AN LƯU LÀNG TÔI VÀ HUYỀN THOẠI THẦN ĐÁ
Theo cách nghĩ thông thường thì cái gì cũng phôi pha nhạt nhòa theo thời gian,chưa hẳn mọi chuyện đều như vậy. Có rất nhiều điều hầu như gắn liền với đời người dù cho thời gian và hoàn cảnh đổi thay xoay chiều xuôi ngược, nhất là khi nó được ghi vào ký ức của tuổi thơ trong trắng.Với tôi đó là những kỷ niệm hồn nhiên dẫu là vui buồn hay chua xót, vậy thì ngôi làng nơi gia tộc tôi đã trải qua bao nhiêu đời và đến thế hệ tôi sinh ra, lớn lên rồi cất bước đi xa, dù thời gian được sống ở làng rất ít so với tuổi đời, mà lại là nơi luôn canh cánh bên lòng chưa hề nguôi ngoai thương nhớ.
Thật khó để giới thiệu cho rõ nét đặc thù về làng tôi, trong trí tưởng của người viết thì đó là một ngôi làng tuy nhỏ nhắn nhưng xinh xắn, có tổ chức đạc địa từ căn bản, nên về sau dù qua bao thế hệ, biết bao nhiêu khê thăng trầm thì hình thái làng vẫn còn giữ được như vậy.
Đến tuổi xế chiều nghiêng bóng, đã đi đây đó khắp mọi miền đất nước, đã được đọc nhiều văn thơ, thưởng thức nhiều sáng tác nghệ thuật tả cảnh làng quê, điểm lại không thấy ngôi làng nào giống làng của tôi cả. Cậu học trò ngoài sáu mươi quyết định ngồi làm lại bài luận văn tả ngôi làng của chính mình, nơi đó tôi đã sinh ra, nơi đó tôi có những ngày tuổi thơ vui buồn, có cả khổ đau không thể phai mờ trong tiềm thức.
An Lưu, một địa danh thuộc vùng đất Chợ Cạn, xã Triệu Sơn, quận Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, làng tôi hiền hòa nằm sau lũy tre xanh, những con đường cái nằm ngang, đường đi nằm dọc, chia ra thành từng khu ruộng đồng, từng xóm, nhà nọ nhà kia trên những mảnh vườn diện tích hầu như không khác nhau lắm, đi lên đi xuống, đi qua, đi về một vòng người ta có thể phỏng đoán rằng những bậc khai canh khai khẩn thuở nào đã dùng tri thức về hình học để vẽ họa đồ ngay từ những ngày đầu đến định canh định cư nơi đây.
Làng tôi không có cây đa cao ngất từng xanh, không có con sông xanh lơ lững vờn quanh, nhưng có cái dáng dấp thuần túy Việt Nam với lũy tre làng, ruộng vườn, ao cá, mái tranh với khói lam chiều nhẹ nhàng ùn lên êm đềm theo cánh gió lay động ngọn cau cạnh những mái nhà dân giả rồi tàn phai nhạt nhòa trong bóng hoàng hôn.
Ngôi làng thật gọn gàng, theo sơ đồ ngăn nắp, nhà trước, nhà sau, sắp xếp theo từng xóm, những con đường dọc ngay thẳng đi gìữa hai hàng tre của các vườn hai bên, bóng tre mát dịu dàng, có thể nghe đâu đó tiếng chim hót trên cành hay tiếng kẽo kẹt chạm vào nhau của những cây tre già chênh bóng.
Những con đường làng quê tôi không mang tên danh nhân hay số mục, cái tên đó có từ lâu, cũng không nghe ai kể lại là được đặt ra khi nào, có thể suy đoán là những cái tên được gọi theo cách hình thành, theo điạ thế hoặc mục đích như đường Đựng, đường Bắt, đường Bạn, đường Quan, đường Kiệt, tất cả đều được đắp ngay thẳng, được tu bổ hàng năm, đặc biệt vào những dịp có tế lễ, mà nhất là ngày Tết âm lịch.
Theo cách hiểu của người viết bài này thì ngoài những con đường xóm nằm trong làng, trước làng có hai con đường ngang lớn trên cùng gần bìa làng là đường Bắt, đây là đường dân làng đắp lên, được tu bổ hằng năm trở thành lớn nên mới có tên đường Bắt, theo thổ ngữ Quảng Trị chữ bắt có nghĩa là đắp.
Con đường song song với đường Bắt, cũng chạy từ đầu Đông đến đầu Tây theo bề dài làng là đường Bạn, nghe nói rằng hằng năm đến mùa gặt có những nhóm thợ gặt từ những nơi khác đến gặt thuê, đi thuê người gặt từng nhóm như vậy, gọi là kêu “bạn cắt”, cho nên mới có tên đường Bạn, con đường này cũng là nơi đi lại trong vùng và phụ cận, không đi xuyên qua làng.
Ba con đường nối từ đường Bạn lên đường Bắt, một ở giữa và hai ở hai đầu rất cân đối đều được gọi tên là đường Đựng, theo thứ tự Đông, Tây và Giữa theo tiếng địa phương thì đứng có nghĩa là dọc, theo cách phát âm thiên về dấu nặng đặc biệt của Quảng Trị, như vậy gọi đứng thành đựng lâu ngày thành quen .
Những con đường trước làng, trong làng đã nói đến, điều đang thắc mắc là còn một con đường khác, cũng chạy song song với hai con đường chính trước làng là đường Bắt và đường Bạn, con đưòng này có cái tên rất hay là đường Quan mà lại nằm sau lưng làng, thay vì đường cái Quan là con đường trọng đại, làng tôi dấu con đường Quan đằng sau, trong lúc trâu bò không được leo lên những đường chính trước làng, chỉ được dùng đường Kiệt và đường Quan để trở về chuồng sau một ngày cày xới hoặc gặm cỏ ngoài đồng.
Câu hỏi chẳng có câu trả lời, xưa bày nay làm, cứ thế mà dùng, cứ thế mà gọi, làng tôi ngôi làng thân thương nghèo nàn đó âm thầm những bước đi theo thời gian, ngày qua ngày, năm qua năm, thế hệ này qua thế hệ khác, phong tục tập quán được lưu truyền, đó là nét văn hóa đặc thù, tình cảm mặn mà với ruộng lúa bờ tre, cần câu ao cá ngọn bèo, cọng rong..
Các cụ xưa nói “nhất cận thị, nhì cận giang”, làng tôi có cái nhất mà mất cái nhì, phía Đông làng giáp xóm Phường của thôn Đạo Đầu, đó là chợ Cạn, chợ nhỏ kiểu nhà quê, nhưng tên thì nổi tiếng trong những lần binh lửa, không có sông, thay vào đó hai con khe ở hai đầu làng – người làng tôi gọi là “trong”-nước chảy bốn mùa, tưới cho cánh đồng lúa tốt tươi.
Sau lưng làng là rú, không có những loại cây to lớn, phần nhiều trầm bù và tràm, một số nương khoai, đất rú hầu như toàn cát trắng nên không thích hợp cho những loại cây khác, chỉ có thể trồng dương liễu hoặc sầu đâu, nếu có điều kiện kỷ thuật cao chắc là có thể trồng được nhiều loại cây hữu ích khác nhưng làng tôi chưa được như vậy, cho nên rú khá rộng, đa phần làm nghĩa điạ cho người quá vãng. Bên cạnh đó có những đụn cát vàng, dân làng thường gọi “đôộng” giữa” độ cao thấp tùy năm, tùy mùa theo chiều gió mà xoi hoặc bồi, vì thế đụn cát khá linh hoạt về hình thể cả màu sắc.
Trước làng là đồng ruộng lúa, chia ra ba loại: gần trong cùng là ruộng “nẩy”, kế là ruộng sâu, phần rìa còn lại ở những vùng đất cao là ruộng cạn, số đất còn lại gọi là nương. Các loại ruộng và nương có công dụng trồng tỉa khác nhau cho từng loại nếp, lúa, mạ khoai sắn hoặc hoa màu.
Ngôi đình làng tọa lạc trên một mảnh đất cao nằm phía trước chính giữa làng, nơi đó dùng để hội họp, chung quanh quang vắng, theo những người già kể lại thì trước kia ở đó có lùm cây với nhiều cây cao bề thế, tất cả đã bị triệt hạ trong cuộc chiến chống Pháp (45-54).
Hai ngôi nhà thờ của hai họ Lê, Trần bề thế ở hai đầu, lộ hẳn tiền đường, tam quan ra phía trước, trước kia còn có nhà thờ họ Nguyễn, đã bị sập đổ trong chiến tranh trước 1954, sau này họ Nguyễn rất ít dân số, phần lưu lạc vào Nam lập nghiệp sau 1975, nên bàn thờ được đặt phía đầu Tây của làng, trên đất hương hỏa của gia đình họ Nguyễn.
Theo trong gia phả lưu lại, khi từ miền ngoài (Nghệ An) vào thì ba vị gồm ba họ Nguyễn, Lê, Trần là tiền khai khẩn, hậu khai canh của làng An Lưu, hiện tại có thêm gia đình họ Trịnh, họ Trịnh là họ “ngụ”, bắt đầu có từ khi người ở trông coi chùa của làng, làm nhiệm vụ ông từ, nhang khói và giữ chùa làng, ngôi chùa đã bị sập đổ theo chiến tranh, ông từ họ Trịnh trở thành cư dân làng từ đó.
Khác với các làng mạc miền Nam, đình làng là nơi thờ thần hoàng, ở làng An Lưu của tôi nói riêng và xứ tôi nói chung, thần hoàng thờ trong nghè làng, nghè làng được xây cất trang trọng và uy nghiêm, trước có tiền sảnh, để nhóm họp, bày biện lễ vật, kế tiếp là chánh điện nơi đặt hương án, bài vị có đủ tước phong, phẩm trật của vua ban.
“Không thiêng ai gọi là thần”, theo những câu chuyện truyền khẩu thì thần hoàng làng tôi rất linh thiêng, hằng năm, đặc biệt vào ngày đầu năm Tết âm lịch, dân làng mang lễ vật đến nghè tế lễ thần hoàng trước, sau đó mới đi tế lễ các nhà thờ họ, vào ngày đầu năm không phải họ nào tế lễ họ nấy, mà các trưởng tộc phải đi dự lễ tế mừng tuổi tân niên các vị khai khẩn của làng.
Từ thuở nào nghè An Lưu đã nằm trong khu rú phía Tây của làng, trước kia rất cổ kính, sau những cuộc chiến tranh dai dẳng, khốc liệt hư hại đi rất nhiều, nay đã được xây dựng mới hoàn toàn.
Nghè làng tôi đặc biệt ngoài thờ cúng thần hoàng, còn thờ một vị thần khác mà dân làng ai cũng biết chuyện đó, nhưng thần gì, tên gì thì người viết không nắm vững, chỉ nghe người lớn tuổi hơn nói lại là thần đá, chính người viết không những nghe kể tận tai mà còn từng vài lần đến thăm thần đá tận mắt, câu chuyện được lược kể thế này.
Vào ngày nọ có một ngưòi Phương Sơn, là làng nằm cạnh An Lưu về phía Tây, cách nhau chỉ con đường dọc và bờ tre, người nầy đi “dủi” cá trên vùng đất thuộc An Lưu, trong trời đông lạnh buốt anh ta “dủi” hoài mà chẳng được gì, anh liền khấn cầu xin cho “dủi” được một ít mang về cho gia đình dùng bữa, lần “dủi” kế đó anh thấy nặng tay, mừng thầm trong lòng nhưng khi cất lên là một hòn đá, ném hòn đá đi anh tiếp tục, nhiều lần như vậy, cũng chỉ hòn đá như trước, liền mang hòn đá lên bờ, để ngay ngắn và khấn: nếu linh thiêng cho tôi “dủi” đầy một “oi” cá thì sẽ mang về thờ, chỉ một lần “dủi” kế đó,”oi” cá của anh đã đầy, vô cùng kinh ngạc, anh mang hòn đá về nhà để lên bàn thờ, chuyên cần nhang khói.
Từ ngày thờ hòn đá trong nhà, làm ăn trở nên khấm khá, anh liền lập một bàn thờ trước nhà, bàn thờ quay mặt ra hướng đồng lúa của làng, trong khi nhà anh càng ngày càng khá giả thì đồng lúa của làng năm nào cũng bị cháy, có người hay chuyện báo ra làng, làng liền đến thương lượng thỉnh hòn đá về thờ trong nghè, gọi là thờ thần. Đến nay người dân làng vẫn gọi là hòn đá, nhưng nêu quan sát kỷ ta thấy đó là một phù điêu, có lẻ từ phù điêu có vẻ bác học quá nên ít người dùng. Nghè Phương Sơn quay mặt về hương Tây, tức làng Linh An, cũng từ đó làng Linh An hằng năm bị hỏa hoạn, phải đắp một gò cao trên gò có “yểm” con ngựa sắt mới yên.
Người viết bài này đã đôi lần đến thăm phù điêu thần đá, khá lớn, tượng hình ngồi, lối điêu khắc và hoa văn mang dáng dấp cổ Chàm, một cánh tay bị gãy được nối lại, lý do nào sẽ nói sau đây.
Trong khi đó, làng An Lưu biết được nguyên lai hòn đá nằm trên đất của mình, bèn nhân ngày mùa, Phương Sơn bận lo gặt lúa, An Lưu tổ chức một đội trai tráng khoẻ mạnh qua cướp về, khi đi qua con khe là ranh giới hai làng, phù điêu đá trì lại không cách nào khiêng đi nỗi, còn “hộ” vào một người khác nói với một người đàn bà Phương Sơn “chạy cá”: “ báo cho dân Phương Sơn biết, An Lưu qua cướp ta về bên đó, mau mau tiếp cứu…”, được tin, trai tráng Phương Sơn dưới đồng chạy về, hai bên giành nhau, bất phân thắng bại, đến nổi phù điêu đá bị gãy một cánh tay, thần đá liền “hộ” lên mà xử rằng: “hai làng đều kính trọng và yêu quý ta, để cho công bằng từ nay một bên thờ vong, một bên thờ xác”, do đó Phương Sơn vẫn tiếp tục thờ xác, An Lưu lập bàn thờ trong nghè làng thờ vong. Tục lệ cứ ba năm tế thần một lần luân phiên, bên này tế thì bên kia cử người sang dự, với những quy định lễ nghi kiêng cử có khuôn phép cho những ai được làng cắt đặt hầu lễ thần.
Đây không phải là một chuyện thờ cúng mê tín dị đoan, mà là một nét đặc thù văn hóa địa phương, cho nên nói đến An Lưu và Phương Sơn vùng chợ Cạn mà không nhắc đến thần đá theo tôi là một thiếu sót, sự kiện này chắc chắn các nhà nghiên cứu rất cần đến, với khả năng chuyên môn nghề nghiệp họ có thể tìm sâu và biết nhiều hơn như vậy.
Khi ngồi hồi tưởng để ghi lại hình ảnh làng tôi, bao nhiêu kỷ niệm lại quay về như những đoạn phim dĩ vãng, từ ngôi đình làng, nghè thờ thần hoàng, từ đường họ, đền âm hồn, những lăng mộ các bậc khai khẩn khai canh, nhà thờ Công giáo, chùa làng, am miếu, những khu mả mồ dù xưa hay mới đều đã và sẽ là di tích để mãi về sau.
Những đập ngăn nước, mương khe cống rảnh, những gò đống giữa đồng, những tên gọi từng khu đồng sâu ruộng cạn, nương vườn đây đó đều hiện lại đầy đủ trong trí nhớ đặc dày qua hình ảnh mưa dầm giá lạnh hay nắng cháy khô cằn, gió lào gay gắt, hay mưa phùn gió bấc, lầy lội trơn trợt đường quê, hay nứt nẻ ruộng khô nắng hạ.
Còn nghe văng vẳng bên tai tiếng chim sơn ca réo gọi tầng cao giữa đám ruộng rạ trơ sau mùa gặt những buổi chiều hè oi ả khô khan, tiếng dế vang vang buổi bình minh hai bên “dường” ruộng, con cá thia thia sủi bọt dưới gốc lúa trổ đòng đòng, hay vẩy mống cá rô trong ao đìa lặng gió, phất phơ đôi cánh bèo màu tím nhạt lục bình rung rinh.
Tất cả ở trên là bức tranh tổng quát làng tôi trong nỗi nhớ của một người từ lâu sống tận phương xa nhưng trong lòng còn bao khắc khoải luyến lưu, và kỷ niệm thuở tuổi đời thơ ấu, hồi tưởng về xóm làng dấu yêu với tất cả thâm tình dấu kín đáy lòng, dẫu ngôn từ nào cũng không thể diễn đạt cho cùng.