Thầy Tôi
“Để mẹ mua hà thủ ô cho con uống!” Mẹ tôi bảo thế trong một chiều ngồi vuốt mái tóc nhuốm muối tiêu của cái đứa tôi thủa mới mười một, mười hai tuổi đầu. Tôi nhớ hoài những năm tháng ấy của thập niên 90, ký ức ngày cũ chỉ bàng bạc có mỗi một màu: nghèo.
Người mẹ trẻ làm mọi thứ để nuôi con, còn tôi, tôi làm mọi thứ để nuôi chữ. Mười một tuổi, có chút đỉnh nhận thức, tôi xin mẹ vào năng khiếu, chỉ vì “học ở đó … không tốn tiền mẹ ạ”. Năng khiếu nghiệt ngã, nghiệt ngã từ đầu vào, vì tôi chẳng là COCC gì hết. Năng khiếu nghiệt ngã, cả những lần lên lớp. Năm tôi vào trường, lớp 6 Toán tuyển 40 học sinh trong số vài trăm “sĩ tử”. Từ 40 học sinh, chỉ 30 được học tiếp lên lớp 7. Rồi chỉ 20 vào lớp 8, và lớp 9 thì chỉ còn lại có 10 mà thôi. Năm đó, 1995, khối 9 chỉ có hai lớp: lớp 9 Toán-Lý có tổng cộng 19 học sinh, và lớp 9 Văn-Anh hình như được 16, 17 người. Năng khiếu nghiệt ngã, phải loại bạn học để tồn tại. Mỗi năm, sau khi xong học kỳ II, lũ chúng tôi nắm lấy tay nhau, và hát. Hát để chúc mừng, hát để chia ly. Hát dưới gốc trò, dưới những cánh trò xoay tít trong không gian, lả tả rơi như số phận cái lũ chúng tôi, có đứa bay thật cao, thật xa, có đứa nằm lại trong hốc cửa.
Tôi vốn không phải là đứa thông minh, nếu không muốn nói là hơi … đần, nên để “mua chữ” tôi đã phải bán … tất cả tuổi thơ của mình. Tất cả, không chừa lại một chút gì. Bốn năm cấp 2, tôi không biết nghỉ hè, lễ tết, không biết cuối tuần, thậm chí chẳng biết thế nào là “tan học”. Bốn năm. Miệt mài đúng nghĩa. Bốn năm, tôi quên đời, quên sống. Chỉ để được lên lớp, thế thôi! Mái tóc ngả muối tiêu, mỗi mình mẹ tôi nhận ra điều đó.
Trong những năm tháng đó, tôi nhớ hoài thầy tôi, thầy dạy chuyên Lý, hơi tếu, lại từng là giáo viên dạy tuyển Văn quốc gia. Thầy tôi cười rất hiền, và thường xuyên kể truyện cho chúng tôi nghe. Thầy giảng hay đến nỗi cái đám tôi như bị thôi miên, cứ hếch mỏ lên nghe đến khi trống đánh chuyển tiết mới chợt giựt mình … tỉnh mộng. Lũ chúng tôi sợ nhất là khi bị thầy canh thi, vì thầy hay có tật … “ngứa miệng kể truyện chơi” mà một khi thầy đã bắt đầu kể là thôi rồi, cái lũ chúng tôi thế nào cũng sẽ quên luôn cả làm bài!
Lúc đó tôi không hiểu vì sao, nhưng luôn có cảm giác thầy thường tôi lắm, tôi đâu phải là đứa học khá nhất trong đội tuyển, nếu không muốn nói là luôn luôn … áp chót. Thầy hay kể tôi nghe đủ thứ chuyện, chuyện đời, chuyện người. Thế rồi,
Có một lần thầy gọi riêng tôi ở lại sau giờ học và … xán cho tôi một bạt tai! Xin mở một ngoặc nhỏ, ở cái lều giáo dục xã nghĩa này, học sinh bị bạt tai, ký đầu, kẻ tay, đét mông … là thường lắm! Nhưng đây là lần đầu tiên tôi bị đòn. Thầy trả lại cho tôi bài kiểm tra lần trước, tôi hiểu vì sao thầy tôi giận tôi đến vậy. Bài kiểm tra đó tôi bôi, xoá, gạch, khoanh, đủ thứ kiểu. Xoá đi rồi lấy lại, viết lấn qua lề, chỉa mũi tên sang trang kế tiếp. Thầy trả lại bài kiểm tra và kềm từng tiếng: Trò đối xử với một người Thầy như thế này? Trò đưa cho tôi cái thứ này để đọc? Tôi không đáng để trò tôn trọng hay sao? Đôi mắt thầy trĩu sâu, long lanh như cố kềm cho nước mắt đừng lăn trên gò má nâu xạm. Lần đâu tiên bị đòn, từ một người rất thương tôi, khiến tôi tỉnh giấc, và hiểu thế nào là “Tiên học Lễ”. Mười mấy năm đi qua trong cuộc đời, tôi vẫn không sao quên được hình ảnh ấy, ánh mắt ấy, giọng nói ấy, người Thầy ấy. Người Thầy mà tôi luôn kính cẩn viết Hoa.
Mỗi năm đến ngày này, khi nhớ về thầy cô cũ, trong ký ức tôi chỉ có duy nhất một người Thầy. Người Thầy đã dạy tôi một điều: Dạy dỗ, giáo dục, nhất thiết, phải xuất phát từ tình yêu thương.
Tôi biết, trên đời này vẫn còn những Nhà Giáo viết Hoa! Nhưng tôi cũng biết, trong cái xã hội ấy, họ chỉ là những cá nhân lẻ loi, hiếm hoi, và cá biệt.
Sau này tôi mới hiểu, thầy thương tôi có lẽ vì tôi nghèo mà hiếu học, thầy thương tôi có lẽ vì mái tóc tôi cũng bạc như mái tóc thầy…
Để được chữ, tôi phải đánh đổi bằng tuổi thơ, nhưng có những nơi trên đất nước ấy, để được chữ, trẻ con còn phải đánh đổi bằng cả sinh mạng mình. Chui bịch ni lon, đu dây qua thác lũ, có ở đâu? như ở cái đất nước ấy không?
“Để mẹ mua hà thủ ô cho con uống…”
PS: Ai cựu học sinh Nangkhieu NguyenDu Govap vào điểm danh nha! Ai Chuyenly thầy Đức vào điểm danh nha!