HOÀNG LONG HẢI

HUẾ OAN KHIÊN
qua ba bài thơ của HUY PHƯƠNG

Huy Phương làm thơ không nhiều. Qua báo chí và các web-site, người ta đọc văn ông nhiều hơn. Lại nữa, ông cũng đã từng xuất bản hai tập văn: “Nước Mỹ Lạnh Lùng” và mới đây “Đi Lấy Chồng Xa” nên người ta đã quên ông là một nhà thơ.

Tôi chưa đọc hết văn của ông, nhưng thơ thì có đọc một số bài; và về thơ, tôi thấy ông là người có tài (1), đọc thơ ông nhiều lần tôi rất xúc động.
Ông quê ở Huế, nơi ngày xưa thuộc hai châu Ô và Lý (Còn gọi là Rí).

“Hai châu Ô-Rí vuông ngàn dặm,
Một gái thuyền quyên đáng mấy mươi.”

Người ta quý trọng vùng đất lấy được từ Chiêm Thành và xem nhẹ thân phận của Công Chúa Huyền Trân, chịu về làm vợ Chế Mân để thu về hai vùng đất Ô-Lý trên cho nước Việt. Tuy nói rằng cái giá của một gái thuyền quyên không bằng cái giá của đất hai châu nhưng trong lòng người Việt ai lại chẳng ngưỡng mộ và nhớ ơn sự hy sinh của Huyền Trân mở mang bờ cõi.
Theo một vài sử liệu, Huế thuộc châu Ô ngày xưa (1). Vậy thì người ta nên nhớ ơn vị Công Chúa ấy.

Huy Phương có một cái nhìn khác. Ông nhìn vấn đề qua cái “nghiệp số” trong công trạng Huyền Trân. Cái “nghiệp số” (Nói theo nhà Phật) ông nói, còn đeo đẳng công chúa cho tới bây giờ, còn mang nợ với dân Hời, có thể vì Huyền Trân đã không cùng chết với chồng khi Chế Mân qua đời theo tục lệ người Hời hồi ấy. Cái “nghiệp số” ấy còn đấy, trong cảnh bại vong suy tàn của dân Hời và trong nhiều tang thương đoạn trường của Huế. Cái nghiệp còn đó, Huyền Trân chưa siêu thoát được mà chúng ta, con cháu của bà, bảy trăm năm sau Huyền Trân cũng lận đận như cuộc đời công chúa vậy.
Vì thế mà Huế chịu nhiều tang thương.

Trong quá trình lịch sử mấy trăm năm qua, có thể nói Huế chịu nhiều tang thương hơn nơi đâu hết trong lãnh thổ Việt Nam, từ nam chí bắc. Trong viễn tượng đó, qua cách nhìn của Huy Phương, tuy chỉ là nói qua trong vài câu thơ mà đã thật tinh tế và sâu sắc, khiến người đọc đọc những câu thơ ấy, hiểu lịch sử Huế, không khỏi giật mình cho cái “nghiệp” của Huế, của Huyền Trân và con cháu của bà.

Thật vậy, nhìn lại lịch sử, Huế chính là nơi phân ly giành giật trong “Nam Bắc Phân Tranh”, là nơi “Tứ nguyệt tam vương”, là nơi “Thất thủ kinh đô”, là chiến trường của Pháp Việt chiến tranh (1945-54), là tang tóc Mậu Thân, và cuối cùng, tháng Ba/ 1975, Huế thất thủ. Tất cả những biến cố đau thương đó, Huy Phương gói gọn trong hai câu thơ, đọc lên nghe buồn và xót xa:

Khi tôi trở lại kinh thành cũ
Dâu bể tang thương đã một thời

“Đã một thời”. Vậy thì mai đây, Huế còn tang thương nữa chăng hay vì cái “nghiệp” của Huyền Trân chưa dứt thì tang thương ấy vẫn còn tiếp diễn?

Ông viết rất thật và rất bình thường: “Kinh thành cũ”, “tang thương dâu bể”. Kinh thành cũ là cố đô Huế, là nơi, nói như Bà Huyện Thanh Quan: Có “lối xưa”, có “hồn thu thảo”, là đền đài miếu mạo, lăng tẩm chìm đắm trong cảnh “tịch dương”. Có lẽ khi Huy Phương lớn lên, cảnh vua quan xe ngựa không còn, nhưng trong khung cảnh một cố đô trầm lắng, im lìm, cộng thêm với quang cảnh Huế đa tình, lãng mạn, đã để lại những dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn ông, làm cho ông mang một nỗi trầm u: “Nỗi buồn tôi, nỗi buồn lăng tẩm”.

Ai từng ở Huế hy vọng sẽ cảm nhận được “Nỗi buồn lăng tẩm” như Huy Phương. Đó là nỗi buồn “tuyệt tự”, tức là chẳng còn ai hương khói, chẳng còn ai chăm sóc lăng tẩm, phần mộ của vua chúa, hoàng hậu, cung phi mỹ nữ, là khung cảnh tiêu điều âm u vắng lặng trong Đại Nội, trên lăng Tự Đức, lăng Gia Long, Minh Mạng, v.v… Trong đời thường thì tương lai tiếp nối quá khứ. Ở đây thì quá khứ còn đấy, nhưng tương lai thì không. Không tương lai thì cái tội đó lớn lắm: “Bất hiếu hữu tam vô hậu vi đại”. Đi qua những con đường rợp bóng mù u trong thành nội, nhìn khung cảnh Đại Nội vắng vẻ, nhìn lăng tẩm im lìm, khó có ai không nghĩ tới quá khứ, thậm chí như Bà Huyện Thanh Quan, khi thấy cảnh Thăng Long vắng lặng, thì tưởng tới “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo”. Huế cũng vậy, hồn thu thảo đó hiển hiện ra đâu đó, không chỉ ở trên những bãi xanh mướt cỏ trước cửa Ngọ Môn mà cả trên những thành quách âm u, những sân chầu hiu quạnh và cả trong tiếng mưa rả rích đêm đêm trên những mái ngói im lìm như tiếng ai gọi hồn cung nữ, gọi hồn người đã khuất vì chiến trận từ những ngày Pháp bắt đầu xâm lăng nước Việt. Nỗi buồn riêng của một triều đại suy tàn, nỗi buồn chung của cả một đất nước, một dân tộc hết đời nô lệ thì tới phân ly vì chiến tranh. Đó chính là “Nỗi buồn lăng tẩm” của Huy Phương vậy.

Mang trong lòng “Nỗi buồn lăng tẩm ấy” cùng với những tang tương dâu bể và chia ly đeo đẳng, ông lê gót trên con đường đời gian nan phiêu bạt. Biến đổi tiếp nối biến đổi, chia ly tiếp nối chia ly và tang thương lại tiếp nối tang thương, khiến ông nghĩ tới cái “nghiệp” của người thuở trước, cái “nghiệp” của người đời sau, và nói chung, cái “nghiệp của Huế” khiến ông phải ngậm ngùi nghĩ tới Huế của ông:

Em đã phai tàn bao xuân sắc
Nước non ngàn dặm thuở ra đi
Châu Ô, châu Lý mà chi nữa
Đất đã đem về nỗi chia ly.

Sống là tìm kiếm hạnh phúc. Ông Gia-Cốp trong Cựu Ước có đem dân tộc Do Thái lang thang trong vùng sa mạc cũng chỉ là đi tìm đất hứa. Khi mở cuộc Nam Tiến, gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chiêm, vua Trần Anh Tông cũng chỉ có một mục đích: Tìm đất cho những lưu dân. Ai ngờ, cái “nghiệp” không giữ lời của Huyền Trân ngày ấy lại là nỗi ly hận của người đời sau. Nếu biết vậy, Huyền Trân có thể chịu chết theo vua Hời chăng? Trần Khắc Chung (2) có chịu hoàn toàn thất vọng, hy sinh mối tình đầu của mình cho dân tộc chăng? Không phải như thế, cuộc tình duyên ấy cuối cùng chỉ là một sự lường gạt với cái cao ngạo của người Việt:

Châu đi rồi lại châu về đó
Ngơ ngẩn trông nhau một lũ Hời.

Tráo trở như thế thì con cháu nhận lấy cái nghiệp của cha ông là điều đương nhiên!
Cũng từ cái nhìn như thế, Huy Phương tả oán một câu: “Châu Ô, châu Lý mà chi nữa”.

Chỉ mới đọc mấy câu thơ đầu trong bài “Huế” của ông, người đọc tưởng như đã vướng mắc vào vòng rối rắm của lịch sử Nam Tiến của dân tộc Việt, cũng như triết lý nhân quả bén rễ ăn sâu trong tâm hồn người Huế, ít nhiều ai cũng nghe, cũng biết vậy. Bên cạnh đó, Huy Phương còn dùng lại những thành ngữ, những câu thơ cổ, những câu trong bài Nam Bình để nhắc lại câu chuyện Huyền Trân:

“Nước non ngàn dặm ra đi,
Cái tình chi, mượn màu son phấn,
Đền nợ Ô Ly…

Những điều tôi vừa nói, Huy Phương thấy rõ lắm, trong

“Hỡi ơi! Câu hát nghìn năm cũ
Nét Nam Ai nghe tiếng tơ chùng.

Chữ “Hỡi ơi!” Huy Phương dùng ở đây rất hay. Nó biểu lộ một sự tán thán, một thất vọng. Ông tán thán cái gì? Ông thất vọng cái gì?
Từ trước đến giờ, cả ngàn năm nay (ngàn năm chỉ là cách nói thậm xưng. Kể từ năm 1306, năm Huyền Trân với Chế Mân đến nay chưa tới một ngàn năm), người ta thường nghe câu hát tán tụng công đức Công Chúa Huyền Trân mở cõi đất nước. Ngoại trừ người trong chuyện, có người nào đó dám oán than vua nhà Trần. Có oán than chăng, thì ngay như Huyền Trân Công Chúa, bà cũng chỉ oán trách cho số phận của mình, không dám xúc phạm đến vua cha, đến Thái Thượng Hoàng:

“Cái tình chi
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô-Ly
Tiếc thay vì
Đương độ xuân thì… (3)

Theo một số người Huế, nguyên đây là bài thơ của Huyền Trân Công Chúa làm ra để tỏ rõ số phận ai oán của mình khi về Chiêm Quốc. Vua Tự-Đức soạn thành một bài ca Huế theo điệu Nam Bình.

Huy Phương tỏ rõ sự thất vọng, không như trong những bài ca tán tụng công đức Huyền Trân. “Nghiệp quả” của việc đổi người lấy đất mang tính lường gạt của vua nhà Trần ngày xưa chính là làm cho Huế chia lìa và tang thương biết bao nhiêu bận. Cái hận và cái tang thương ấy, tác giả nghe trong “tiếng tơ chùng”, nghe trong “mỗi giọt sương” đêm:

Trên mặt đất nghìn lần chia cắt
Một giọt sương, một giọt ưu phiền.

Cái sức sống của Huế đã chết.
Vì Huế là kinh đô, nên cái sức sống của Huế chính là trong:
… ngựa hí quân reo, … trống trường thành nổi nhịp.
Cái sức sống đó không còn, nó đã chết, đã nằm im trong đáy mộ:
Huế quên trong phần mộ tiêu điều

Với một quan điểm đượm màu sắc Thiền, Huy Phương có cái nhìn về Huế khác với mọi người. Cũng buồn đấy, im lìm đấy, âm thầm đấy và hết sức ngậm ngùi.
Dù đã trãi qua môt đời phiêu bạt, dù mang đôi chân mòn mõi với những vết đau thầm, dù ông có trở về, không phải tìm lại “hồn thu thảo” mà tìm ngay Công Chúa Huyền Trân để hỏi cho ra ngọn nguồn của bao cảnh tang thương thì Huyền Trân hay một ai đó ông có quen biết, để ông có thể bày tỏ đôi điều tâm sự với họ, thì mọi người nay ai cũng đã phiêu bạt, mỗi người phiêu bạt một phương trời. Dù ông có làm một kỵ sỹ cỡi ngựa chạy bốn góc thành thì ông cũng chỉ thấy:

“Em ở đâu bên trời phiêu bạt
Tôi lơi cương chạy bốn góc thành
Hỏi hoa lá, hỏi trời u tịch
Tượng đá buồn sao đứng lặng thinh?!
(Xin xem toàn bài trong phần phụ lục)

Câu thơ nầy rất hay: “Tượng đá buồn sao đứng lặng thinh?” Có tượng đá nào nói được? Tượng chúa, tượng phật, tượng các vị anh hùng liệt nữ ở Huế, ở Việt Nam, ở khắp thế giới có tượng nào nói được? Câu hỏi của ông thật vớ vẩn.
Ai đã từng đến Huế, từng thấy các tượng đá trong Đại Nội, trên các lăng tẩm, thấy hai hàng tượng đá đứng hai bên sân chầu, có tượng đá nào vui mà Huy Phương gọi là tượng đá buồn? Câu nói ấy cũng vớ vẩn nốt. Nhưng cái vớ vẩn của một người đi hỏi tượng đá chính là cái tâm trạng của một người nhiều ưu tư trước cảnh “Dâu bể tang thương đã một thời!” Nếu như tượng đá nói được – Ông có hy vọng gì tượng đá nói được mà đi hỏi tượng đá – , Người thì đã đi xa, tượng đá còn lại đó, chứng kiến bao nhiêu trò dâu bể, – thì nó sẽ nói cái gì? Tượng đá đứng đó, hàng trăm năm nay, kể từ những tượng đá được dựng đầu tiên trong Đại Nội hay trên lăng Gia Long, tượng đá sẽ nói cái gì? Nếu tượng đá nói được, thì cũng chỉ nói tới cảnh “Thương hải biến vi tang điền”. Đó cũng là tâm trạng Huy Phương đang có. Tâm trạng đó, tang thương đó, biết bao nhiêu người Huế cũng đã từng chứng kiến như ông, tại sao ông không hỏi họ, những người đồng cảnh, mà đi hỏi các hàng tượng đá? Có người không hỏi được người mà đi hỏi tượng đá! Thế cũng là vớ vẩn đấy! Và cái vớ vẩn ấy nói lên cái gì? Cô đơn. Ông cảm thấy cô đơn “Khi… trở lại kinh thành cũ”. Cái cô đơn giữa cõi đời không có chi lạ! Đó không phải là việc Bá Nha đập vở đàn khi nghe tin Tử Kỳ đã chết đó sao, vì đời không có kẻ “tri âm” đó sao? Đó chính là tâm trạng Nguyễn Du khi Nguyễn Du viết: “Ai tri âm đó mặn mà với ai!”

Từ xưa, có biết bao nhiêu người làm thơ về Huế. Huế là đề tài của những bài thơ lãng mạn, đa tình, bằng những bài thơ vướng vất nét buồn “Hậu Đình Hoa”, … Huế được mô tả qua giòng sông Hương êm đềm, qua lăng tẩm u tịch, buồn bã. Thậm chí cả nỗi đớn đau của vua quan mất nước như trong câu“Khô héo lá gan cây đỉnh Ngự, Buồn vui giọt lệ nước sông Hương” nhưng ít ai nói như ông, nhìn như ông, qua cái lăng kính chữ “nghiệp” nhà Phật để thấy “Huế Oan Khiên”: Trong bài thơ nầy, ông nhắc lại hầu hết những “oan khiên” Huế đã gánh chịu: Từ Thất thủ kinh đô “Quan quân uổng tử giờ lâm trận”. Huế còn kinh hoàng với cảnh người chết thây phơi như rạ, các “Cửa thành xương thịt phơi năm hướng, Máu đã chan hòa cát biển đông”. Ông cũng nhắc lại vụ Giặc Chày Vôi với cảnh “… bách dân… Chôn vùi dưới hào lũy Khiêm Lăng” (4) và “Sọ trắng giăng hàng tết Mậu Thân”, rồi đến thây người chất chồng trên cửa biển Thuận An những ngày tháng 3-1975 “máu đỏ chan hoà cát biển đông” v.v… Cái oan khiên của Huế, chính là cái “quả” của một cái “nhân” không lành trong lịch sử. Hồ Hữu Tường cũng có lần nói rằng, sở dĩ dân tộc ta bị một trăm năm đô hộ của Tây và cuộc tương tàn kéo dài mấy chục năm cũng là cái quả do cái tội của cha ông ta tiêu diệt nước Chiêm Thành.

Từ những oan khiên đó, không ít người bỏ Huế mà đi. Cũng không ít người đã về lại Huế trong nỗi ngậm ngùi, và cũng không ít người đi mãi không về, chỉ vì muốn “Đi để mà nhớ không phải ở để mà thương.”

Huy Phương là người lãng mạn, cái lãng mạn trong thi ca Huế, trong các hội thơ của các nhà Nho ngày xưa, kể cả vua Tự Đức, cũng như trong tiếng ca Huế, trong tiếng đàn đêm đêm vang vọng trên mặt nước sông Hương. Nếu ngày xưa vua Tự Đức “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng, Xếp tàn y lại để dành hơi” (4) thì ngày nay, một buổi trưa buồn nào đó, trong trại cải tạo, Huy Phương:

Nghiêng gương nhỏ tìm em không thấy bóng
Ôi hương tóc phai nhạt tháng ngày qua.

Ông thương vợ lắm đấy, dù “không thấy bóng” ông vẫn tưởng tượng “hương tóc phai nhạt” của vợ, thấy xót xa và nỗi thương nỗi nhớ càng dày xéo lòng ông nhiều hơn, lòng ông chùng xuống như:

“… như sợi giây đàn rung khẻ
Trời đang mưa trên những dãy núi xa”

Trời mưa ở xa hòa với tiếng đàn rung khẻ trong lòng ông, ông nhớ vợ trong cái lãng mạn của cảnh trời, của âm thanh. Sao ông lãng mạn đến thế!
Thơ ông như một bức tranh buồn: “Một buổi trưa có nắng mà lại đầy mây xám, có mạch máu chảy buồn trong tim, có hồn ông chĩu xuống vì ưu tư và cả đêm đêm chớp bể mưa nguồn:

Trưa nay một buổi trưa đầy mây xám
Anh lặng im nghe mạch máu chảy buồn
Không ưu tư hồn cũng như trĩu xuống
Như mỗi đêm với chớp bể mưa nguồn

Trong nỗi ưu phiền đó, lòng ông “trôi giạt” về quá khứ. Hai tiếng “trôi giạt” nầy thật hay. Ông không chủ động quay về với quá khứ. Buổi trưa buồn cùng với nỗi ưu phiền trong lòng xô đẩy ông về quá khứ. Tâm hồn ông lúc ấy như cánh bèo trên sông, để cho dòng nước xô đẩy, níu kéo trôi đi. Dòng nước ấy kéo lôi ông về dĩ vãng, về với quê hương, với Huế, trong đó có người vợ ông thương yêu. Huế, trong tâm tưởng ông là thành quách đã phai mờ, khói sương làm mờ nhạt bóng người xưa. Ông quên người rồi chăng? Không, không quên! Chính cái buổi trưa buồn trong trại tù nầy làm ông càng thêm nhung nhớ nên ông nghiêng gương để tìm lại bóng người xưa.

Ông lớn lên ở Huế, nơi đó, ông có một thời để yêu, một thời để mơ mộng vì quê hương ấy đầy những vẻ nên thơ mơ mộng. Ông đã đi qua bao nhiêu hồ sen ở Huế, hồ Tịnh Tâm, hồ Tàng Thơ, hồ Chương Đức, hồ Hòa Bình… Bất cứ ở mặt hồ nào ông cũng thấy tâm hồn người ông yêu mến:

Một thời để yêu, một thời mơ mộng
Tâm hồn em như mặt nước hồ sen
Có một sáng mùa thu nghe xao động
Ngọn gió về theo hơi thở thân quen

Người Huế, hoặc ai từng sống ở Huế lâu như tôi, lang thang quanh Huế, lang tẩm đền đài miếu mạo từ những ngày niên thiếu, có lẽ dễ cảm nhận thơ Huy Phương hơn người khác. Thật đấy. Có đứa bé nào đến Huế đi ngang cửa Ngăn mà không tò mò về 9 cây súng thần công đặt trong hai căn nhà ngói ở đây. Hai căn nhà 10 gian mà chỉ có 9 cây súng. Một gian trống. Tại sao? (5) Hãy nghe Huy Phương nói về thời niên thiếu của ông với những cây súng thần công:

Buổi học dưới mái im nhà súng
Anh ngủ quên trên những khẩu thần công
Bỏ công thức mơ làm thân Từ Thức
Tâm hồn theo ngọn mây trắng thong dong.

Mùa hè nóng nực lại là mùa thi. Bọn học trò thường tìm vài nơi mát mẻ để học bài thi: Nhà súng ở cửa Ngăn, tòa Khâm Thiên Giám nơi góc tây-nam thành nội Huế, trên các cửa thành: Thượng Tứ, Đông Ba, cửa Hữu, cửa Chánh Tây, v.v… Huy Phương nằm trên giá súng, và… ngủ quên! Quên luôn cả những công thức toán học, hình học, vật lý học để mơ làm… Từ Thức, làm… Lưu Nguyễn là những nhân vật trong truyện lạc vào cõi tiên mà nhiều đứa trẻ Huế đã từng nghe ông bà cha mẹ kể khi chúng còn bé. Không như miền Nam, miền Bắc, Huế nhiều dâu bể. Và cũng từ đó, không ít người ngày xưa đã mơ làm Lưu Thần Nguyễn Triệu, lìa bỏ Kinh Đô mũ cao áo dài, cuộc đời đầy dẫy muộn phiền để phiêu bồng nơi tiên cảnh. Huy Phương đã từng mơ. Ông đã từng đi tìm đường nhưng lạc vào… quân đội, như một người đi lạc vào…lịch sử vậy. Ai có cách nào khác hơn khi thấy “Quốc gia hưng vong…”. Đó cũng là câu người Huế rất thường nói với con cháu trước bao cảnh đổi dời.

Tuy nhiên, đối với ông, thời niên thiếu ấy, mơ thì mơ mà vẫn thấy:
…… những ngày thơ mộng
Với:
Đường Thành Nội đi về ngày hai buổi
Cầu Trường Tiền đêm nhớ dấu trăng soi.
Ông mơ về “… những chiều mưa tháng Bảy”, “Những sợi nắng hanh vàng” giữa mùa đông, những cô học trò Đồng Khánh đang giữa trưa sợ “Lỡ chuyến đò” ở bến sông Thừa Phủ.
Tại sao lại những “chiều mưa tháng Bảy”. Nắng “Tháng Tám nám trái bưởi” là nắng gắt lắm nhưng “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ”. Huy Phương nhớ mùa lụt của sông Hương đấy. Bọn học trò Huế đứa nào chẳng “lội nước lụt” ở Huế. Tôi cũng vậy. Đã có lần tôi cùng Hoàng Xuân Sơn, Ngô Vương Toại, Hoàng Ngọc Tuấn cùng nhau đi lội nước lụt ở Đập Đá mùa lụt năm 1959.

Xứ Huế lạnh vì những cơn gió heo may. Cũng không bằng cái heo may của Quảng Trị, quê ngoại tôi. Nhưng heo may Huế cũng đủ lạnh để người học trò thấm thía và bỗng chợt vui giữa mùa đông khi “có nắng hanh vàng.” Chính Xuân Diệu cũng thấy như vậy khi ông viết “Giữa mùa Đông khi nắng sớm lên vừa” và Xuân Diệu cho đấy là mùa mùa Xuân đang tới.

Trầm Tử Thiêng đã thấy những cô học trò Đồng Khánh áo trắng, trắng cả sân trường, cả cầu Trường Tiền nhưng không biết Trầm Tử Thiêng có thấy những cô học trò ôm cặp đi học qua bến đò Thừa Phủ. Những chiếc áo trắng trắng cả con đò sang sông và không ít cô hối hả vì sợ “lỡ chuyến đò”.

Huy Phương người không lớn nhưng tâm hồn ông thiệt rộng, chứa hết cả trời Huế, cảnh Huế và người Huế, – và cả những cô học trò áo trắng – qua đó, giống như Xuân Diệu đã từng trách trời “Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật”.

Huy Phương nhớ nước lụt sông Hương, nhưng chắc chắn ông cũng không quên đôi bờ xanh của giòng sông ấy khi ông viết “Một giòng sông với đôi bờ xanh mướt”. Những hàng phượng hai bên bờ sông “phượng chẳng đỏ hàng cây” thậm chí cả đạp xe theo một cô nào đó “Gót chân hồng chậm theo bánh xe quay.” Tôi thích một điều hơn khi thấy ông viết “Những con đường mang theo hồn bướm trắng” câu thơ lãng mạn như anh chàng Trương với cô Thu trong “Bướm Trắng”. Ít ra, ai từng là học trò tất phải học và viết bài phê bình “Bướm Trắng” trong chương trình Việt Văn lớp đệ nhị. Và còn bao nhiêu điều khác về Huế nữa, không thể nói hết ở đây, trên dăm trang giấy.

Huy Phương rất lãng mạn. Ông yêu cảnh, yêu người, yêu cả hai hàng tượng đá, cả cây súng thần công, v.v… và để xao xuyến với “Một buổi trưa đầy mây xám”, để thấy “tâm hồn trĩu xuống” hoặc đêm đêm trong cảnh “Chớp bể mưa nguồn”. Hơn thế nữa đấy. Huế vốn dĩ lãng mạn đa tình. Điều ấy, người học trò chịu ảnh hưởng khi học Kiều hay Chinh Phụ Ngâm. Ông mơ có tiếng trống. Tiếng trống ở đâu? Trước Tam Tòa, trong Đại Nội hay trống trường Đồng Khánh (6) khi ông viết “Không tiếng trống làm rung vầng trăng lạnh”? Xa hơn thế nữa: Tiếng trống trên Vạn Lý Trường Thành. Có lẽ ông chưa tới Vạn Lý Trường Thành trong đời thực nhưng ông đã đến đó trong… sách vở khi ông học “Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt”. Cũng như rất nhiều – rất nhiều – người Huế, Huy Phương không thể khác được, không thể không lãng mạn, đa tình. Cảnh như thế ấy, người như thế ấy, lịch sử, tình sử đau thương như thế ấy, và cả chương trình học như thế ấy, chưa kể tiếng thơ, tiếng đàn, tiếng ca dìu dặt trên sông Hương đêm đêm như thế ấy, thậm chí cả những tiếng ca của “Thương nữ bất tri vong quốc hận” vây bủa như thế ấy, mấy ai tránh khỏi!

Chính nhờ cái lãng mạn đa tình đó, ông đâm ra mê mệt vì

“Mái tóc em chảy dài dưới nón,
Đẹp mênh mang hình ảnh của đêm dài
Mối tình nào không phải là tình sử
Kỷ niệm một thời đâu dễ lạt phai

Không dễ lạt phai nên một buổi trưa trong tù – trại Tân Kỳ – Nghệ Tĩnh – trong cơn mưa buồn, ông bỗng thấy nhớ rất rõ rất chi tiết từng kỷ niệm cũ, thời niên thiếu, thời yêu đương, “yêu em” cùng với “Từng giọt buồn rơi”.

Trong trại tù, nằm gối đầu lên tay, không cần tới cảnh “Cử đầu vọng minh nguyệt, Đê đầu tư cố hương”, chỉ cần một cơn mưa trong một buổi trưa ồn ào ở những người tù chung quanh nhưng quá lặng lẽ trong tâm hồn quạnh hiu của mình cũng đủ làm cho người tù nhớ vô cùng quê hương và vợ hiền.

Trời có bốn phương. Ở đây chỉ cần hai phương: Phương nầy của người tù và phương ấy của người vợ mà phương nào cũng cô đơn. Chỉ chừng đó cũng đủ xót xa, thấm thía, nói chi tới việc đọc mấy câu thơ sau:

Em với quê hương xa tầm tay với
Vẫn bên anh trong mỗi phút vui buồn
Anh biết ngày qua ngày em ngóng đợi
Mỗi phương trời có một nỗi cô đơn.

Chú thích

1)- Phía nam chân đèo Hải Vân là làng Nam-Ô, theo học giả Thái Văn Kiểm, Nam Ô có nghĩa là phía Nam châu Ô. Cách Mỹ Chánh khoảng 10 Km về phía Nam có sông Ô-Lâu. Theo vài nhà sử học, tên Ô-Lâu nầy cũng lấy từ gốc châu Ô. Có thể coi châu Ô bắt đầu từ sông Ô-Lâu cho tới đèo Hải Vân. Nếu luận như thế thì Quảng Trị thuộc châu Rí.
2)- Trần Khắc Chung là người yêu của Huyền Trân Công Chúa từ trước khi bà về Chiêm với Chế Mân. Chưa được một năm thì Chế Mân chết. Theo tục của người Chiêm Thành, khi vua chết, các hậu phải bị hỏa thiêu và chôn theo chồng. Vua Trần Anh Tông sai Trần Khắc Chung giả đi thăm đám tang rồi liệu cách đưa công chúa về. Khắc Chung cứu được công chúa lên thuyền ra biển về Thăng Long. Hai người đi lạc, phải một năm sau mới về tới nơi. (Theo Việt Nam Sử Lược -Trần Trọng Kim, cuốn 1, trang 167)
3)- Bài ca Huế theo điệu Nam Bình, do vua Tự Đức soạn. Có người nói nhà vua lấy ý từ một bài thơ do Huyền Trân Công Chúa làm ra khi về Chiêm Quốc.
4)- có người nói hai câu thơ nầy là của Ôn Như hầu Nguyễn Gia Thiều.
5)- Giặc Chày Vôi
6)- Từ phía trong cửa Ngăn đi ra ngoài thành, người thấy bên tay trái có hai ngôi nhà ngói kế nhau, mỗi ngôi nhà có năm gian nhưng chỉ có 9 gian có đặt những cây súng thần công lớn như nhau, giàn súng có bánh xe để di chuyển được, một gian để trống. Hồi còn bé, khi mới đến Huế, tôi thắc mắc hỏi mấy đứa bạn Huế rặc của tôi. Chúng nó bảo: Có một thằng Tây con chơi nghịch, đút cánh tay vào trong họng súng, bị thần súng giữ chặt, không rút tay ra được. Người ta phải cắt tay đứa bé. Và cây súng ấy được chở về Pháp để “trị tội”. Thật ra, nhà Nguyễn chỉ cho đúc 9 cây súng thần công để giữ 9 cửa thành. Đó là: 1)- Cửa Thượng Tứ, 2)- cửa Ngăn (tên gọi nôm, không biết tên chữ là gì), 3)- Cửa Nhà Đồ (Thường gọi là cửa Sập vì cửa nầy bị sập vì trận lụt lớn năm Thìn 1953, 4)- cửa Hữu, 5)- cửa Chánh Tây, 6)- cửa An-Hòa, 7)- cửa Hậu (cửa sau thành Mang Cá – ngó ra phía bắc), 8)- cửa Trài (cũng là cửa sau thành Mang Cá – ngó ra phía Đông) và 9)- cửa Đông Ba.
7)- Để báo giờ học, trường Đồng Khánh đánh trống, trường Khải Định (Quốc Học) đánh chuông. Không ít học trò giờ ra chơi đã dấu dùi trống, dùi chuông để… chơi thêm chút nữa.

HUẾ

Khi tôi trở lại kinh thành cũ
Dâu bể tang thương đã một thời
Nghiệp số Huyền Trân còn lận đận
Nghìn sau còn lưu lạc đất Hời.

Em đã phai tàn bao xuân sắc
Nước non ngàn dặm thuở ra đi
Châu Ô, Châu Lý mà chi nữa
Đất đã đem về nỗi chia ly.

Trong khu vườn nghe chim lặng tiếng
Đèn nhà ai thấp thoáng bên sông
Hỡi ơi câu hát nghìn năm cũ
Nét nam ai nghe tiếng tơ chùng.

“Sen xa hồ, sen khô hồ cạn
Lựu xa đào, lựu ngã đào nghiêng”
Trên mặt đất nghìn lần chia cắt
Mỗi giọt sương, một giọt ưu phiền.

Bóng chiều phủ nhạt mờ sương khói
Còn đâu tiếng ngựa hí quân reo
Còn đâu trống trường thành nổi nhịp
Huế quên trong phần mộ tiêu điều.

Nỗi buồn tôi, nỗi buồn lăng tẩm
Tiếng thông reo, suối chảy ngậm ngùi
Xương cốt đã tan theo bùn đất
Mà hồn còn vướng vất không thôi.

Tôi trở về đây chiều xế bóng
Tấm thân gầy, mái tóc hoa râm
Cả một đời chân đi mòn mỏi
Vẫn thấy đau những vết đau thầm.

Em ở đâu bên trời phiêu bạt
Tôi lơi cương chạy bốn góc thành
Hỏi hoa lá, hỏi trời u tịch
Tượng đá buồn sao đứng lặng thinh ?

HUY-PHƯƠNG

HUẾ OAN KHIÊN

Để nhớ những oan khuất Mậu Thân (1968)

Chiêng trống nào xin hãy nổi lên
Gọi hồn vất vưởng chốn oan khiên
Quan quân uổng tử giờ lâm trận
Tử tội thân lê đoạn xích xiềng.

Những giọt đàn bầu tiếng nỉ non
Nhị hồ réo rắt gọi vong hồn
Cửa thành xương thịt phơi năm hướng
Máu đỏ chan hòa cát biển đông.

Hãy thổi lên một đoạn sáo buồn
Trong đêm than thở tiếng ca ngâm
Gọi hồn lãng đãng chưa siêu thoát
Gọi xác ngậm ngùi chưa rửa tan.

Xương thịt nào của những bách dân
Chôn vùi dưới hào lũy Khiêm Lăng
Kinh đô thịt nát ngày thất thủ
Sọ trắng giăng hàng tết Mậu Thân.

Hãy gióng lên ơi những hồi chuông
Vang về vách núi, dội ven sông
Hồi chuông siêu thoát cho oan khuâát
Lạnh lẽo âm thầm chẳng khói hương.

Hãy đánh lên ơi những tiếng cồng
Tù và rúc gọi hồn lưu vong
Tuổi trai tan nát đời chinh chiến
Đầu núi, thân non, chân đạp rừng.

Xin gọi trăng soi khe Đá Mài
Thời gian rêu phủ mảnh đầu ai
Bãi Dâu đau xót hồn Gia Hội
Phú Thứ tóc vương trảng cát dài.

Xin tụng cho hồn một thửa kinh
Được nơi bến Giác, ngộ duyên lành
Vượt qua hết kiếp trầm luân ấy
Nếu thật hồn ơi có hiển linh!

Hãy dựng lên trăm tháp trai đàn
Xin cùng trì chú với chư tăng
Đốt nghìn ngọn nến lung linh sáng
Rưới rượu cho hồn được giải oan.

Mệnh sử một thời mảnh đất Chiêm
Nghìn năm thương Huế nỗi oan khiên
Nam ai một khúc ca đòi đoạn
Trăng khuyết, nhang khuya, lạnh miếu đền…

HUY-PHƯƠNG

QUÊ HƯƠNG VÀ EM

Nghiêng gương nhỏ tìm em không thấy bóng
Ôi hương tóc phai nhạt tháng ngày qua
Lòng anh như sợi giây đàn rung khẻ
Trời đang mưa trên những dãy núi xa .

Trưa nay một buổi trưa đầy mây xám
Anh lặng im nghe mạch máu chảy buồn
Không ưu tư hồn cũng như trĩu xuống
Như mỗi đêm chớp bể với mưa nguồn.

Anh trôi dạt về một thời xa cũ
Thành quách xưa đã cổ kính phai mờ
Không tiếng trống làm rung vầng trăng lạnh
Mà khói sương mờ nhạt bóng người xưa.

Anh đã sống qua những ngày thơ mộng
Với Huế quê hương yêu dấu muôn đời
Ðường Thành Nội đi về ngày hai buổi
Cầu Trường Tiền đêm nhớ dấu trăng soi.

Buổi học bài duới mái im nhà súng
Anh ngủ quên trên những khẩu thần công
Bỏ công thức mơ làm thân Từ Thức
Tâm hồn theo ngọn mây trắng thong dong.

Ở đó có những chiều mưa tháng bảy
Suốt mùa đông nhớ sợi nắng hanh vàng
Cô thiếu nữ nón nghiêng che cặp sách
Trưa vội vàng sợ lỡ chuyến đò ngang.

Một giòng sông với đôi bờ xanh mướt
Mùa hạ nào phượng chẳng đỏ hàng cây
Những con đường mang theo hồn bướm trắng
Gót chân hồng chậm theo bánh xe quay.

Tiếng ve nào đang rung đàn hợp tấu
Trong khu vườn vắng lặng giữa trưa nay
Dưới bến nước có tiếng chèo khua sóng
Bên kia nhà thấp thoáng áo ai bay.

Mái tóc em đã chảy dài dưới nón
Ðẹp mênh mang hình ảnh của đêm dài
Mối tình nào không phải là tình sử
Kỷ niệm một thời đâu dễ lạt phai.

Một thời để yêu, một thời mơ mộng
Tâm hồn em như mặt nước hồ sen
Có một sáng mùa thu nghe xao động
Ngọn gió về theo hơi thở thân quen.

Ngày tiếc nuối khi viết giòng lưu bút
Còn nhớ gì trên trang giáo khoa thư
Khi cổng trường người phu già khép kín
Hàng cây vàng rụng chiếc lá ưu tư.

Thuở đứng chờ trước ngõ dài hun hút
Bước vẩn vơ bứt chiếc lá trên cành
Em vắng bóng vì mùa thi sắp tới
Anh vội vàng vì tình quá mong manh.

Em còn nhớ những ngày anh đứng đợi
Dưới bóng cây ngóng giờ trống tan trường
Chân bước nhẹ mà lòng nghe run rẩy
Những phút đầu đi bên cạnh người thương.

Kỷ niệm đã ngủ yên cùng ngày tháng
Giữa trưa nay thức dậy với mưa về
Từng giọt buồn rơi với từng giai điệu
Gối tay gầy anh lặng lẽ nằm nghe.

Em với quê hương xa tầm tay với
Vẫn bên anh trong mỗi phút vui buồn
Anh biết ngày qua ngày em ngóng đợi
Mỗi phương trời có một nỗi cô đơn .

HUY-PHƯƠNG
Trại Tân Kỳ -Nghệ Tĩnh

TUỆ CHƯƠNG HOÀNG LONG HẢI
@nhohue  –  danchimviet

This entry was posted in Khảo Cứu, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.