Biển Đông

Học giả Mỹ đề xuất 4 bước phá hủy
đảo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông

Đa Chiều ngày 27/2 bình luận, Biển Đông được xem như thùng thuốc súng có thể nổ ra chiến tranh thế giới trong thế kỷ 21. Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động bồi lấp, quân sự hóa (bất hợp pháp) đảo nhân tạo, trong khi Mỹ điều binh khiến tướng thể hiện sức mạnh ở Biển Đông.

Trong lúc cụm tàu sân bay tấn công của Mỹ USS Carl Vinson đang tuần tra ở Biển Đông thì Trung tâm Đánh giá quốc phòng và dự toán Hoa Kỳ (CSBA) đã tổ chức một diễn đàn về tác chiến đổ bộ, đề xuất phương án 4 bước chiếm đảo Phú Lâm, Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam) hiện bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974 đến nay.

Đồng thời CSBA cũng kết luận rằng, Hoa Kỳ hoàn toàn có thể phá hủy các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông sau khi trình bày 4 bước tác chiến, thể hiện trên hơn 70 trang trình chiếu (PPT) với nhiều số liệu, biểu đồ, hình ảnh minh họa.

Đầu tiên, CSBA đánh giá rằng Biển Đông là vấn đề nhức nhối. Những năm gần đây năng lực tác chiến đường dài của Trung Quốc đã phá triển nhanh chóng, bất luận là tên lửa đạn đạo chống hạm hay chiến đấu cơ thế hệ mới, đều tạo thành mối đe dọa lớn với hoạt động của hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông.

Một khi để Trung Quốc xây dựng xong hệ thống phòng thủ đa tầng phối hợp trên các đảo nhân tạo, nếu quân đội Mỹ chỉ sử dụng phương thức tác chiến truyền thống, rất khó có thể tạo được uy hiếp thực chất với Trung Quốc.

Tiếp đến theo các nhà nghiên cứu CSBA, muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, nói dễ thì cũng dễ, chỉ cần sử dụng một cánh quân tấn công đổ bộ là xong.

Cụ thể, Mỹ có thể sử dụng các chiến hạm tấn công đổ bộ làm lực lượng nòng cốt trong đội hình hiệp đồng quân binh chủng, tấn công chớp nhoáng từ khoảng cách ngoài tầm bắn tên lửa Trung Quốc bố trí bất hợp pháp ở đảo nhân tạo.

Quá trình tác chiến này, theo CSBA có thể phân thành 4 bước:

Bước thứ nhất: Sử dụng một lượng lớn máy bay không người lái, tàu không người lái, thiết bị lặn không người lái từ các chiến hạm tấn công đổ bộ, các tàu khu trục tiến hành nghi binh, gây nhiễu và tiến tới cắt thông tin liên lạc của lực lượng đồn trú trên đảo nhân tạo với bên ngoài.

Bước thứ hai: Điều động các chiến đấu cơ F-35B cất cánh từ tàu đổ bộ tấn công (mỗi chiếc tàu đổ bộ tấn công của hải quân Mỹ có thể chở đồng thời 16 chiếc F-35B) với đầy đủ vũ khí chế áp phòng không, kết hợp với máy bay không người lái tiêu diệt các mục tiêu trận địa ra đa, tên lửa phòng không, thiết bị thông tin liên lạc và chế áp, phá hủy hệ thống phòng không của Trung Quốc.

Bước thứ ba: Điều động loạt chiến đấu cơ F-35B thứ hai cất cánh, mang theo vũ khí hạng nặng như các loại bom chính xác trên 500 kg, chủ yếu tấn công các mục tiêu quân sự như doanh trại, trận địa pháp, xe tăng, xe thiết giáp, công trình phòng ngự, làm suy yếu khả năng phản công, phản kháng của đối phương.

Bước thứ tư: Điều động lực lượng MV-22 cất cánh từ tàu tấn công đổ bộ, chở theo lực lượng thủy quân lục chiến đổ bộ lên đảo nhân tạo sau khi đánh giá thấy đối phương đã mất khả năng chống cự, phản công.

Đồng thời lực lượng này sẽ phá hủy toàn bộ các công trình và thiết bị quân sự còn lại của đối phương trên đảo nhân tạo.

Sau khi hoàn thành việc tấn công, các lực lượng thủy quân lục chiến sẽ rút khỏi đảo nhân tạo bằng MV-22 trở về các tàu tấn công đổ bộ và rút khỏi hiện trường.

Theo tính toán của CSBA, các hành động tấn công này có thể xóa bỏ hoàn toàn các công năng về mặt quân sự của các đảo nhân tạo mà muốn khôi phục nó, cần nhiều thời gian. Như vậy lo ngại của Mỹ về mối đe dọa Trung Quốc từ các đảo nhân tạo có thể được loại trừ.

Tài liệu tham khảo:


Hồng Thủy

@giaoduc

This entry was posted in Địa Lý and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.