Tuệ Chương/Hoàng Long Hải

Chết chóc

Bài 4

Từ ngày mồng 9 Tết, khu vực Bến Ngự, Nam Giao, Ga Huế lần lượt được giải tỏa, đồng bào trên đó chạy về. Bấy giờ thì trường Kiểu Mẫu đông nghẹt, phòng nào phòng nấy đầy ắp người, kẻ đi tới, người đi lui, chuyện trò, thăm hỏi, v.v… ồn ào ngày đêm không dứt. Mãi tới khuya lắm, mọi người đều đi ngủ thì mới yên lặng được một chút.

Vì quân Mỹ đang phản công, quân Dziệt Cộng cố giữ nên hai bên đánh nhau rất căng. Phía Chợ Cống, Sân Vận Động, súng nổ ran, bất kể ngày đêm. Vì vậy, gia đình nhỏ của tôi, không dám về nhà, ngày đêm đều ở lại trường.

Buổi chiều ngày mồng 10 tết, con Thơ ra giếng kéo nước rửa chén bát. Giếng lúc đó hết sức đông, đứng lớp trong lớp ngoài, kẻ thì kéo nước, người thì chờ. Trời sắp tối, một người lính thuộc Tiểu Khu lên ca gác, leo lên một cái chòi canh cao. Anh ta thử cây súng trung liên, bỗng súng cướp cò, nổ một phát đạn. Trong khi thử súng, anh ta vô ý chỉa ngay nòng súng về phía đám đông đứng quanh giếng. Phát đạn nổ ghim ngay vào đầu con Thơ.

Tôi đang ngồi bên cạnh vợ và các con thì có một cô gái nhỏ chạy tới nói: “Thầy cô ơi! Chị người làm của thầy cô bị trúng đạn ngoài giếng, đưa vô bệnh viện rồi.”

Tôi hốt hoảng chạy qua gian lầu được xử dụng tạm làm bệnh viện. Tình hình bệnh viện chạy loạn cũng lộn xộn không kém gì dân chúng. Tôi đi từ phòng này qua phòng kia tìm nhưng không biết người ta để con Thơ ở đâu. Cuối cùng, anh Đào Hải, y tá ở bệnh viện, bà con bên vợ tôi, tìm gặp tôi, nói:

– “Anh ở đây nhưng em mới qua gặp chị. Chị biểu đi kiếm anh. Chị khóc dữ.”

Tôi hỏi:

– “Con Thơ bị nặng không?”

“Không sống nỗi đâu! Đạn vô đầu.”

Tôi cũng thấy tuyệt vọng khi nghe nói đạn vào đầu. Anh Hải dẫn tôi vào phòng cấp cứu nhưng con Thơ đã được đưa ra nằm ngoài hành lang. Chúng tôi đi ra hành lang, thấy có một cái cáng đặt bên chân cầu thang. Hải nói: “Nó đây!” Người ta đắp lên mình con Thơ một cái mền bằng giấy, loại mền nầy do Mỹ viện trợ để dùng tạm, xài xong bỏ. Cái mền đắp kín mặt. Như thế, có nghĩa là nó đã chết. Hải kéo cái mền giấy xuống khỏi mặt. Tôi thấy con Thơ còn thở ngáp, hỏi:

– “Chú Hải, còn thở ngáp mà!”

Hải nói:

– “Bác sĩ giải thích máu chưa tràn ra khắp não bộ nên còn thở ngáp. Vài chục phút sau là chết hẵn. Có lẽ trong phòng chật quá, có rất nhiều người bị thương nên người ta đem ra đây những ai không còn hy vọng gì.”

Tôi đứng nhìn vào xác con Thơ, trầm ngâm không biết nói gì, không kịp suy nghĩ gì, chỉ thấy lòng tôi đau khổ dữ dội, thấy tôi nghiệp cho con nhỏ và cả cho cả mấy đứa nhỏ, kể cả ba đứa con của tôi. Sự việc diễn biến quá mau lẹ và hết sức xúc động nên tưởng như trí óc mình tê dại hẳn đi. Mới chiều ba mươi tết, bạn bè tập trung tại nhà tôi, ăn tất niên; tiệc tùng vui vẻ, con Thơ lăng xăng giúp vợ tôi lo tiếp khách. Thế mà nay nó chết rồi! Tôi nghĩ tới lời mẹ nó, một người đàn bà tôi chưa từng gặp, nói với mẹ tôi khi cho con Thơ làm con ở cho vợ chồng tôi: “Cho con lên tỉnh ở để tránh súng đạn. Mệ (tức là bà nội hay bà ngoại – tiếng miền Trung) cho bao nhiêu cũng được!” Ở thôn quê, hai bên thường đánh nau dữ dội, bom đạn dữ dội. Ở thành phố yên lành hơn nên cho con đi ở để tìm chỗ yên lành hơn là cho con đi kiếm tiền đem về cho mình. Tội nghiệp cho người đàn bà thương con. Tôi cũng nghĩ đến mẹ tôi, rất thương con. Có lẽ mai đây, khi mẹ tôi gặp mẹ nó, nói tới cái chết của con Thơ, mẹ tôi cũng nghẹn ngào, thương xót người mẹ mất con nên không nói được chi!

Trong tình mẹ thương con, không có một ranh giới giữa hai người đàn bà đó, những người đàn bà khốn khổ mất con vì chiến tranh. Cách đây gần 20 năm, mẹ tôi cũng từng khóc anh cả tôi khi anh ấy, vừa 20 tuổi như tuổi con Thơ bây giờ, bị Tây bắt và thủ tiêu vì tội “làm Việt Minh.” Những người làm mẹ, có lẽ biết thế nào là lòng thương con. Ai sinh con ra mà không nuôi, không thương, thì không thể nào hiểu được lòng mẹ thương con như thế nào!

Thấy tôi đứng lâu mà không nói gì, anh Hải nói:

– “Không có cách nào nữa đâu. Thôi tối rồi, đứng ngoài ni nguy hiểm, anh về đi.”

– “Rồi việc chôn cất làm sao?” Tôi hỏi.

– “Anh đừng lo. Mọi việc bệnh viện lo.” Hải nói.

– “Chôn ở đâu?” Tôi lại hỏi.

– “Chôn tạm phía bờ tường sát tiểu khu. Bây giờ không đi ra ngoài được. Chỗ nào cũng đánh nhau.” Hải giải thích.

– “Không có hòm chi hết.” Tôi lại hỏi.

“Không! Bọc cái mền giấy mà chôn. Ai cũng rứa. Hôm tê mới chôn ông Thiếu tá Bào, tiểu khu phó, cũng rứa.” Hải nói.

Tôi bỏ đi về dãy lầu gia đình tôi đang tạm trú. Đi một đỗi, tôi mới chợt nhớ quên chào Hải.

Sau Tết Mậu thân, tôi tự động trình diện nhập ngũ. Tôi không thể nào chịu nỗi cảnh tượng vào lớp thấy cả một nửa số học trò mang băng tang, nhà nào cũng có người chết: Cha chú, anh em hoặc cậu mợ… Người thì bị đạn lạc, năm ba người bị lính Mỹ, Đại Hàn, lính Quân Đội Cộng Hòa bắn lầm. Hầu hết là bị Việt Cộng giết, chôn sống, nhất là chôn sống, tàn nhẫn quá. Không ít người mất tích, cũng coi như xong rồi. Mất tích có nghĩa là chết mà chưa có tin chắc chắn, ít ai được tha hay trốn về.

Vào lớp học nào tôi cũng thấy bọn học trò để tang. Một nửa lớp để tang: Con trai thì mang băng đen ở ngực; con gái không ít đứa 15, 17 tuổi quấn khăn tang ngang đầu. Câu thơ của Xuân Diệu: “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang” chỉ là cái đẹp trong văn chương, còn trong đời thực, đó là một hình ảnh hết sức đau lòng.

Trước ngày lên đường nhập ngũ, tôi ra sân trường Kiểu Mẫu thắp nhang cho con Thơ, cầu nguyện như câu mẹ tôi thường khấn: “Sống khôn thác thiêng”, xin nó phù hộ cho người còn sống.

Một năm sau, tôi về phép. Nhằm lúc đó có thông báo chính quyền yêu cầu thân nhân dời những ngôi mộ ở sân trường Kiểu Mẫu đi nơi khác. Tôi nhờ mẹ tôi nhắn về làng cho mẹ con Thơ lên bốc mộ, đem về làng chôn. Hai hôm sau, tôi đưa mẹ con Thơ cùng hai người bốc mộ ra chỗ ngôi mộ. Bà đem theo một cái hòm bằng thiếc để đựng hài cốt con. Vừa thấy mộ con, bà ấy cất tiếng khóc thật ai oán: “Con ơi! Mạ cho con đi tránh súng tránh đạn, ai ngờ chừ con ra nằm một chắc một mình nơi ni… Biết rứa mạ để con ở già (nhà) với mạ để mạ con hôm sớm có dau (nhau)…”

Tôi nghiêng mặt qua một bên, cắn chặt môi để cầm nước mắt khi nghe tiếng khóc thê thảm ấy, với một cảm giác mơ hồ như tôi có trách nhiệm trong cái chết ấy, một sự gởi gắm không chính thức của người mẹ mà tôi đã không làm tròn.

Trong cuộc chiến tàn bạo nhứt chưa từng có trong lịch sử dân tộc nầy, quả thật không có nơi nào là chốn bình yên cho những người muốn trốn chạy nó…

*

Ba ngày sau, khi tôi đi lang thang trong khuôn viên trường Kiểu Mẫu thì gặp anh Càng, nhà vợ anh phía sau nhà tôi ở Quảng Trị. Càng là tài xế của trung tá Đô. Thời gian ấy, ông Đô du học ở Mỹ, anh ta ở nhà lái xe cho bà vợ ông, là người đàn bà hôm ba mươi Tết, đến ăn tiệc ở nhà tôi. Càng nói:

– “Anh Niệm chết rồi!”

Nghe tin, tôi tưởng như đất dưới chân tôi sụp xuống, hai chân tôi run rẩy, đứng không vững. Niệm là em rể tôi. Niệm hiện đang giữ nhiệm vụ thường vụ đơn vị, – Thiết Đoàn 7 Kỵ Binh, – đóng tại Trường Bia, sát dưới chân phía nam núi Ngự Bình.

Hôm 29 Tết, tôi về Quảng Trị một mình. Niệm đến thăm vợ chồng tôi. Vợ và 4 đứa con của Niệm đang ở Qui Nhơn, không về Huế ăn Tết với chồng. Thấy Niệm cu ki một mình nên vợ tôi biểu Niệm ở lại đón giao thừa và ăn Tết với vợ chồng tôi. Đang làm thường vụ, Niệm không thể bỏ đơn vị được. Chiều 29 Tết, Niệm về đơn vị.

Tối mồng 1 Tết, Dziệt Cộng tấn công vào Thiết Đoàn 7 nhưng không ăn nhằm gì cả. Đơn vị của Niệm chẳng ai chết hay bị thương. Việt Cộng bèn đổi chiến thuật. Thay vì tấn công vào đơn vị, chúng tấn công vào trại gia binh để gây lo lắng cho binh lính trong doanh trại. Đêm đó, Niệm trèo lên một chiếc xe tăng M-41, dùng súng đại liên 50, bắn liên tục vào vòng rào trại gia binh để ngăn chặn chúng. Bắn hết bốn, năm thùng đạn gì đó, Niệm nghỉ, nhưng vẫn ngồi trên xe tăng. Sáng sớm, trung tá Chí, thiết đoàn trưởng, được lệnh tướng Trưởng (lúc đó là đại tá) chỉ huy lực lương thiết giáp của thiết đoàn sang tiếp cứu bộ tư lệnh sư đoàn ở Mang Cá. Niệm được ở lại, không đi theo xếp.

Khi trời sáng hẵn, anh ta ôm súng đi ra phía trại gia binh để kiểm soát xem đêm qua có ai bị thương hay chết chóc gì không. Khi vừa tới một góc nhà, Niệm bị một tên Dziệt Cộng núp ở đó bắn một bang AK vào người. Niệm bị thương ở bụng dưới. Binh sĩ xông ra đánh đuổi tên Dziệt Cộng và đưa Niệm vào đơn vị. Y tá chỉ băng bó nhưng không di tản thương binh được: Không xin được trực thăng tải thương, đường từ đơn vị đi Phú Bài vẫn chưa khai thông được. Niệm chỉ nằm chờ chết. Máu và nước tiểu cứ chảy ra hoài, y tá không cầm được, trong khi Niệm vẫn còn tỉnh. Tới chiều hôm đó thì Niệm kiệt sức và qua đời.

Đơn vị đánh điện vào Qui Nhơn báo tin cho vợ Niệm biết. Hai hôm sau, em gái tôi xin được máy bay quân đội Mỹ, ra Phú Bài rồi xin quá giang xe quân sự về Trường Bia. Bấy giờ thì đơn vị đã ra cửa hàng bán quan tài bên cạnh quốc lộ 1, kế doanh trại, mua quan tài về tẩm liệm cho Niệm. Em gái tôi cùng mấy anh em trong đơn vị an táng Niệm ở phía ngoài vòng rào đơn vị. Tình hình lúc ấy còn nặng nề, không dám đem đi chôn ở nghĩa trang, xa doanh trại.

Chôn cất chồng xong, em gái xin dùng máy truyền tin của đơn vị, liên lạc với bà trung tá Đô, nhờ nhắn gởi lời thăm hỏi vợ chồng tôi. Lúc đó, đường vào Huế còn rất căng thẳng, nguy hiểm. Quân Dziệt Cộng còn phục kích ở An Cựu, tấn công các xe hơi của binh lính Mỹ tiến vào thành phố./

Tuệ Chương/Hoàng Long Hải

This entry was posted in Truyện Ngắn, Văn Học and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.