MỘT LOÀI HOA
Trong tiết sinh vật ngày học cấp hai, thầy giáo phân công lũ chúng tôi chia nhóm thảo luận, ghi lại tên những loài hoa tạo hóa ban tặng chung quanh ta và nêu ý nghĩa của nó với cuộc sống. Nhóm tôi gồm ba đứa vốn là bạn chí thân kéo nhau ra góc phòng chụm đầu thầm thì liệt kê một bảng dài lê thê tên hoa với lòng háo hức phen này chắc chắn vẫn lại dẫn đầu.(Hình phải:Hoàng Thị Như Huy)
Đến lúc lên trình bày, hầu như các nhóm đều trùng ý lập nhau. Chỉ lui tới kể tên mấy loài hoa quen thuộc luôn được trồng làm cảnh như mai, lan, cúc, hồng, đồng tiền…Vậy mà duy nhất nhóm nhỏ Mơ vốn là con bé học trò nghèo, nhút nhát nhất lớp lại nhắc tên những loài hoa không ai nghĩ đến: hoa điên điển, hoa thiên lý, hoa nhài, hoa sói, hoa bí… Khi nó nhắc đến bắp chuối (hoa chuối), cả lớp cười ồ. Nhưng nó vẫn hùng hồn thuyết trình về giá trị của loài hoa ấy. Thầy giáo ngợi khen trước lớp, đánh giá bài thuyết trình của nhóm nó sâu sắc và ấn tượng nhất. Tôi ngồi nghe mà ngớ ngẩn như người vừa đến từ hành tinh xa, dù bao lần trong đời tôi nhìn thấy những bắp chuối trong khu vườn rợp bóng cây xanh mà ngày ngày bà tôi còng lưng chăm bón, dù mẹ đã từng nấu cho tôi ăn bao món ngon từ cái bắp chuối trổ trong cả bốn mùa của đất trời Huế. Chẳng lẽ do nó không khoe sắc hương như hồng, mai, cúc, lan, hải đường…. hay do tôi là kẻ có trái tim vô cảm với thiên nhiên quanh mình mà đã đành lòng quên mất?
Giờ ra chơi tôi mon men tìm Mơ hỏi cho ra chuyện: “ Răng Mơ giỏi rứa? Răng bạn nghĩ ra điều ấy trong khi đầu tụi mình đặc như Mít đặc?”
Mơ trả lời thật khiêm tốn “Mình chẳng có chi tài giỏi cả, bởi ngày nào cũng ngồi cắt mỏng từng bắp hoa chuối trộn vào món rau sống cho mẹ bán cơm hến ở chợ nên nhớ đến nó. Nếu nhà mẹ bạn cũng bán cơm hến như nhà mình thì tất bạn sẽ nghĩ đến nó thôi” .
Ôi cái con Mơ mà tụi tôi vốn vẫn chê củ lẩn cù lần sao nó lại có tình đến thế? Còn tôi vốn vẫn hay tự hào mình là kẻ biết nhiều điều hơn bè bạn mà sao nay lại quên béng một loài hoa thân thiết trong vườn nhà? Tôi tự thấy mình đã có lỗi với hoa chuối biết bao. Phải viết để tạ tội và lưu lại một bài học trong đời.
***
Từ ngày ấy tôi hay để ý đến cái bắp nhô ra từ thân chuối, nở ra từng cánh, rồi kết dần từng quả chuối mà tôi đã nhìn đến trăm lần trong đời mình.
Dù không lộng lẫy như hồng nhung, phong lan hay thơm lừng như ngọc lan, nguyệt quế…Nhưng quả là hoa chuối đã gắn bó với cuộc sống người Việt vì là một loài hoa ăn được và gần gũi thân thiết. Những chuyến đi xa qua những vùng chiêm trũng hay trên những rẻo cao nhìn xuống những vực sâu thắm thẳm, vẫn thấy thấp thoáng bụi chuối rừng. Thử hỏi có mấy ai sinh ra nơi miền đất Việt đầy những vườn chuối thân quen mà không một lần ăn món hoa chuối trongđời? Canh hoa chuối, gỏi hoa chuối, hoa chuối muối chua, hoa chuối ăn sống, hoa chuối xào… là những món ăn mà bà mẹ quê không phải tốn tiền mua vẫn nấu con ăn cho bữa cơm thêm ngon miệng .
Tùy giống chuối mà hoa chuối có màu và hình dạng to nhỏ khác nhau. Bắp hoa chuối cau dáng thon nhỏ, màu đỏ tía. Bắp chuối sứ to dài hơn màu xanh lục non. Bắp chuối ba lùn màu hồng, phơn phớt lớp phấn trắng bên ngoài.
Cũng tùy giống mà mẹ tôi chọn cắt ngay khi hoa vừa trổ như chuối sứ, hay lại để chờ hoa bắp chuối cau, ba lùn, tiêu… trổ gần hết quả mới hái phần hoa còn lại không còn khả năng sinh quả để bóp gỏi hay nấu canh…Trong các loại bắp hoa ấy, bắp hoa chuối sứ là được cả nhà thích nhất.
Tôi vẫn còn nhớ dáng mẹ ngồi bên ảng nước thái bắp chuối vừa cắt trong vườn. Con dao được mài thật bén, rồi bàn tay thoăn thoắt lướt những lát thật mỏng thanh. Cắt xong nhát nào mẹ ngâm ngay hoa vào chậu nước để giữ màu tươi sáng.
Bát canh chuối sứ nấu tôm hay hầm xương, vị nước nêm đậm đà hương mắm ruốc. Gia vị lúc nấu xong là một nhúm rau sân, lốt, tỏa hương vị thơm ngon lạ lùng .
Hoa chuối làm món nộm chỉ cần ngâm nhanh rồi vớt ráo, thêm lát khế chua, miếng thịt gà luộc xé nhỏ hay tôm thịt luộc thái chỉ rồi nêm vị mặn ngọt chua, rắc mặt nhúm đậu phụng rang dòn tạo nên món nộm rất thân quen với bao bữa ăn gia đình.(Hoa chuối-ảnh Như Huy)
Cánh hoa chuối sứ màu xanh tươi thắm, vị ngòn ngọt, bùi bùi, pha chút chát chát. Khi nhai ta có cảm giác sần sật . Trong món ăn Huế, người ta đã khéo bổ sung hoa chuối trong nhiều món rau ăn kèm như: Cơm hến, gỏi gà nước cung đình, giấm nuốt, bún thịt nướng… hoặc có khi hoa chuối là thành phần chính trong món nham hoa chuối, gỏi thập cẩm…
Hoa chuối cau hay ba lùn vị chát hơn, phải luộc bỏ chất chát mới nấu canh hay bóp muối, tiêu, chanh, rau răm. Món bắp chuối bóp này, dù chỉ thuần bắp chuối với gia vị,nhưng khi ăn, ta vẫn có cảm giác như đang ăn dĩa thịt gà bóp.
Những ngày nhà thiếu tiền đi chợ, mâm cơm vẫn đủ món ngon nhờ bàn tay khéo léo tài hoa của bà mẹ tạo nên từ bắp hoa chuối trong vườn.
Tôi đã đi qua nhiều nơi trên đất nước mình nhưng hiếm thấy bắp hoa chuối sứ như ở xứ Huế quê tôi. Hình như hoa ở các vùng khác có màu đậm hơn, nhiều nhựa hơn nên khi thái phải ngâm vào nước có pha muối chanh để khỏi bị thâm.
Bà cô họ tôi đi xây dựng khu kinh tế mới vào Long Khánh những năm 1972, 1975 kể rằng trong ấy dù chuối được trồng cả rừng nhưng người ta không có thói quen ăn hoa chuối. Được cô mời ăn, họ thấy ngon nên từ đấy mới biết nấu món hoa chuối từ đấy.
Trong chương trình Phát triển nguồn nhân lực Du lịch VN của Dự án EU( 2004-2010), các chuyên gia đầu ngành đã chọn Nộm hoa chuối cùng với một số món ăn Việt khác làm cơ sở đánh giá kỹ năng tiêu chuẩn nghề VTOS (VietNam Tourism occupational skills) cho nhân viên Bếp Việt. Khắp Bắc Trung Nam, các thí sinh có bao kỷ niệm khó quên với món hoa chuối thuần túy Việt này. Dẫu rằng nhiều thí sinh đã có nhiều kinh nghiệm làm bếp nhưng khi tham dự cuộc thi vẫn không khỏi luống cuống, khiến có người cắt cả tay hoặc quên cả nêm gia vị.
Hoa chuối tính ấm, nó giúp điều trị một số bệnh như làm tan đàm, ấm bao tử, làm mềm các u nhọt. Chất xơ của hoa chuối rất lợi cho tiêu hóa. Chất chát chống được bệnh tiêu chảy. Các bà mẹ trong thời gian mới sinh con ăn hoa chuối sẽ có nhiều sữa để nuôi con.
Hoa chuối bình dị, có một vẻ đẹp tiềm ẩn.
Bàn về sắc đẹp của các loài hoa thì không phải ai ai cũng đồng tình cho rằng hoa hồng đẹp hơn hoa chuối hay hoa chuối có dung nhan khiêm tốn hơn hoa cúc, hoa mai…mà không dám đua tài ! Đã là hoa đất trời sinh ra thường đều đẹp nhưng mỗi người thưởng hoa theo một cách khác nhau.Trên bàn thờ ngày tết đôi khi người ta cũng cắm cả cây chuối đang trổ hoa. Trong đám cưới ở Nam bộ người ta bứng hai cây chuối đang trổ hoa trồng ở cổng chào để cầu chúc cô dâu chú rể sinh con đàn cháu đống như hoa chuối đang tượng quả trên cành. Trong trang trí bàn tiệc hay trong nghệ thuật hoa Ikebana của Nhật đôi khi họ cũng sử dụng hoa chuối đấy chứ? Các nghệ nhân ẩm thực cũng thường dùng cánh hoa chuối để trang trí cho các thực đơn cầu kì.
Thế mới biết cái bắp hoa chuối tưởng là tầm thường nhưng vào tay người nội trợ giỏi giang và sành điệu, nó có một giá trị sâu đậm biết bao!
Liệu khi kể về các món ăn thuần Việt có ai quên được món hoa chuối không nhỉ?
Hoàng Thị Như Huy
@nguyenhoang6572
Ghi Chú:
Tác giả Hoàng Thị Như Huy,là cô giáo dạy học tại Huế,người làng Trung Đơn,quận Hải Lăng,tỉnh Quảng Trị.