Tội của Việt gian

Tội của Việt gian, nước sông không rửa sạch

Trong lúc quân dân Thanh Hóa đồng lòng diệt giặc thì Chương Hiến hầu Trần Kiện manh tâm phản quốc, đã dẫn hơn 1 vạn quân bản bộ cùng gia quyến sang đầu hàng Toa Đô, dẫn đường cho giặc đánh vào Thanh Hóa.

Sau các chiến dịch chặn địch trên vùng sông Hồng và rút lui chiến lược về Thiên Trường, Trường Yên thành công thì về căn bản, gọng kìm phía bắc của Thoát Hoan đã tạm thời được giải tỏa phần nào.

Trong nhất thời, quân Nguyên dưới trướng Thoát Hoan chưa đủ khả năng tấn công mạnh vào căn cứ địa của quân Đại Việt. Hưng Đạo vương nhân việc Thoát Hoan để hở các tuyến sông miền đông bắc, dẫn quân lên đánh chiếm Vạn Kiếp.

Thế lực quân Đại Việt có phần lợi hơn so với mấy chục vạn quân Nguyên ở các mặt trận phía bắc, khiến các tướng Nguyên phải lo lắng đối phó. Tuy nhiên, còn một gọng kìm phía nam do Toa Đô chỉ huy, như một mũi dao hiểm đánh thốc lên.

Quân của Toa Đô tuy mỏi mệt, đói khát lâu ngày ở Chiêm Thành nhưng chúng ước chừng vẫn còn đông đến hơn 8 vạn quân (10 vạn quân ban đầu trừ đi số hao hụt ở Chiêm Thành) và hàng trăm chiến thuyền. Toa Đô là một tướng giỏi, với lực lượng có những thủy quân tinh nhuệ làm nòng cốt.

Tình hình đòi hỏi Đại Việt phải có một biện pháp tương xứng để đối phó với gọng kìm phía nam này.

Ngay từ đầu cuộc chiến, triều đình nhà Trần đã không coi nhẹ mặt trận phía nam. Tại các châu Hoan – Diễn vẫn có hàng vạn quân đóng giữ, dưới quyền điều động của Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang.

Quân Đại Việt dồn trọng tâm phòng ngự vào các lộ Thanh Hóa, Diễn Châu, Nghệ An. Còn lại, những vùng cực nam Đại Việt như Minh Linh, Bố Chính, Thuận Hóa hầu như bất khả thi trong việc phòng giữ nên chỉ có một số ít quân lực được bố trí.

Khi chiến sự phía nam bắt đầu gay gắt, triều đình phái thêm Chương Hiến hầu Trần Kiện dẫn 1 vạn quân vào Ái Châu tăng cường. Binh lực mặt trận phía nam của quân Đại Việt không quá thua kém Toa Đô, lại có thế núi sông hiểm yếu dễ ém quân, nhưng về nhân sự thì có vấn đề.

Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang tuy là người chức vị cao nhưng tài trí có phần kém cỏi, không thể so bì với Toa Đô là một danh tướng dày dặn trận mạc.Chương Hiến hầu Trần Kiện, con trai của Trần Quốc Khang là người am hiểu binh thư, nhưng tâm địa nhỏ nhen, thiếu chí khí.

Người này trước vì hiềm khích riêng, không chịu theo lệnh vua triệu tập vương triều để phân công nhiệm vụ chống giặc. Trần Kiện ở ẩn làng Nhân Mục, nói rằng học đạo Lão Trang. Vua Trần thấy Toa Đô từ Thuận Hóa đánh ra, sai Trần Kiện vào nam là muốn Kiện cùng cha mình chia sẻ khó khăn.

Thế nhưng Trần Kiện vốn đã có ý bất mãn triều đình, hầu như án binh bất động, chẳng giúp tình thế của quân Đại Việt khá hơn. Toa Đô thuận đà tiến ra, thế như chẻ tre. Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang cho đại quân dần lui về giữ lộ Thanh Hóa, bao gồm các châu Thanh Hóa, Cửu Chân, Ái Châu.

Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật vừa rút lui từ Tuyên Quang về đến Thiên Trường không lâu đã được lệnh lên đường vào nam phối hợp.Chiêu Văn vương tuy có tài trí, nhưng bản thân chỉ có ít quân quyền nên cũng không có nhiều đất dụng võ.

Toa Đô kéo ra đến Nghệ An, gặp quân của Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật và tướng Trịnh Đình Toản chặn lại ở cửa quan Nghĩa An.

Hai bên giao chiến một trận, Tĩnh Quốc đại vương Trần Quốc Khang và Chương Hiến hầu Trần Kiện đều không đem quân đến cứu kịp thời, khiến cho Chiêu Văn vương gặp bất lợi phải lui quân.

Vì nhận thấy sự kém cỏi về năng lực của Trần Quốc Khang, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn phải xin vua cho Thượng tướng thái sư Chiêu Minh vương Trần Quang Khải vào nam để thay thế vị trí tổng chỉ huy lực lượng phía nam.

Ngày 5.3.1285, Chiêu Minh vương nhận lệnh dẫn thêm quân tiếp viện lên đường. Việc cử vị Thượng thướng Thái sư vào tăng cường cho mặt trận phía nam đủ cho thấy sự tầm quan trọng của chiến trường này trong sự nhìn nhận của triều đình nhà Trần.

Trần Quang Khải chưa vào đến nơi thì đã có tin dữ. Trong lúc quân dân Thanh Hóa đồng lòng diệt giặc thì Chương Hiến hầu Trần Kiện manh tâm phản quốc, đã dẫn hơn 1 vạn quân bản bộ cùng gia quyến sang đầu hàng Toa Đô, dẫn đường cho giặc đánh vào Thanh Hóa. Đây là một tổn thất lớn đối với quân Đại Việt.

Quân Nguyên tiến đến địa phận hương Yên Duyên (Quảng Xương, Thanh Hóa ngày nay), gặp phải Đại toát Lê Mạnh dẫn binh lính và dân quân kiên cường chống trả, đẩy lui được tiên phong địch. Lê Mạnh dẫn quân dân truy kích giặc đến tận bến Cổ Bút.

Ngay sau đó, với quân lực đông đảo hơn nhiều lần Toa Đô liền tổ chức một cuộc tấn công mới, với sự tiếp tay chỉ điểm của Trần Kiện khiến cho Lê Mạnh phải rút lui.

Quân Nguyên đốt phá tan tác hương Yên Duyên để trả thù. Hình ảnh quân dân Yên Duyên chiến đấu ngoan cường dù không cân sức hoàn toàn đối lập với hình ảnh tên quý tộc hèn nhát, bất nghĩa Trần Kiện.

Ngày 9.3.1285, quân Nguyên tiến đến cầu Bố Vệ (vùng Cầu Bố ngày nay), tướng Nguyên là Giảo Kỳ chỉ huy quân bơi giỏi lội qua sông tấn công quân ta. Tướng Đại Việt trấn giữ cửa ải là Đinh Xa, Nguyễn Tất Thông tử trận.

Toa Đô đương hùng hổ đánh chiếm các nơi ở Thanh Hóa thì Chiêu Minh vương Trần Quang Khải đến nơi. Quân Đại Việt bấy giờ trước sau cộng lại đã ngót 10 vạn quân, đông hơn quân của Toa Đô vốn đã hao hụt một phần qua nhiều trận chiến.

Nhưng Trần Kiện lại chỉ điểm cho Toa Đô những đường hiểm để đánh vào chỗ sơ hở của quân Đại Việt. Trần Kiện thông thuộc đường xá trong vùng nên sự chỉ điểm này rất nguy hại cho quân ta.

Ngày 13.3.1285, Kiện đã chỉ điểm cho Toa Đô, Giảo Kỳ dẫn quân Nguyên tập kích quân Đại Việt ở bến Phú Tân khi quân ta đang ghé thuyền vào bến. Hai bên đánh nhau một trận lớn. Chiêu Minh vương Trần Quang Khải cùng các tướng Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật,

Văn Túc vương Trần Đạo Tái, Tái Thiên vương Trần Đức Việt, Chiêu Hiếu vương (không rõ tên), Đại liêu bang Hộ chỉ huy quân sĩ kiên cường chiến đấu. Quân Nguyên có ưu thế bất ngờ nên thắng thế.

Quân Đại Việt chịu một số tổn thất, Chiêu Hiếu vương và Đại liêu bang Hộ tử trận. Trần Quang Khải vẫn theo tinh thần chung từ đầu cuộc chiến là không “đánh dốc túi” với địch. Thấy quân ta rơi vào thế bất lợi, ngài đành hạ lệnh cho toàn quân rút lui.

Nhờ sự nhanh trí của Trần Quang Khải mà quân ta không bị tổn thất quá lớn trong cuộc chiến. Tuy nhiên, quân Đại Việt ở mặt trận phía nam đã không hoàn thành nhiệm vụ cản đường giặc tiến ra.

Toa Đô đánh thắng được Chiêu Minh vương Trần Quang Khải ở trận Phú Tân, thông đường tiến thẳng ra bắc hội quân với Thoát Hoan.

Nhiều quan lại người Tống sang nương nhờ Đại Việt trước kia, nay lại theo hàng Toa Đô, cùng với một số quan lại và gia quyến cũng theo hàng giặc, cả thảy hơn 400 người.Chiêu Minh vương Trần Quang Khải thất thế ém quân ở ven biển, chia quângiữ các nơi hiểm yếu chờ thời cơ.

Còn bản thân Chiêu Minh vương đem một phần lực lượng quay về Thiên Trường phối hợp với vua Trần và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn.

Toa Đô đánh thông đường ra bắc nhưng đã cạn lương thực, không thể tiếp tục dằn co với quân Đại Việt ở Thanh Hóa mà tức tốc kéo ra hội quân với Thoát Hoan, hy vọng kiếm lương ăn từ khối quân của Thoát Hoan sau chuỗi ngày gian khổ, đói khát ở Chiêm Thành và phía nam Đại Việt.

(còn tiếp)

Quốc Huy
@sonha

This entry was posted in Lịch Sử and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.