Tưởng nhớ Thầy Nguyễn Đức Liệu
Nhiều Nghịch Lý Nhưng Đời Vẫn Đẹp
Tim dù đau nhưng ý vẫn nguyên lành
Chân bước đi lòng rộng mở thênh thang
Mắt nhòa lệ nhưng miệng cười là được
Nguyễn Đức Liệu
Năm 2007, nhân mùa lễ Thanksgiving tại Mỹ tôi viết bài Tưởng niệm thầy hiệu trưởng Thái Mộng Hùng và thầy Lê Mậu Tâm (bài đã đăng trong NH-CD&KN tập 5).
Đây là hai người thầy không trực tiếp giảng dạy tôi trong thời gian tôi theo học tại trường Nguyễn Hoàng, nhưng không vì thế mà tôi thiếu những cảm nhận về hai vị giáo sư tôn kính đã quá cố. Từ đó đến nay vì lý do sức khỏe nên tôi chưa thể viết tiếp những kỷ niệm về thầy cô. Có người hỏi tôi rằng học Nguyễn Hoàng nhiều năm như thế sao không viết về những vị giáo sư đã dạy mình? Tôi chưa có câu trả lời đó, nay lại làm người hỏi ngạc nhiên vì lần nầy tôi viết về thầy Nguyễn Đức Liệu – một giáo sư trẻ tuổi của trường Nguyễn Hoàng. Khi thầy về trường thì tôi đã rời xa nơi ấy từ nhiều năm trước và nếu tính theo tuổi đời cũng như năm học thì thầy Liệu là học sinh Nguyễn Hoàng lớp đàn em sau tôi.
Thầy Nguyễn Đức Liệu về nhận nhiệm sở Nguyễn Hoàng vào thời Nguyễn Hoàng tạm cư tại Non Nước (Đà Nẵng), chỉ vài năm ngắn ngủi trước khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ. Và thầy cũng rời bục giảng khi ngôi trường không còn mang tên vị Chúa Tiên – Người đã dừng chân trên mảnh đất Quảng Trị 5 thế kỷ trước để sau nầy con cháu mở đường Nam tiến kéo dài bản đồ nước Việt để tận mũi Cà Mâu.
Cũng vì những biến đổi của thời cuộc nên thầy Liệu và tôi đã gặp nhau trong trại Xoa – phần trại của trại tù Hoàn Cát nằm trên vùng Cùa của đất Quảng Trị – nơi có dấu tích của vua Hàm Nghi và phong trào Cần Vương lập căn cứ chống Pháp.
Trong trại cải tạo nầy có 3 thầy giáo Nguyễn Hoàng: Thầy Lê Mậu Tâm, thầy Lê Đình Chỉnh và thầy Nguyễn Đức Liệu. Thầy Liệu kém tôi 5 tuổi và cùng là cựu học sinh Nguyễn Hoàng nên hai chúng tôi xem nhau là bạn đồng môn. Vì thế tôi xin phép được gọi thầy Liệu bằng anh như hồi đó để dòng cảm xúc gợi nhớ dễ dàng trở về hơn.
Ở trong trại tù ít ai biết anh Liệu là cựu giáo sư của trường Nguyễn Hoàng. Anh là con người khiêm cung nên không hề hé lộ bản thân thuộc thành phần trí thức của miền Nam trước đây. Dáng người anh và tôi hao hao nhau, nghĩa là cùng cao trên 1,70 mét và gầy. Tuy thế chúng tôi đều có lòng tự trọng, không muốn ai dèm pha hay phê bình này nọ nên cố gắng lao động chân tay với khả năng của mình. Nhiều lúc nhìn anh trong bộ áo quần vá víu, mồ hội không chỉ ướt sủng lưng áo mà còn chảy dài trên khuôn mặt gầy guộc, hốc hác vì thiếu ăn, thiếu ngủ tôi lại thấy xót xa, thương anh vô hạn mà quên rằng mình cũng có gì hơn anh đâu? Những lúc gặp trời mưa bất chợt, cả hai đứa tôi đều ướt như con chuột lột, tóc tai lưa thưa sợi ngắn sợi dài chưa kịp cắt dính sát vào khuôn mặt xương xẩu, thân hình toàn da bọc xương run lên cầm cập vì lạnh mới thê thảm làm sao! Tuy nhiên tôi chưa hề nghe anh mở miệng than thở, dù là một lời trách móc số mệnh hay thời cuộc đưa anh đến bước ngoặc trớ trêu nầy. Khi tôi hỏi đến anh chỉ cười, một nụ cười rất hiền nhưng đôi mắt thì lại nhìn lên mơ màng, xa vắng. Chính những yếu tố đó khiến tôi dành nhiều thiện cảm cho anh và thỉnh thoảng chúng tôi có vài tâm sự nho nhỏ, còn các người khác trong trại chắc ít nhiều cho anh là người khó hiểu. Những khi không có ai, anh kể cho tôi nghe vài mẫu chuyện thời còn sinh viên và tháng ngày đứng trên bục giảng. Anh mong được sớm thả ra để về đoàn tụ với vợ con; để tìm thăm thầy cô, bạn bè xem ai còn, ai mất và cả những học trò cũ của anh. Anh lo lắng không biết họ có còn tiếp tục theo học không hay đã lưu lạc ở phương trời nào.
Tôi còn nhớ 2 tháng trước tết năm 1978, trại chỉ định tôi làm trưởng ban báo chí kiêm trưởng ban tổ chức đêm văn nghệ đón giao thừa. Tôi nghĩ trong trại thiếu gì nhân tài – như anh Liệu chẳng hạn – nên đề nghị cán bộ cử người khác nhưng họ không chấp thuận. Tôi thật sự lo lắng vì biết khả năng của mình nhưng rồi đâu cũng vào đó; tờ báo được hoàn thành với hình thức khá đẹp. Anh Thủy (chồng chị Nghĩa) hiện ở Mỹ là người trang trí, anh ấy viết chữ khá đẹp. Về nội dung thì phải theo chủ trương của trại nên chẳng có gì đáng nói. Tôi còn nhớ hai câu thơ không ra thơ, đối chẳng thành đối như sau:
Vui tết chớ quên mình đang còn cải tạo
Mừng xuân ra sức lập thành tích nhiều hơn.
Anh Liệu đọc xong cười nói: Không thơ, không đối thì là khẩu hiệu. Quả thật vậy, khi chúng tôi đưa cho cán bộ xem thì họ cho cắt chữ to dán vào tường hội trường trong dịp mừng xuân mới. Nói về thơ, tôi có viết như thế nầy:
Càng nghĩ cho sâu càng thêm thấm thía
Nửa đời người thân thế trót đi hoang.
Anh Liệu sửa câu sau thành: Nửa đời người thân thế sớm tiêu tan. Tôi hiểu ý anh, vì lúc đó anh chưa đầy 30 tuổi.
Trong buổi trình diễn văn nghệ mừng xuân, anh em tham gia khá đông. Thôi thì thơ, ca, hò, vè, nhảy sạp, đơn ca, đồng ca, biểu diễn quyền cước… Chương trình xôm tụ kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Thầy LĐC trình diễn hợp ca; anh Liệu nằm trong nhóm nhảy sạp và ngâm bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Anh diễn ngâm khá hay, đôi mắt vẫn thả vào cõi mông lung như tưởng nhớ đến một phương trời nào đó, màn trình diễn của anh được mọi người vỗ tay khen ngợi. Khi anh trở về chỗ ngồi, tôi bắt tay anh và nói: Tuyệt quá! Anh không chỉ là nhà giáo mà còn là một nghệ sĩ nữa. Kể từ đó, mỗi lần học tập trong hội trường hay sinh hoạt tại lán trại, anh em đều đề nghị anh hát hoặc ngâm thơ. Dĩ nhiên anh chỉ hát hoặc ngâm những tác phẩm thời tiền chiến, trong đó bài Màu tím hoa sim anh trình bày xúc động nhất.
Nhưng chưa đến tết năm sau thì chúng tôi phải xa nhau. Vào khoảng giữa năm 1978 anh cùng một số trại viên khác chuyển qua trại Chinh Hoàn Cát. Từ đó tôi không còn biết tin tức gì về anh nữa. Có một điều làm tôi ái ngại là trong suốt thời gian anh và tôi cùng ở chung trại chưa một lần tôi nghe hay biết vợ con anh đến thăm nuôi. Tôi có phone cho anh Luân hiện ở TX để biết rõ thêm điều này vì lúc đó anh Luân làm thống kê, đo đạc và kêu tên trại viên ra gặp người thân mỗi kỳ thăm nuôi. Anh Luân cũng xác định là không có. Anh còn nhắc tới chuyện một số ít trại viên truyền miệng rằng vợ anh Liệu đã ôm cầm sang thuyền khác. Lời đồn hư thực chưa rõ nhưng dù có nghe tôi vẫn không dám hỏi thẳng anh Liệu vì sợ anh buồn; hơn nữa nếu đến tai cán bộ thì tôi sẽ bị khép tội vi phạm nội quy trại, phao tin đồn nhảm… khiến trại viên không tập trung học tập, cải tạo. Có thể anh Liệu có biết chút ít nên dạo đó tôi thấy anh càng đăm chiêu, buồn bả hơn. Đến nay tôi cũng chưa rõ anh ở tù mấy năm, nhưng chắc phải trên 4 năm.
Viết đến đây tôi chợt nghĩ đến chị Thu – người vợ anh gắn kết sau nầy – hiện sống ở Bình Phước, tôi liền điện thoại về hỏi chị để biết thêm về anh. Lúc nầy ở VN hơn 8g tối nhằm ngày 13, thứ sáu. Nhiều người cho rằng ngày 13 rơi vào thứ sáu là ngày xui nhưng với tôi thì không – vì tôi đã được chị Thu tiếp chuyện. Đây là lần thứ hai tôi phone gặp chị, lần thứ nhất khoảng 2 tháng trước tết Nhâm Thìn, tôi đã điện thoại về thăm và xin địa chỉ để gởi chút quà xuân tưởng niệm anh và biếu gia đình người bạn tù năm xưa. Lần nầy, qua hơn 60 phút trò chuyện với chị Thu tôi đã biết thêm về anh như sau:
Khi ra tù, anh về ở cùng vợ con tại Ái Tử khoảng 7 tháng. Sau đó vì những lý do tế nhị trong đời sống vợ chồng anh về ở cùng cha mẹ tại làng Việt Yên, hai năm sau ông cụ qua đời. Năm 1983 anh vào vùng kinh tế mới Bình Phước và qua năm 1984 anh lập lại gia đình với chị Lê Thị Thu và hai người đã có 3 đứa con: 2 trai, 1 gái. Còn gia đình người vợ trước của anh Liệu tôi chẳng biết gì cả, dù suốt những năm còn ở VN tôi sống cách Ái Tử chỉ 6, 7 cây số.
Thời gian sinh sống ở vùng kinh tế mới Bình Phước, lúc đầu anh làm thư ký đội sản xuất. Sau đó nhờ có trình độ nên anh được phòng giáo dục huyện mời về làm việc và dạy cấp 2. Vì đường sá xa xôi, sức khỏe lại yếu kém nên anh xin về dạy cấp 1 tại xã gần nhà rồi được cử làm hiệu trưởng trường đó. Năm 1998 bệnh tim trở lại, sức khỏe anh ngày càng suy giảm. Được sự giúp đỡ của ngành giáo dục địa phương, gia đình đã đưa anh vào bệnh viện nhưng vì bệnh quá nặng nên phải chuyển về Saigon, nằm điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy được 20 ngày thì anh qua đời vì căn bệnh đã vào giai đoạn 3, thể chất anh lại quá yếu nên không thể làm phẩu thuật. Anh lìa trần vào chiều giáng sinh 24/12/2003 nhằm ngày 01/12 âm lịch. Chị Thu còn cho tôi biết thêm trước đó một năm anh đã cố gắng về thăm lại Ái Tử và tham dự lễ thành hôn của con trai trưởng, như thế anh cũng phần nào được thỏa lòng. Còn 3 người con của anh và chị Thu thì nay 2 cháu đã tốt nghiệp trung cấp công nghệ, 1 cháu đã có việc làm. Cháu gái út thì đang học trung cấp kế toán. Trong dịp tết Nhâm Thìn vừa qua cháu được nhận một suất học bỗng của Hội ái hữu Nguyễn Hoàng tại Saigon trao tặng trong dịp NH họp mặt đầu năm.
Tôi hỏi chị anh có để lại bút tích gì không? Chị trả lời rằng anh có làm một ít thơ, trong đó có một bài thơ chỉ có 2 câu:
Sống không giúp ích cho đời
Suối vàng còn được ngậm cười là may.
Theo tôi anh là người tài nhưng sinh bất phùng thời. Cứ như lời của chị Thu thì suốt thời gian khá dài kể từ khi vào Nam lập nghiệp, anh đã giúp ích cho đời khá nhiều chứ sao lại không? Anh đã đem vốn liếng kiến thức của mình truyền lại cho các thế hệ sau, chưa kể anh đã đào tạo nhiều học trò luôn có tâm hồn cao thượng và giỏi văn trước năm 1975. Từ lâu, tôi và các bạn từng ở chung trại tù với anh một thời luôn mang ý nghĩ: Anh ra đi sớm có thể do ở vùng kinh tế mới quá gian khổ, thiếu thốn mọi thứ. Thể lực anh lại vốn gầy yếu nên đành buông tay xa rời trần thế khi tuổi đời vừa qua ngưỡng cửa 50.
Tuy vậy, anh vẫn có cái may mắn hơn những người bạn tù khác là dù trong cuộc sống anh đã từng gặp nhiều khó khăn, buồn tủi nhưng anh đã tìm lại hạnh phúc bên người vợ hiền vào những năm tháng lưu lạc gian nan, đó là chị Nguyễn Thị Thu. Qua 2 lần tiếp chuyện với chị tôi bỗng cảm nhận được một sự đồng cảm giữa chị và người bạn tù của tôi ngày nào – anh Nguyễn Đức Liệu. Người phụ nữ ấy một mình bôn ba lo chồng bệnh, con thơ trong bấy nhiêu năm. Rồi khi chồng mất lại một mình nuôi dạy 3 đứa con gần chục năm nay mà khi trò chuyện với tôi không hề lấy một lời than thở, kể lể khúc nôi – điều ấy thật đáng trân trọng. Tôi thiển nghĩ ít ra đời cũng dành cho anh một ân huệ cuối đời là đã gặp người bạn đời như chị Thu. Bên cạnh đó anh cũng đã được mời dạy học lại, ấy cũng là thỏa mãn nguyện vọng như anh thường tâm sự lòng ước ao với tôi khi còn trong trại tù. Và thế là dù cho số mệnh có khắc nghiệt đến đâu thì ở con người ấy vẫn toát ra nét yêu đời hồn nhiên như bốn câu thơ anh đã viết: Nhiều Nghịch Lý Nhưng Đời Vẫn Đẹp/Tim dù đau nhưng ý vẫn nguyên lành/Chân bước đi lòng rộng mở thênh thang/Mắt nhòa lệ nhưng miệng cười là được.
Từ năm 2007 tôi có nghe tin anh mất nhưng không biết rõ năm nào. Mãi đến năm ngoái, đọc bài của NH/Nguyễn Thị Liên Hưng đăng trong nội san Nguyễn Hoàng tôi mới biết anh qua đời vào cuối năm 2003. Cô học trò cũ của anh đã viết về người thầy của mình bằng cả nỗi lòng thương tiếc và nước mắt. Qua đó tôi được hiểu thêm về anh, một người thầy dạy môn văn học được nhiều học trò ngưỡng mộ và kính mến. Anh không chỉ thể hiện tài năng của mình qua cách truyền đạt văn học mà còn cả nhân cách sống. Đó là một nhà mô phạm mang tâm hồn của một người nghệ sĩ thực thụ. Nhưng sao anh lại thường đăm chiêu. Phải chăng đôi mắt ấy ẩn dấu nỗi riêng tư muộn phiền? Và nỗi buồn đó theo anh vào trại tù, nó thường xuyên xuất hiện trên khuôn mặt khắc khổ của anh, đã có đôi lần tôi dò hỏi nhưng anh chỉ trả lời bằng nụ cười lặng lẽ và cam chịu. Tôi chợt nghĩ có thể nét ưu tư đó không còn khi anh gặp chị Thu, người bạn đời chịu thương chịu khó với anh trong suốt năm tháng lập lại cuộc đời cho đến khi anh nhắm mắt, xuôi tay.
Và thế là tình yêu thương anh mang đến cho đời còn nguyên đó. Hạnh phúc có thật còn mãi trong chị và các con anh. Mong nơi chốn vĩnh hằng anh ngậm cười mà không còn nghĩ rằng mình sống không giúp ích cho đời.
Tháng 6 năm nay, lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường Nguyễn Hoàng sẽ được tổ chức trên khuôn viên trường cũ. Tôi được biết ban tổ chức và thầy Lê Hữu Thăng có dự tính sẽ dành một phòng để tưởng niệm quý giáo sư của trường đã quá cố. Thời điểm đó chưa chắc tôi về quê được. Xin mượn bài viết nầy thay nén tâm nhang kính nhớ đến quý thầy cô đã không còn tại thế – đặc biệt là thầy Nguyễn Đức Liệu – vị giáo sư trẻ dạy văn học xuất sắc của trường trong những ngày ly loạn, nhưng số học trò lớp lớn đã rời trường từ thuở Quảng Trị như tôi ít ai biết đến. Đồng thời tôi cũng viết lên những dòng nầy để tưởng nhớ đến người bạn tù thân thiết của tôi trong những năm tháng nghiệt ngã của một thời đã qua mà không thể nào quên.
Trần Văn Phỉ
Florida ,13/4/2012t