Chiến tranh Việt Nam

Chiến tranh Việt Nam là nội chiến?
 
Trần Trung Đạo's photo.“Hai mươi năm nội chiến từng ngày” là câu hát trong bài “Gia tài của mẹ” của Trịnh Công Sơn mà gần như ai cũng thuộc nhưng rất ít người tìm hiểu nội dung của câu hát này đúng hay sai. Sau này, một số nhà hoạt động có khuynh hướng dân chủ hay phong trào “chống đảng” cũng cho rằng chiến tranh Việt Nam là một cuộc nội chiến. Do đó, đã đến lúc bên chiến thắng cũng như bên chiến bại nên cảm thông và tha thứ cho nhau, “hòa hợp và hòa giải” để “xây dựng đất nước”. Đất nước ở đây phải được hiểu là đất nước Việt Nam dưới sự cai trị của đảng CS.

Thế nào là nội chiến?
 
Theo các định nghĩa trong chính trị học,“nội chiến là cuộc chiến tranh giữa hai bên có tổ chức trong cùng một quốc gia vốn trước đó thống nhất. Mục đích của một bên là chiếm đoạt bên kia để hoàn thành ý định chinh phục lãnh thổ hay thay đổi chính sách.”
 
Theo định nghĩa này, chiến tranh Nam Bắc Mỹ (1861-1865) là nội chiến, Trịnh-Nguyễn phân tranh (1627–1672) là nội chiến. Nếu chính phủ của TT Abraham Lincoln yếu, chính phủ miền Nam Mỹ của TT Jefferson Davis sẽ chiếm hết miền Bắc và có thể tái lập chính sách nô lệ, và tương tự tại Việt Nam, nếu các Chúa Trịnh đủ mạnh có thể đã tóm thu các vùng đất của Chúa Nguyễn ở miền Nam.
 
Nhưng chiến tranh giữa Việt Nam Cộng Hòa và CS Bắc Việt có phải là nội chiến hay không? 
 
Chắc chắn là không bởi vì Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn không có ý định chiếm đoạt lãnh thổ miền Bắc hay lật đổ chế độ CS miền Bắc.
 
Mơ ước của nhân dân miền Nam sau hiệp định Geneva là được sống trong một xã hội tự do, dân chủ, và thịnh vượng. Ở đó, người dân có quyền sống nơi họ muốn sống, có quyền nói lên nguyện vọng họ muốn nói, có quyền đi nhà thờ, đi chùa do họ chọn, có quyền được hát bài hát họ thích.
 
Con đường dẫn tới một xã hội dân chủ tiên tiến không phải là một con đường tráng nhựa mà bắt đầu từ những con đường đất nhiều ổ gà. Nhưng dù hố hầm hay trơn trợt cũng là chuyện nội bộ miền Nam không liên quan gì đến CS miền Bắc.
 
Xã hội miền Nam trước 1975 vẫn còn nhiều biến chứng tiêu cực của một đất nước vừa thoát ra khỏi ách phong kiến và thực dân. Nhưng đồng thời, cũng có các điều kiện chính trị tam quyền phân lập và nhân tố giáo dục đặt trên nền tảng khoa học, nhân bản và khai phóng cần thiết để xây dựng một xã hội dân chủ hiện đại giống như bất cứ quốc gia dân chủ nào không chỉ Đông Nam Á mà cả thế giới.
 
Giấc mơ tươi đẹp của nhân dân miền Nam đã bị ý thức hệ CS với vũ khí của Liên Xô, Trung Cộng tàn phá.
 
Do đó, để hiểu cho đúng, cuộc chiến mà nhân dân miền Nam đã đổ máu trong suốt 20 năm từ sau 1954 không phải là nội chiến mà là cuộc chiến giữa lý tưởng dân chủ tư do chống lại chủ trương CS hóa Việt Nam của đảng CSVN và CS Quốc Tế. 
 
Trong diễn văn chào mừng chiến thắng vào đầu tháng 5 năm 1975, Lê Duẩn không còn che giấu tham vọng nhuộm đỏ cả nước Việt Nam khi tuyên bố: “Vinh quang này thuộc về Đảng Lao động Việt Nam quang vinh, người lãnh đạo của giai cấp công nhân, giai cấp tiền phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.
 
Bốn mươi mốt năm, kể từ 1975, một khoảng thời gian đủ dài và một vết chém đủ đau để nhân dân Việt Nam ý thức ra rằng thống nhất đất nước chỉ là điều kiện tiền đề cho mục đích cộng sản hóa toàn cõi Việt Nam.
 
Phục hưng đất nước, đo đó, không phải là để “cảm thông” hay “tha thứ” mà là phục hưng các giá trị tự do, dân chủ, nhân bản, thịnh vượng cho dân tộc Việt Nam, nhưng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra một khi đảng CS còn cai trị Việt Nam.
 
Trần Trung Đạo
  
 
This entry was posted in Lịch Sử and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.