn, mấy năm sau, ông chuyên dạy Pháp văn.

Tôi là học trò “ba lơi khơi”, xuất hiện đầu phố cuối chợ nhiều hơn ở trường.

Ôi! Đời học trò đáng yêu biết bao nhiêu:

“Làm học trò nhưng không sách cầm tay
Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ!

“Nắng thuở đó khiến lòng ta hồi hộp
Phố phường vui cuộc sống mới lên hoa!
Ta ngồi nghe những tiếng thị thành xa,
Hồn lơ đảng mộng ra ngoài cửa lớp!

Thơ Đinh Hùng đấy! “Thần tượng học trò” của tôi đấy!

Thứ hai nữa, tôi ham đọc sách – truyện thì đúng hơn – cho nên “Phòng Thông Tin Hoa Kỳ” – ở nhà Vạn An, bên hông chợ Quảng Trị, đường Trưng Trắc, và Thư viện tỉnh Quảng Trị, ở nhà ông Cửu Trình – Lê Văn Trình, ở góc chợ Quảng Trị, phía bờ sông, cuối dãy phố Diệp Đức Ký là nơi tôi xuất hiện nhiều hơn, không ngày nào là không có mặt tôi. Ở Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, báo nhiều hơn sách, ở Thư Viện, chỉ có sách mà không có báo. Bao nhiêu sách ở đây, tôi “ngốn” hết, không chừa cuốn nào.

Người coi thư viện là bác Trình – cũng tên Lê Đình Trình – là người rất “ưu ái” tôi; nói dại, không thua gì bố Dương Khai Tuệ với Mao Trạch Đông. Tiếc rằng bác Trình không gã con gái cho tôi như bố Dương Khai Tuệ gã bà nầy cho ông Mao làm vợ. Hơn nữa, tôi không biết bác Trình có con gái hay không! Nếu có chăng, con bác còn nhỏ xíu!

Tụi bạn tôi, mượn sách thường trả trễ. Chúng nó có đọc đâu mà trả sớm. Còn tôi, ham đọc sách nên “ngốn” nhanh lắm. Mượn bữa trước, bữa sau trả. Bác Trình tưởng tôi không đọc, có lần hỏi thử tôi, tôi trả lời vanh vách sách nói gì. Trúng phóc, được bác Trình khen. Nhờ vậy, tôi mượn sách dễ dàng.

Khi đọc báo ở Phòng Thông Tin Hoa Kỳ, có mấy tờ báo tôi thích lắm, kể theo thứ tự:

Thứ nhất là báo “Đời Mới” của ông Trần Văn Ân, thứ hai là báo ảnh “Thế Giới Tự Do” của cơ quan Thông Tin của Hoa Kỳ. Tuy gọi là báo ảnh nhưng có nhiều bài viết hay: Những bài về địa lý thế giới, lịch sử Hoa Kỳ, khoa học (nói về năng lượng nguyên tử), nói về “đại nông canh tác” của miền Nam nước Mỹ. Thứ ba là nhật báo “Ánh Sáng” của ông Hoàng Hồ. Trong báo nầy, có câu chuyện phiêu lưu “Bên hào Vạn Lý” của ông Lê Minh Hoàng Thái Sơn hấp dẫn lắm. Về sau mới biết người ta tố giác ông Lê Minh Hoàng Thái Sơn chỉ ở Saigon. Ông chẳng đi đâu cả, chưa qua tới Hồngkông, nói chi tới Vạn Lý Trường Thành ở miền Bắc xa xôi của nước Tầu rộng mênh mông. Ông nằm bên bàn đèn mà tưởng tượng ra những câu chuyện ly kỳ gay cấn ở Vạn Lý Trường Thành để câu độc giả, trong đó có tôi, tôi mê truyện của ông muốn chết.

Trên báo “Đời Mới”, tôi thường chép lại những bài thơ hay. Trong đó, tôi còn nhớ bài “Kẻ ở” của Quang Dũng:

Kẻ ở
Quang Dũng

Mai chị về em gửi gì không?
Mai chị về nhớ má em hồng
Đường đi không gió lòng sao lạnh
Bụi vướng ngang đầu mong nhớ mong

Quê chị về xa tít dặm xa
Rừng thu chiều xao xác canh gà
Hoa rơi khắp lối, sương muôn ngã
Ngựa lạc rừng hoang qua lướt qua

Ngựa chị dừng bên thác trong veo
Lòng chị buồn khi nắng qua đèo
Nơi đây lá giạt vương chân ngựa
Hươu chạy quay đầu theo ngó theo

Rừng đêm nhòa bóng nhớ hoang mang
Ngựa chị dừng bên thác trăng vàng
Sao rơi đáy nước vương chân ngựa
Buồn dâng đôi mi hàng lại hàng.

Chú thích:
Bài thơ này có chút nghi vấn về nguồn gốc. Bài thơ được coi là của Quang Dũng vì nó xuất hiện trong một cuốn sổ tay của ông. Tuy nhiên, Quang Dũng chưa bao giờ nhận đó là tác phẩm của mình cả. Xét cho cùng, tứ thơ, phong cách và nhạc điệu của bài thơ cũng rất… Quang Dũng.

Quang Dũng đang theo Việt Minh, là “cán bộ Việt Minh”, nhưng báo chí vùng Quốc Gia vẫn đăng thơ của ông như thường, coi như “không có gì xảy ra”. Người Quốc gia không “chật bụng” như người Cộng Sản.

&

Thế rồi một hôm tôi gặp “ông Ngân” ở thư viện. Ông cũng đi mượn sách như tôi.

Gặp thầy, chào thầy xong, tôi đang tính đường “rút lui” (sao cho được) “hoàn toàn vô sự” thì ông Ngân hỏi tôi.

-“Năm ngoái trò bị thi lên lớp?”
Tôi “dạ”!
-“Có lẽ trò kém về các môn khác, không kém về Việt văn?”

“Biết trả lời sao?”
Năm ngoái, môn nào tôi chẳng dốt, riêng chi Việt Văn, môn do ông Thái Mộng Hùng dạy, chán chết. Ông Hùng dạy dở ẹt. Dạy bài “Nhà Mẹ Lê” của Thạch Lam, một nhà văn trong “Tự Lực Văn Đoàn”, có khuynh hướng xã hội, mà ông chẳng giảng một chút gì về sự kỳ thị của người dân của làng đối với kẻ “ngụ cư”, chẳng có một chút lòng thương những người nghèo khổ như tác giả mô tả trong bài. Đúng ra, ông thầy phải giảng về nội dung đó chứ! Tại sao ông chẳng nói một chút gì hết. Dạy bài “Làng Từ Lâm” trong “Người Quay Tơ”, tiểu thuyết đầu tay của Nhất Linh, ông biểu Võ Tử Cầu đọc. Trong bài có câu: “Tôi đến một nơi gọi là Từ Lâm, xa xa toàn là núi, ngọn nọ ngọn kia không dứt”. Tôi xúi Cầu đọc “không dứt” thành “nhúc nhích”. Cả lớp ai cũng cười, núi mà nhúc nhích? Ông cũng cười, chẳng la rầy gì cả. Năm 1954, Cầu tập kết ra Bắc, năm 1975, về tiếp thu Saigon là “kỷ sư Việt Cộng” đấy!

Tôi không trả lời được!
Ông Ngân cũng chẳng nói gì cả.

Hôm sau vô lớp, khi phát bài luận văn, ông Ngân đọc bài tôi viết cho cả lớp nghe, khen “nức nở” tôi viết văn hay. Tôi khoái lắm. Từ đó về sau, tất cả những bài luận văn của tôi, bài nào ông cũng khen hay, không những ông chỉ đọc ở lớp tôi, ông còn đọc ở các lớp khác nữa. Do đó, tôi “nổi tiếng” toàn trường, rằng “một thằng học trò ham chơi, mất dạy” lại viết văn hay. Năm sau, tôi lại học băng, vô Huế, tôi học nhảy từ Đệ Lục, lên Đệ Tứ, thi đậu Trung Học. Bọn học trò không “ngưỡng mộ” tôi làm sao được nhỉ?

Ông Ngân là một nhà văn có truyện ngắn xuất bản trước năm 1945. Một hôm, ông đem cuốn truyện cũ của ông vô lớp đọc cho chúng tôi nghe một bài viết in trong đó.

Truyện nhan đề là “Phong Lan”, kể rằng có một cô gái đẹp đứng bán hàng ở một cửa tiệm. Nhiều người “ngắm nghé” cô ta. Dĩ nhiên, trong đó có ông Ngân và các bạn ông. Một hôm, bọn họ giả tình cờ gặp nhau trước của hàng người đẹp. Mỗi người “nổ” một vài câu, để cho người đẹp lưu ý. Cuối cùng, chẳng anh chàng nào được người đẹp “ban” cho một nụ cười hay một cái “liếc mắt đưa tình” nào cả. Có lẽ ông “vô duyên” và truyện ông viết cũng “vô duyên”.

Tuy nhiên, tôi vẫn ngưỡng mộ thầy giáo tôi như thường vì ông là thầy tôi.

Thật ra, văn ông hay đấy. Trong cuốn sách “tập đọc” bậc tiểu học, tôi không nhớ tên, người soạn sách có trích lại một đoạn trong một truyện ngắn của ông, mô tả cảnh một buổi trưa hè ở thôn quê, để làm bài giảng văn cho học sinh.

Có phải vì “cua” gái ở thành phố bị “vô duyên” như tôi kể ở trên mà ông Ngân trở về quê “lấy vợ nhà quê”.

Vợ ông – gọi một cách kính cẩn là “cô”, – là một cô gái quê “trăm phần trăm”. Cô không xấu, nhưng chắc là “quê lắm”. Chị Diệu Minh – hiện ở Canada – vợ ông anh bà con Phan Văn Luân của tôi, kể: “Chú ấy cưới vợ về mới bắt đầu dạy a, b, c… cho thím”. Chị Diệu Minh là con thầy Lê Đình Khởi, thầy giáo lớp Nhì của tôi, là anh em chú bác ông Ngân.

Có lần ông Ngân nói giữa lớp, với bọn học trò chúng tôi: “Nên lấy vợ nhà quê. Con gái nhà quê thật thà, chất phát hơn con gái thành phố”. Ấy là nhận xét của người thời đó. Bây giờ thì “chắc chi”. Con gái nhà quê còn “quá cha” con gái thành phố. Con gái thị trấn Đông Hà không “quá cha” con gái thị xã Quảng Trị hay sao?

Nghe lời thầy, ông bạn chí cốt Lương Thúc Trình của tôi, sau mấy lần thất vọng vì tình, bèn hát bài “đường về quê” để cưới một cô thợ may làng Phước Tích – tục gọi là làng “đôộc đôọc”, làm đồ gốm bằng đất sét nung – quê nội của anh.

Đang làm giáo sư trường Trần Cao Vân ở Tam Kỳ, Quảng Tín, anh bị gọi động viên, ra trường làm sĩ quan Chính Huấn tại trường Thiết Giáp ở Thủ Đức. Có một khóa sĩ quan Thiết Giáp nào đó, khi ra trường, tổ chức “liên hoan nhảy đầm”, có mời “ông thầy” của họ, tức anh bạn tôi tham dự.

Đang nhảy đầm lã lướt với một em “ca-ve” nào đó, thì vợ Trình tới ngay nơi họp mặt. Đứng phía ngoài sàn nhảy, vợ Trình gọi chồng ra và “tiện tay” tát cho Trình một cái bốp trước bàn dân thiên hạ. Tát chồng xong, vợ Trình bảo: “Về”. Anh chàng “râu quặp” lặng lẽ theo vợ ra về.

Năm tôi học khóa Thiết Giáp, bấy giờ Trình là huấn luyện viên của tôi. Khi mãn khóa, bọn khóa sinh chúng tôi cũng tổ chức “liên hoan nhảy đầm”. Tôi biểu Trình ra nhảy đầm chơi. Anh bạn ngồi im re. Anh bạn tôi nhớ lời Ông Ngân hay nhớ cái tát của vợ và cay đắng nhận ra rằng ông thầy của chúng tôi nói sai.

Ông Ngân là người rất biết thưởng thức văn chương.
Năm dạy chúng tôi, ông chỉ trích một bài trong sách “giảng Văn” của Nguyễn Xuân Hiếu và Đào Mộng Chu. Bài “Nhành lúa mới”: “Tôi tới một miền quê, kề bên một trận địa, vào một buổi chiều hoe nắng. Ở đây, cánh đồng loáng nước nằm dài, vắng bóng người nông phu cần mẫn.
. . . . . . .
Qua một đêm ngủ đổ, hôm sau tôi trở dậy lên đường, tôi thấy cánh đồng loáng nước chiều qua đã xanh rì ngọn mạ. Tôi nghĩ tới bóng trăng đêm trước, đến những đoàn người lũ lượt trở về đây, đến những bàn tay mền mại cấy từng hàng mạ trên cánh đồng rộng mênh mông, trong khi bom đạn vẫn cứ tơi bời trên các làng mạc tiêu điều…
. . . . . . .
Nhành lúa mới vẫn cứ vươn lên, tượng trung cho sức sống: Sức sống của một dân tộc.

Trong “văn chương Việt Nam thời tiền chiến”, người ta thấy có bốn người viết tùy bút hay nhất. Đó là Nguyễn Tuân với “Vang Bóng Một Thời”, với Đoàn Văn Cừ, tác giả những bài thơ “Hội Tết”, “Chợ Tết”. Hai tác giả kế sau, ông Ngân trích dạy cho chúng tôi mỗi người một bài.

Đó là Tô Hoài, với một bài trích trong “Xóm giếng ngày xưa”:

Ngõ thăm thẳm xuyên vào ruột hai hàng tre, tre mọc liền sát khích gốc, ở trên, cành và lá giao nhau, che con đường đất mịn, lối mòn đi giữa đôi bờ tre cũ.
. . . . .
Ngoài kia, lượn một con sông xinh.
Dòng nước về mùa hè trong và mát, liếm vào bờ cỏ chảy lừ đừ. Con sông bé bỏng đựng bóng bờ tre theo đường ngõ xóm rồi vòng ngoèo sang phía khác. Đến đằng kia, sông lại ló hình nhưng đã xa đi rồi, con sông vui vẻ.
Nó đem nước giởn vào những cánh đồng xa lạ khác, để cái ngõ tre ngơ ngác đứng lại một bên bờ. Con đường xóm thì ngẩn ngơ bò vào trong ngõ, qua một vòm cổng gạch cỏ và rêu xanh ngun ngút.

Mọt tác giả khác nữa: Lưu Nghi. Bài “Mùa sao” ông Ngân trích giảng cho chúng tôi, ông trích trong tạp chí Phổ Thông, xuất bản ở Hà Nội năm 1951, của nhóm ông Vũ Quốc Thúc, không phải tạp chí Phổ Thông của ông Nguyễn Vĩ, xuất bản sau năm 1955 ở Saigon.

“Đêm đêm trời lặng gió lành, nằm ngữa mặt nhìn ngàn sao, lòng ngưòi êm dịu một cách kỳ lạ. Nằm sát mặt đất mà tưởng như đứng đỉnh núi cao, nhìn ra đại hải.

Những chấm thuyền li ti xê dịch dọc ngang, cái xê dịch chỉ thoáng nhẹ như chút hoài nghi, mắt người không thấy được, nhưng long người lâng lâng say một cuộc cuộc viễn hành. Trong tư duy dấy lên những bụi đường và chừ đây, dừng chân nằm lặng bên bờ hồ mát ngọt.

Lậu rồi, những giọt mồ hôi nhỏ trên đường đời. Những giọt mồ hôi nối dài đánh dấu bước đi, chập chững từ nơi mẹ, bỡ ngỡ bước vào đời và bâng khuâng về huyệt mả.

Mỗi người đi về huyệt mả đều mang một chuỗi hột sao, kết tinh từ nơi mẹ, bằng những giọt nước mắt nhỏ trên lòng bàn tay và chấm dứt bằng những giọt nước mắt nhỏ trên ván quan tài.

Giũa lúc thoát thai và giờ quá vãng, đời người đếm biết bao nhiêu giọt mồ hôi và nước mắt. Mồ hôi và nước mắt biểu hiệu cho lao khổ và thương đau, nhưng cũng biểu hiệu cho sức sống.

Con người không đổ mồ hôi trong đời mình là con người bằng gỗ. Chất gỗ mất lần nhựa sống, tan rã lần vì mục nát. Người đó có cũng như không!

Năm 1965, tôi đi chấm thi Trung Học ở trường Trần Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, lại gặp ông Ngân cùng làm giám khảo ở đó. Thầy và học trò cũ gặp nhau, tạm trú trong một phòng học do ông hiệu trưởng Nguyễn Khoa Phước chuẩn bị cho các giám khảo ở xa tới.

Lại một chuyện buồn cười xảy ra.
Chủ tịch hội đồng thi là ông Nguyễn Đình Phiên, tú tài ân khoa (2), giáo sư trường Nguyễn Tri Phương, cùng ở lại một phòng với chúng tôi. Sáng thức dậy xong, ông Phiên được một vài ông sĩ quan cấp tá, đang phục vụ ở bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 2, cùng đóng ở thị xã Quảng Ngãi, là học trò cũ của ông, mời ông đi ăn sáng.

Khi ăn xong trở về, cũng đã gần tới giờ thi, nhưng đề thi – do bộ giáo dục làm sẵn giao cho chủ tịch hội đồng thi chịu trách nhiệm – để ở đâu, ông Phiên không nhớ.

Hoảng hốt, ông Phiên hỏi quanh chúng tôi có ai biết ông bỏ “bộ đề thi” ở đâu không. Vốn tính cẩn thận, ông Phiên giấu kỹ, sợ “lộ đề thi”, làm sao chúng tôi biết ông để ở đâu. Ông chạy qua bộ Tư Lệnh Sư Đoàn, hỏi thăm mấy người cùng ăn sáng, có ai thấy đề thi ông để ở đâu không? Không ai thấy. Hỏi ở quán Anh Vũ, nơi ông vừa ăn xong, cũng không ai thấy.

Thấy ông Phiên lo lắng, hốt hoảng… Ông Ngân, cũng đang đứng chung trước lớp học làm phòng ngủ cho giám khảo, từ tốn nói với ông Phiên:

-“Anh bình tĩnh một chút, nhớ lại coi. Sáng nay, anh lấy đề thi ra khỏi va li của anh lúc nào, rồi sau đó, anh làm gì…”

Ông Phiên nghe lời ông Ngân, trầm ngâm. Một lúc sau, ông Phiên, như nhớ lại được, hốt hoảng la to: “Thôi! chết tôi rồi!” Rồi ông vội vàng chạy ra nhà cầu tiêu.

Té ra, sáng nay, khi thức dậy, ông lấy bộ đề thi ra, bỏ vào túi áo pajama, xong ra nhà cầu. Nhà cầu kiểu cũ, ngồi kiểu “nước lụt”. Sợ đề thi rớt xuống cầu tiêu, ông Phiên bèn lấy bộ đề thi ra, nhét lên mái tôn nhà cầu, gần ngang trên đầu ông. Giải xong “bầu tâm sự”, ông khoan khoái trở về phòng, thay áo quần đi ăn sáng, quên mất bộ đề thi nhét trên mái nhà.

Sau khi chạy vội ra nhà cầu, ông Phiên mừng rỡ thấy bộ đề thi còn ở đó. Ông vội vàng đem vào, phát đề cho các phòng thi, vừa lúc trống đánh giờ thi bắt đầu.

Chúng tôi thì cười ông Phiên ngớ ngẩn. Ông Ngân thì tỉnh bơ, coi như không có gì xảy ra.

Đó là lần cuối cùng, tôi gặp thầy cũ.
Ông vẫn như ngày xưa: Y phục là bộ “vét-can” màu gạch nhạt. Túi trên gắn cây bút máy. Hai túi dưới trống không. Tóc hớt ngắn, chân mang giày “xăng-đan” và… cái “túi rết”, thường gọi là cái “bị rết”, loại của lính, có giây máng vào vai.

Và cái gì đặc biệt nữa, các bạn học trò của ông Ngân có nhớ không?

Ông đi khập khiểng. Hai chân không đều nhau! Ông bị tật ở chân. Nếu ông ở lính, bọn “lính tráng chúng tôi” gọi đùa là “một người lính chấm phét”.

Mấy chục năm rồi, hơn nửa thế kỷ. Đối với ông Ngân, tôi vẫn còn là đứa học trò “mất dạy”, mặc dù, ông là người, như các bạn học nói, đã phát hiện ra “tài năng” của tôi, và bao giờ tôi cũng cảm ơn và kính mến thầy.

Mùa hè 2017.
Massachusetts

(1)-Vùng núi Trường Sơn, phía tây Quảng Trị, có môt loài chim đặc biệt. Khi đêm xuống, con chim mái bay quanh rừng, cất tiếng kêu nghe giống như “bóp thì bóp”. Truyện cổ tích kể rằng, xưa có hai chị em đi vô rừng. Đứa em thấy vú chị, bèn đòi bóp. Người chị không cho, còn dọa về sẽ mách bố mẹ. Đứa em sợ quá, bèn trốn vô rừng. Chị thương em, đi tìm, tha thứ gọi em “bóp thì bóp”. Rồi cả hai chị em lạc mất, không tìm được đường về, hóa thành một loài chim.
Khi con chim mái ngưng kêu thì trời vừa sáng.

(2)-Thời Chính phủ Trần Trọng Kim, giáo sư Hoàng Xuân Hãn làm
bộ trưởng giáo dục, áp dụng chương trình mới, dùng tiếng Việt làm
chuyển ngữ. Vì vậy, năm đó, Tú Tài 1 và Tú Tài 2 được thi chung
một khóa. Dân chúng thường gọi là “Tú tài ân khoa”

This entry was posted in Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.