Ngọn cờ vàng
Triệu Ẩu nguyên tên là Triệu Thị Trinh, quen gọi là Ẩu nữ, là em Triệu Quốc Đạt, con Triệu Công Hiển, là dòng dõi Triệu Vũ Đế (Triệu Đà). Khi nhà Triệu mất nước, con cháu họ Triệu lấy con gái Mường, trở thành một dòng họ Mường thanh thế, đời này đời khác được tôn là Quan lang. Triệu Công Hiển sống vào thời nước ta nội thuộc nhà Đông Ngô. Đất nước chia làm chín quận, mỗi quận đều đặt quan Thái thú cai trị. Na Sơn, quê quán dòng họ Triệu, thuộc quyền thái thú Lã Đại, một viên quan tàn ác, làm nhiều điều bạo ngược. Triệu Quốc Đạt bị quân Tàu bắt cóc từ nhỏ. Triệu Công Hiển tưởng con đã chết bèn đến khấn ở đền Hai Bà Trưng cầu xin quý tử nhưng hai bà lại linh ứng cho một cô gái là Ẩu nữ.
Nàng là người xinh đẹp khoẻ mạnh, có dị tướng (bốn vú), được cha rất yêu quý, truyền dạy cho võ nghệ. Nàng còn được gặp Hai Bà Trưng trong mộng, tự xưng là chị, hứa sẽ giúp em đạt được những điều “sở ước”. Chứng kiến cảnh lầm than của dân chúng trong bản mường và hành vi tàn bạo của Thái thú Lã Đại, càng lớn lên Ẩu nữ càng nuôi chí lớn, quyết đánh đuổi được kẻ thù ra khỏi bờ cõi nước Nam.Nhưng thật ra Quốc Đạt vẫn còn sống. Chàng bị bọn Tàu bắt giữ nuôi cho lớn khôn để định đem chôn làm thần giữ của. Một hôm chàng lập mưu trốn thoát khỏi vòng kiềm toả của chúng, trở về với gia đình. Khi Triệu Công Hiển mất, chàng được nối nghiệp cha giữ chức quan lang. Nhờ sự giúp sức của em gái, chàng đem hết của cải phân phát cho mọi người để chiêu binh mãi mã, thu nạp một lực lượng những người tài giỏi khắp trong vùng Na Sơn. Ẩu nữ lại có sức khỏe lạ thường, tiếng vang như chuông, thân cao chín thước, vú dài ba thước, lưng to đến mười vầng, trong vùng ai cũng kính phục, xem nàng như thần nữ giáng sinh. Lâu nay dân chúng vì sống dưới ách tham bạo của giặc Tàu, lâm vòng cực khổ, phải kéo nhau đi làm nghề đạo tặc, nay nghe tiếng Ẩu nữ đều kéo nhau đến quy phục.Theo kế của nàng, Triệu Quốc Đạt dựng cờ khởi nghĩa, dưới trướng có đến hàng chục hổ tướng, quân đông đến năm mươi vạn người. Ẩu nữ lại dùng sắc vàng chế ra quần áo, màu cờ riêng để quân mình khỏi lẫn với quân Ngô. Một thời gian sau, thanh thế của hai anh em trở nên lừng lẫy, quân đội của họ đã nhổ sạch các đồn luỹ của quân Tàu phía Bắc Na Sơn. Ẩu nữ được mọi người gọi tôn là Bà Vương, tiếng tăm vang khắp cõi Giao Chỉ. Thái thú quận Cửu Chân nghe tin hốt hoảng phải cho người phi báo về Tàu xin viện binh sang đánh dẹp. Bà Vương liền thẳng đường rong ruổi tiến ra Cửu Chân, đi đến đâu yết bảng an dân đến đó, dân chúng dọc đường kéo đến đón rước đông như kiến cỏ.
Vua Ngô cho Lục Dận kéo đại binh sang cứu nguy cho Cửu Chân, nhưng vừa đến nơi chưa kịp trở tay thì quân Triệu đã kéo đến vây thành, trong một ngày đầu đánh bại chúng luôn ba trận. Đánh nhau ước đến chín tháng, có đến trên bảy mươi trận, quân Tàu phần nhiều đều thua, quân số thiệt hại đến hơn một nửa. Lục Dận hoảng sợ, ngày đêm nghĩ kế, về sau tìm ra một kế hiểm là cho quân bỏ hết áo quần, trần truồng đón đầu ngựa Ẩu nữ mà đánh. Là một nữ nhi, thấy thế nàng luống cuống thẹn thùng, tức giận mà không biết làm cách nào, chỉ biết nhắm mắt, quay mặt lại phi ngựa chạy trốn.
Quân Triệu vì thế mà lâm vào thế bại, bị đánh tan tác. Ẩu nữ dẫn tàn quân chạy đến núi Bồ Điền, tức núi Hối, thuộc làng Phù Diên, huyện Hậu Lộc ngày nay. Quân Ngô lại kéo đến vây chặt núi rồi nổi lửa đốt rừng, quyết bắt kỳ được Ẩu nữ. Nàng buồn rầu uất ức, nghĩ mình khởi nghĩa chỉ mong diệt giặc trừ hại cho dân, nào hay chưa lập được chút công tích gì đã làm luỵ đến trăm họ, nay chỉ còn một thác mà thôi. Nghĩ đến đấy, nàng bèn thét lên một tiếng vang dội hang núi khiến trời long đất lở rồi ngã xuống ngựa mà hoá, bấy giờ mới 23 tuổi, niên hiệu Vĩnh An thứ bảy nhà Đông Ngô (263). Về sau nàng còn hiển linh âm phù cứu độ dân chúng nhiều phen, được vua nhà Tiền Lý cho dựng miếu thờ, sắc phong là “Bật chính anh hùng tài trinh nhất phu nhân thượng đẳng thần”.
Đinh Gia Thuyết
Thực nghiệp- Hà Nội, 1934
Nguồn cinet.gov.vn