Về một bài thơ của cụ Phan Bội Châu
tặng ông Ngô Đình Diệm
Gần đây, một vài vị khán giả của đài truyền hình STBN có liên lạc với người viết để hỏi thăm thêm về một bài thơ của cụ Phan Bội Châu tặng cho ông Ngô Đình Diệm vào năm 1933 mà họ đã nghe được trong một buổi nói chuyện giữa người viết và ký giả Tường Thắng, người phụ trách Chương Trình Lịch Sử Cận Đại trên đài truyền hình STBN, hồi mấy tháng về trước.
Người viết xin mượn bài viết này để trả lời cho câu hỏi đó.
Trong số những nhà cách mạng chống lại thực dân Pháp trong lịch sử Việt Nam thời đầu thế kỷ thứ 20, có hai người cùng họ Phan được toàn dân xem như là hai nhà cách mạng vĩ đại nhất, đó là cụ Phan Sào Nam tức là Phan Bội Châu(Hình phải)và cụ Phan Tây Hồ tức là Phan Chu Trinh. Cụ Phan Chu Trinh từ trần tại Sài Gòn vào năm 1926 và Cụ Phan Bội Châu từ trần vào năm 1940, sau hơn 15 năm bị quản thúc tại Bến Ngự, Huế.
Cụ Phan Bội Châu sinh năm 1867, lớn hơn ông Ngô Đình Diệm 33 tuổi. Không rõ cụ có liên hệ gì với ông Ngô Đình Khả, thân phụ của ông Diệm hay không, tuy nhiên ông Ngô Đình Diệm thì còn quá trẻ cho nên cụ Phan Bội Châu không quen biết gì với ông vì cụ đã rời Huế lên đường đi làm cách mạng từ năm 1905, lúc đó ông Ngô Đình Diệm chỉ mới lên 4 tuổi.(Xem hình dưới đây). Sau khi bị bắt tại Thượng Hải vào năm 1925, người Pháp đưa cụ Phan Bội Châu về Hà Nội để đưa ra tòa. Cụ bị tòa án Pháp lên án tử hình vì tội chống lại chính quyền thuộc địa của người Pháp, tuy nhiên vì dư luận quần chúng trên toàn quốc cực lực phản đối bản án này cho nên Toàn Quyền Varenne đã phải giảm án tử hình xuống chung thân khôå sai và sau cùng thì lại giảm thành “quản thúc tại gia” và cụ bị đưa về an trí tại Huế vào năm 1926.
Hoàng Đế Bảo Đại và Thượng Thư Ngô Đình Diệm
Trong khoảng thời gian từ khi cụ Phan Bội Châu về sống tại Huế, ông Ngô Đình Diệm đang lần lượt giữ các chức vụ như Tri phủ Hải Lăng tại tỉnh Quảng Trị, Tri Phủ Hòa Đa tỉnh Phan Thiết, Huấn Đạo Đà Lạt, Tuần Vũ Phan Thiết v.v., do đó cho đến năm 1933, sau khi Hoàng Đế Bảo Đại từ Pháp trở về cầm quyền, nhà vua mới mời ông Diệm về giữ chức Thượng Thư Bộ Lại tại triều đình và đến lúc đó ông mới về sống ngay tại kinh đô Huế.
Trong cuốn hồi ký “Con Rồng Việt Nam,” Cựu Hoàng Bảo Đại cho biết rằng ông từ Pháp trở về nước để cầm quyền thì được Thượng Thư Nguyễn Hữu Bài tiết lộ cho biết rằng Hoàng Đế Việt Nam không có quyền hành gì cả:
Bảo Đại: Nhưng còn quyền hạn của Trẫm, công việc của Trẫm? Các quan Thượng làm việc ra sao?
Nguyễn Hữu Bài: Kính tâu Hoàng Thượng, trước kia thì mỗi bộ tâu trình lên Hoàng Đế và đệ lên dự án để xin quyết định. Nhưng sau đức Tiên Đế Khải Định băng hà năm 1926 thì đã có một thỏa ước với nước Pháp, theo đó Nội Các sẽ họp dưới sự chủ tọa của viên Khâm Sứ, mình phải báo cáo và xin quyết định. Tòa Khâm Sứ ra chỉ thị, nhất là về ngân sách. Chính phủ Pháp thu thuế và trao lại cho Nam Triều đủ để trả lương cho nhân viên để có thể tồn tại. .. Thực tế, thỏa ước này đã trao hết quyền hạn cho viên khâm sứ, từ chính trị đến tư pháp. Ở Bắc Kỳ, hiện nay viên Thống Sứ ở Hà Nội đang nắm quyền Phó Vương rồi.
Bảo Đại: Vậy thì Trẫm còn quyền gì?
Nguyễn Hữu Bài: Hoàng Thượng còn giữ được quyền về . .. nghi lễ, quyền ân xá tội nhân, quyền phong sắc cho các thần linh, quyền cấp phát tưởng lục, phẩm hàm cho người sống hay người chết v.v.”
Cựu Hoàng Bảo Đại cho biết rằng sau đó ông đã vận động và tranh đấu để nắm lại quyền hành và ngày 10 tháng 12 năm 1932, ông đã công bố một đạo dụ loan báo ý định cầm quyền dưới hình thức quân chủ lập hiến. Ông cho biết rằng đạo dụ này được dân chúng, nhất là giới trẻ nhiệt liệt hoan nghênh và sang đến ngày 2 tháng 5 năm 1933 thì ông lại ban hành một đạo dụ mới đặt cơ cấu cho sự cải cách và ông trực tiếp nắm quyền lãnh đạo. Bảo Đại cho biết rằng ông đã mời một người trẻ tuổi là ông Ngô Đình Diệm về giữ chức Thượng Thư Bộ Lại:
“Tôi cho vời một viên quan tỉnh trẻ tuổi nhứt là ông Ngô Đình Diệm, lúc ấy làm Tuần Vũ Phan Thiết, để đảm trách Bộ Lại. Vốn dòng quan lại, anh ruột ông ta làm tổng đốc tỉnh Faifo. Diệm năm ấy mới 31 tuổi, nổi tiếng là thông minh, liêm khiết. Đây là một người quốc gia bảo thủ. Ngoài chức vụ thượng thư, Ngô đình Diệm còn là Tổng Thư ký cho Hội Đồng Hỗn Hợp về Canh Tân đã được ban bố năm trước, bao gồm các thượng thư Việt Nam và hàng công chức cao cấp Pháp. Ngô Đình Diệm được Nguyễn Hữu Bài trước khi về hưu tiến cử.”
Tuy nhiên chỉ mấy tháng sau ngày nhậm chức Thượng Thư Bộ Lại, ông Ngô Đình Diệm đã xin từ chức vì ông thấy rõ dã tâm của người Pháp là họ không bao giờ muốn trao trả quyền hành lại cho triều đình Việt Nam. Cựu Hoàng Bảo Đại cho biết rằng sau 4 tháng, vào đầu tháng 9 năm 1933, Ngô Đình Diệm liền xin gặp ông và nói:
“Tâu Hoàng Thượng, hạ thần đến để xin Hoàng Thượng cho từ chức và cũng xin Hoàng Thượng cho giải nhiệm luôn tất cả những chức vụ mà Hoàng Thượng đã trao phó từ trước.
Bảo Đại: Quan Thượng, viên thư ký Nguyễn Đệ đã tâu trình Trẫm tất cả nỗi khó khăn của ông, nhưng Trẫm nghĩ rằng ông nên tiếp tục ở lại.
Ngô Đình Diệm: Tâu Hoàng Thượng, xin Hoàng Thượng tha tội cho kẻ hạ thần nhưng quả hạ thần không thể nào ở lại được. Ở lại chức vụ này, quả nhiên là một trò hề đau khổ cho kẻ hạ thần mà hạ thần không thể nào kham nổi. Người Pháp đã nắm lấy hết quyền hành, họ đã cai trị trực tiếp, luôn luôn nhân danh hòa ước bảo hộ nhưng họ không lúc nào không vi phạm từng ngày, từng giờ.
Bảo Đại: Quan Thượng, Trẫm hiểu tinh thầm trách nhiệm của Quan Thượng. Sự liêm khiết ấy đã tôn vinh ông lên rất nhiều, nhưng cần phải chờ thời. Đất nước ta chưa sẵn sàng. Sau nữa, những năm sắp tới đây còn dành cho chúng ta nhiều biến chuyển. .. Chiến tranh khó có thể tránh được ở Âu Châu, và như thế, sẽ có nhiều hậu quả đối với Á Châu mà Nhật Bản có thể là vai trò chủ chốt. Vì những lý do đó, Trẫm nhắc lời cho Quan Thượng sự yêu cầu của Trẫm lần nữa.
Ngô Đình Diệm: Kính tâu Hoàng Thượng, thật quả là điều mà hạ thần không thể kham nổi. Kẻ hạ thần không được quyền ở lại. Kính xin Hoàng Thượng cho phép kẻ hạ thần được rút lui”.
Ông ta khăng khăng một mực xin từ chức.
Bảo Đại: Được, Trẫm chấp thuận cho Quan Thượng từ chức. Quan Thượng đã muốn vậy thì Trẫm cũng chẳng thể nào làm gì được hơn. Mong rằng sự ra đi của Quan Thượng sẽ mở mắt cho người Pháp để cho họ có một tầm nhãn quan rộng lớn hơn. Dù sao nữa, mong Quan Thượng hãy sẵn sàng, có thể ngày nào đó Trẫm lại cần đến quan Thượng và Trẫm sẽ cho vời.
Ngô Đình Diệm: Kính tâu Hoàng Thượng, xin Hoàng Thượng hãy tin tưởng lòng trung thành tuyệt đối của kẻ hạ thần.”
Cụ Phan Bội Châu và Ông Ngô Đình Diệm
Việc ông Ngô Đình Diệm treo ấn từ quan vào tháng 9 năm 1933 đã gây tiếng vang trên khắp nước, không những tại Trung Kỳ mà ngay cả tại Bắc Kỳ và Nam Kỳ dân chúng ai ai cũng đều có lòng cảm phục. Và một trong những người đó là nhà cách mạng Phan Bội Châu đang bị người Pháp quản thúc tại Huế, lúc bấy giờ được dân chúng ở Huế gọi một cách đầy cảm tình là “Ông Già Bến Ngự.”
Khoảng ba tháng sau ngày ông Ngô Đình Diệm từ chức Thượng Thư Bộ Lại, vào ngày 27 tháng 12 năm 1933, nhật báo Tiếng Dân ở Huế do cụ Huỳnh Thúc Kháng làm chủ nhiệm có đăng tãi “Mười Bài Vô Đề” do cụ Phan Bội Châu cảm tác, trong đó có bài thứ 5 đặc biệt để tặng cho ông Ngô Đình Diệm:
Mười Bài Vô Đề
Cụ Sào Nam năm nay thường đau luôn, không được mạnh như mọi năm. Nhưng xu xác kém nhiều mà tinh thần vẫn khảng khái. Cụ mới làm 10 bài Vô Đề, bản báo lục đăng như dưới đây. T. D.V
Ai biết trời Nam hãy có người,
Sịch nghe tưởng ngỡ sấm bên tai.
Lông hồng coi nhẹ vàng muôn lượng,
…(kiểm duyệt bỏ).. .
Phơi tỏ cùng trời gan đỏ chói,
Nhá nhem thây kệ mắt đen thui.
Ví chăng kịp lúc làm vai vế,
Sau ngựa Châu xin quất ngọn roi.
Sào Nam Phan Bội Châu
(Tiếng Dân 27-12-1933)
Khi cho đăng bài thơ này vào năm 1933, kiểm duyệt của người Pháp đã cắt bỏ câu thơ thứ tư cho nên trong bài chỉ còn có 7 câu mà thôi.
Bài thơ này tuy được lồng vào trong 10 bài vô đề nhưng hồi đó thì ở Huế ai cũng biết rằng cụ Phan Bội Chân đã làm bài thơ này để tặng cho ông Ngô Đình Diệm. Khoảng hai năm sau, chính cụ Phan Bội Châu đã xác nhận trong một bài phỏng vấn trên báo Ánh Sáng là Cụ đã sáng tác bài thơ này. Hơn nửa thế kỷ sau, trong bộ “Phan Bội Châu Toàn Tập” gồm 10 cuốn do ông Chương Thâu, giáo sư Sử Học của Hà Nội sưu tầm và biên soạn và nhà Xuất Bản Thuận Hóa ở Huế xuất bản vào năm 1990, trong phần chú thích, G.S. Chương Thâu có ghi rằng: “Bài này tác giả tặng NĐD.” Như vậy thì chính nhà sử học Chương Thâu của Cộng sản cũng phải thừa nhận là bài này “tác giả tặng NĐD,” tuy nhiên vì phải theo đúng quy luật và chỉ thị của chính quyền Cộng sản hiện nay, ông Chương Thâu và nhà xuất bản Thuâïn Hóa, cả ông giáo sư sử học cũng như là những người chủ trương nhà xuất bản này đều là đảng viên Cộng sản, do đó họ không được phép để nguyên tên tuổi của ông Ngô Đình Diệm mà chỉ để tên tắt là N.Đ.D. mà thôi.
Cụ Phan Bội Châu Không Hề Quen Biết Ông Diệm
Có nhiều người không có cảm tình với ông Ngô Đình Diệm thường đưa ra lập luận nói rằng sở dĩ Cụ Phan Bội Châu đã làm bài thơ nói trên để tặng cho ông Diệm là vì ông Diệm có một mối giao tình với Cụ. Lập luận này đã dựa vào những lời đồn đại nói rằng sau khi từ chức ông Ngô Đình Diệm vẫn thường lui tới thăm viếng Cụ Phan Bội Châu vì thế mà ông cựu thượng thư này đã chiếm được cảm tình của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu. Mới đây, trong một bài viết về Cụ Phan Bội Châu, nhà văn Huỳnh Hữu Ủy cũng cho biết như vậy: “Trong những người lui tới nhà cụ Phan, có một nhân vật đặc biệt là ông Ngô Đình Diệm, vừa từ chức Thượng Thư Bộ Lại, một nhân vật có tiếng thông minh và liêm khiết trong chính trường thời bấy giờ. Chính Cụ Phan Bội Châu cũng rất kính nể ông Diệm, cảm phục khí tiết của ông quan trẻ tuổi, nên có làm một bài thơ để tặng cho ông khi vị thượng thư đầu triều này từ bỏ quyền cao chức trọng để phản đối chính quyền Pháp và Nam triều tay sai.”
Sự đồn đại như vậy nghe ra thì cũng rất là hữu lý vì nhà của ông Ngô Đình Diệm rất gần nhà của Cụ Phan Bội Châu, khoảng cách chưa đầy một cây số (nửa mile) mà thôi. Nếu ai ở Huế thì cũng đều biết rằng căn nhà gia đình của ông Ngô Đình Diệm do Thượng Thư Ngô Đình Khả tạo dựng từ thế kỷ thứ 19 tọa lạc tại Phú Cam và Cụ Phan Bội Châu thì đã sống cuộc đời an trí cho đến khi tạ thế tại Bến Ngự. Mảnh vườn và gian nhà của cụ là do sự đóng góp của đồng bào toàn quốc qua lời kêu gọi của cụ Huỳnh Thúc Kháng, chủ nhiệm báo Tiếng Dân tại Huế và Luật sư Phan Văn Trường: “Tháng Giêng năm Đinh Mão (1927,) tôi nhờ có cụ Phan văn Trường quyên giúp được 2,500 đồng (một số tiền rất lớn hồi đó) mới mua được miếng đất làm cái lều ở Bến Ngự.” Khoảng cách về đường bộ từ Phú Cam về Bến Ngự, nếu đi dọc theo bờ sông Bến Ngự thì chỉ mất khoảng chừng mươi mười lăm phút, còn nếu đi dọc theo đường rầy xe lửa thì chỉ chừng chưa đến mười phút mà thôi.
Ông Ngô Đình Diệm có đến thăm Cụ Phan Bội Châu trong thời gian Cụ còn sinh tiền hay không, điều đó ít ai được biết vì ông Diệm không hề nói đến hoặc những người thân cận của ông cũng không có đề cập đến chuyện này dù rằng sự quen biết cũng như là việc tới lui thăm viếng hay đàm đạo với nhà đại ái quốc Phan Bội Châu có thể được xem như là một vinh dự lớn lao đối với tất cả mọi người Việt Nam hồi thế kỷ thứ 20.
Về phần Cụ Phan Bội Châu, Cụ có quen biết với cựu Thượng Thư Ngô Đình Diệm hay không thì chuyện đó dĩ nhiên là Cụ phải biết rất rõ.
Gần 2 năm sau ngày ông Ngô Đình Diệm từ chức, tại Huế có tin đồn nói rằng ông Diệm có thể sẽ trở lại phục vụ trong triều đình của Vua Bảo Đại và trong dịp này, Cụ Phan Bội Châu đã dành cho ông Lê Thanh Cảnh, phóng viên báo Ánh Sáng ở Huế một cuộc phỏng vấn dài hơn một tiếng đồng hồ. Bài phỏng vấn đó có đoạn như sau:
Ý Kiến Cụ Phan Bội Châu với Ông Ngô Đình Diệm
“Bây giờ tôi xin hỏi Cụ về tình hình trong nước ta hiện nay và ý kiến của Cụ về sự phục chức của ông Ngô Đình Diệm.
“Tôi mà thầy còn hỏi đến tình trạng trong nước? Cụ mỉm cười và nói với tôi như thế sau khi kéo một hơi thuốc lào dài. Cụ lại tiếp:
“Tôi có đi được nhiều đâu mà biết rõ, vả ông Ngô Đình Diệm(Hình phải dưới) xưa nay tôi cũng không được biết mặt hay hôi đàm một lần nào cả, nhưng lúc trước khi tôi nghe ông ấy thôi chức thượng thư, bỏ bốn năm trăm bạc lương một tháng, không tiếc gì đến lợi danh nữa thì tôi cũng có lòng khen. Hồi ấy tôi có làm một bài thơ nói về sự từ chức của ông Thượng họ Ngô:
“Ai ngỡ trần gian hãy có người,
Thoạt nghe tưởng ngỡ sấm bên tai.
Lông hồng giá rẻ vàng muôn lượng,
Ngôi quý xem dường dép nửa đôi.
Phơi tỏ với trời son một tấm,
Lom loem thây chúng bạc đôi ngươi.
.. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. .. “
Còn hai câu sau thì thôi, cũng đừng biên làm chi nữa. Đọc bài thơ ấy thì rõ ý tôi đối với sự từø chức của ông Ngô Đình Diệm thế nào, mà tôi tưởng lúc tù chức ông không thất ý, thì đối với sự phục chức ngày nay ông cũng không lấy làm đắc ý.”
“Vâng, Cụ dạy thế rất phải, nhưng ngộ như ông Ngô Đình Diệm tự nhiên trở lại ghế thượng thư thì Cụ bảo thế nào?
“Chẳng có lẽ, nhưng nếu thật như thế thì cái quan niệm của tôi đối với ông ấy từ trước đều vất đi.”
Thiết Mai Tôn Thất Cảnh
(Báo Ánh Sáng số 11 ngày 11 tháng 4 năm 1935)
Qua bài phỏng vấn trên, Cụ Phan Bội Châu xác nhận là chính cụ đã làm bài thơ này để tặng cho ông Ngô Đình Diệm và Cụ chưa từng gặp mặt cũng như hội đàm lần nào với ông Ngô Đình Diệm. Như vậy thì bài thơ này cụ sáng tác vì lòng ngưỡng mộ đối với việc ông Ngô Đình Diệm từ chức Thượng Thư Bộ Lại để chống lại chính sách của người Pháp chứ không phải vì tình quen biết nào cả.
Về hai câu cuối cùng trong bài thơ này, theo nhà văn Huỳnh Hữu Ủy thì cũng có người đã chất vấn Cụ về việc đã hạ mình đối với ông Ngô Đình Diệm:
“Gần đây, ông Vương Đình Quang, nguyên là thư ký của Cụ Phan Bội Châu, trong một bài viết trên tạp chí Tiếng Sông Hương khoảng năm 1988 ở Huế, cũng có nhắc lại. Vương Đình Quang lúc bấy giờ đã thưa với Cụ Phan là tại sao Cụ lại hạ mình như vậy đối với Ngô Đình Diệm là một người lớp sau, trong khi Cụ là bậc trên, ở hàng cha, hàng anh. Nhưng Cụ Phan nói thẳng rằng Cụ là người hoạt động cách mạng, chứ nếu Cụ ở trong giới quan trường thì Cụ cũng không chắc được như ông Diệm.”
Trong bài phỏng vấn trên báo Ánh sáng năm 1935, có lẽ vì có tin đồn rằng ông Ngô Đình Diệm sẽ trở lại làm quan cho triều đình Huế cho nên Cụ Phan đã thất vọng đã trót làm hai câu đó, do đó mà Cụ nói với ông Tôn Thất Cảnh “thôi, đừng biên làm chi nữa” và nếu mà ông Diệm trở lại làm quan thì “cái quan niệm của tôi đối với ông ấy từ trước đều vứt đi.”
Như vậy thì bài thơ này được đăng lần thứ nhất trên báo Tiếng Dân chỉ có 7 câu và lần thứ nhì trên báo Ánh Sáng thì lại chỉ còn có 6 câu. Phải đợi cho đến năm 1957, tạp chí Văn Đàn của ông Phạm Đình Tân tại Sài Gòn mới đăng lại bài thơ này với đầy đủ nguyên văn 8 câu thơ như sau:
Ai biết trời Nam hãy có người,
Sịch nghe tưởng ngỡ sấm bên tai.
Lông hồng coi nhẹ vàng muôn lượng,
Ngôi quý xem dường dép nửa đôi.
Phơi tỏ cùng trời gan đỏ chói,
Nhá nhem thây kệ mắt đen thui.
Ví chăng kịp lúc làm vai vế,
Sau ngựa Châu xin quất ngọn roi.
Ngô Đình Diệm Thay Thế Cụ Phan Bội Châu Làm Lãnh Tụ Phong Trào Cường Để
Như vậy thì cho đến năm 1935, năm năm trước ngày tạ thế, Cụ Phan Bội Châu chưa hề gặp gỡ và cũng chưa hề chuyện trò lần nào với ông Ngô Đình Diệm, cái cảm tình của Cụ dành cho ông Diệm trong bài thơ này cũng không bị “vứt đi” vì ông Diệm không hề trở lại làm quan cho triều đình Bảo Đại. Không những cảm tình với ông Ngô Đình Diệm không hề bị mất đi mà có lẽ càng tăng thêm là đằng khác vì sau khi Cụ từ trần thì ông Ngô Đình Diệm lại trở thành người lãnh đạo Phong trào Cường Để do chính Cụ Phan Bội Châu đưa sang Trung Hoa và Nhật Bản vào năm 1906. Trong phiên tòa của Hội Đồng Đề Hình Pháp xử tội Cụ tại Hà Nội ngày 23 tháng 11 năm 1925, Cụ Phan đã khẳng định Kỳ Ngoại Hầu Cường Để là lãnh tụ của Cụ:
“Ông Cường Để là người chủ mà tôi chỉ là người giúp việc. .. Họ đổ cho tôi là người chủ sự, chẳng qua là họ nghe tôi ra ngoài viết báo làm sách, ai ai cũng biết, vã nếu những người ấy có quả thật là người trong đảng của tôi đi nữa thì đầu đảng của tôi là ông Cường Để, chủ sự tất tự ông Cường Để chớ sao lại tự tôi?”
Cụ Phan Bội Châu tạ thế vào cuối năm 1940 và chỉ mấy năm sau đó thì ông Ngô Đình Diệm được tôn lên làm lãnh tụ Phong trào Cường Để. Chính nhân vật đứng hàng thứ nhì trong phong trào này là Bác sĩ Nguyễn Xuân Chữ cho biết như sau:
“Khoảng cuối năm 1944, tôi được người Nhật đưa vào Sài Gòn. ..Ở đây, tôi gặp ông Ngô Đình Diệm. Lập trường của họ Ngô cũng là phò tá Kỳ Ngoại Hầu Cường Để trên đường phục hưng đất nước.. . Ngày hôm sau có cuộc gặp gỡ của chúng tôi với Ngô Đình Diệm đang trú ẩn tại một bệnh viện cũng bị trưng dụng nhường cho quân đội Nhật mà ngày nay là Bệnh viện Hồng Bàng. Sau cuộc gặp gỡ, họ Ngô được tôn làm vị lãnh tụ chung, một y sĩ (tôi) là phó lãnh tụ. (Ba người còn lại là Bác sĩ Lê Toàn, Vũ Đình Dy và Kỹ sư Vũ Văn An.) Về công việc thì Tổng Tư Lệnh Nhật ngỏ ý muốn giữ hai lãnh tụ ở Sài Gòn để tiện đàm luận và hoạt động về chính trị, còn người thứ ba (ông Vũ Văn An) vốn là đồng chí trong đoàn thể của họ Ngô sẽ sang Tokyo đại diện Ngô Lãnh tụ bên cạnh Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, còn hai anh em (Bác sĩ Lê Toàn và Vũ Đình Di) đại diện cho Việt Nam Ái Quốc Đoàn.”
*
* *
Tóm lại, Cụ Phan Bội Châu không hề quen biêt gì với ông Ngô Đình Diệm khi cụ sáng tác bài thơ Vô Đề thứ 5 đăng trên báo Tiếng Dân vào năm 1933 đê tặng cho ông Diệm. Cụ xác nhận là Cụ làm bài thơ này vì “tôi cũng có lòng khen” tức là khen ngợi ông Ngô Đình Diệm đã “không tiếc gì đến danh lợi nữa”. Vì vậy cho nên Cụ đã bày tỏ lòng ngưỡng mộ ông quan trẻ chỉ đáng hàng con cháu mình mà tình nguyện xin làm người đánh xe ngựa cho ông ta. Đến hai năm sau, khi nghe tin đồn ông Ngô Đình Diệm sẽ trở lại làm quan tức là phục vụ cho quyền lợi của thực dân Pháp, Cụ đã giận dữ và không muốn nhắc lại hai câu thơ cuối cùng trong bài thơ đó và lại còn nói thêm rằng nếu quả thật ông Ngô Đình Diệm muốn trơ ûlại làm quan thì “cái quan niệm của tôi đối với ông ấy từ trước đều vứt đi.”
Có lẽ Cụ Phan Bội Châu đã không “vứt đi” cái mỹ cảm mà Cụ đã dành cho ông Ngô Đình Diệm qua bài thơ của Cụ viết vào năm 1933 vì ông Diệm không hề trở lại làm quan như người ta đồn đại, có lẽ “cái lòng khen” của Cụ cũng có thể tăng thêm nếu Cụ biết rằng sau khi Cụ tạ thế thì chính ông Ngô Đình Diệm là người tiếp tục vai trò của Cụ trong việc ủng hộ Đức Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, người mà Cụ đã tôn thờ là Đảng Trưởng của Cụ từ năm 1906.
Cho đến khi chính phủ Laniel của Pháp ký kết với chính phủ Bửu Lộc trao trả hoàn toàn độc lập cho Việt Nam vào tháng 4 năm 1954, dù rằng đã có được mời nhiều lần nhưng ông Ngô Đình Diệm không hề nhận lời hợp tác với người Pháp. Phải đợi cho đến tháng 6 năm 1954, vì có lời mời khẩn khoản của Quốc Trưởng Bảo Đại yêu cầu về nước để cứu vãn tình hình vô vọng ở miền Nam Việt Nam, ông Ngô Đình Diệm đã nhận lời thành lập chính phủ vào tháng 7 năm 1954 và sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23 tháng 10 năm 1955, ông Ngô Đình Diệm đã thành lập chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa vào ngày 26 tháng 10 năm 1955.
Trong 9 năm cầm quyền, tuy Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng có phạm một số sai lầm về đường lối và chính sách, nhưng nói chung thì người Miền Nam đa số đều kính trọng sự liêm khiết, đức độ và lòng yêu nước của ông, ngay cả đến ông Hồ Chí Minh cũng phải thừa nhận rằng “ông Ngô Đình Diệm cũng là người yêu nước, theo cách của ông ấy.”(Hình phải:Tác giả Trần Đông Phong)
Cho đến ngày bị bắn và đâm chết trên chiếc thiết vận xa M-113 trong cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, có lẽ ông Ngô Đình Diệm cũng đã chưa làm điều gì sai trái cho đến độ Cụ Phan Bội Châu phải “vứt đi” cái lòng khen của Cụ trong bài thơ đăng trên báo Tiếng Dân tại Huế vào cuối năm 1933.
Ghi Chú
-Bảo Đại: “Con Rồng Việt Nam,” Nguyễn Phước Tộc xuất bản, California 1990 , trang 53-54.Bảo Đại: sđd, trang 91-94.
-“Phan Bội Châu Toàn Tập” Tập 5, Chương Thâu sưu tầm và biên soạn, nhà Xuất bản Thuận Hóa, Huế 1990, trang 254-255.
-Huỳnh Hữu Ủy: “Chung Quanh Khu Di Tích Vườn Mộ Sào Nam Phan Bội Châu ở Huế,” nguyệt san Thế Kỷ 21, California, số tháng 8 năm 2006.
-Phan Bội Châu: “Những Năm Mão Trong Đời Tôi,” báo Tiếng Dân ngày 16 tháng 2 năm 1939.
-Thiết Mai Tôn Thất Cảnh: “Hơn Một Tiếng Đồng Hờ cùng Cụ Phan Bội Châu,” báo Ánh Sáng, số 11 ngày 11-4-1933, Huế. Trích lại trong Phan Bội Châu Toàn Tập, Tập 4, trang 311-319.
Người viết đăng lại nguyên văn bài thơ này để độc giả thấy rằng có vài chữ khác nhau giữa bài đăng trên Báo Tiếng Dân năm 1933 và bài đăng trên báo Ánh sáng do chính Cụ Phan đọc lại.
Huỳnh Hữu Ủy: bài đã dẫn.
-“Phan Bội Châu Toàn Tập,” Tập 4, trang 14-15. Đoạn này trích lại trong Vụ Án Phan Bội Châu của Bùi Đình do nhà xuất bản Tiếng Việt in tại Hà Nội năm 1950.
-Nguyễn Xuân Chữ: “ Hồi Ký,” nhà xuất bản Văn Hóa, Houston, Texas, 1996, trang 243-244.
California Mùa Xuân 2007
Trần Đông Phong
@huyenthoai – VOA – vnexodus