Hoàng Thi Thơ, xuất hiện như cơn lốc lớn.
Video HoaMi – Mucanhtrangvang
Sau những xáo trộn của giai đoạn chuyển tiếp chính trị từ thể chế Quân Chủ (?) qua Cộng Hòa (thời đệ nhất) với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, miền Nam tự những năm giữa thập niên (19)50 tới đầu thập niên (19)60 là thời gian thanh bình, thịnh trị nhất mà, người dân miền Nam được hưởng sau mấy chục năm chinh chiến, điêu linh.
Trong không gian an lạc này, những mầm non tân nhạc chẳng những được quần chúng biết tới mà, còn được ngợi ca như những tài năng xuất sắc của tương lai tân nhạc Việt.
Những người từng sống trong giai đoạn này, hẳn chưa quên một Hoàng Thi Thao được báo chí mệnh danh là “Thần đồng violin.” Một Quốc Thắng, “Thần đồng ca diễn,” với cây guitar (lớn hơn người,) khi Quốc Thắng vừađàn vừa hát cho những chương trình phụ diễn tân nhạc.
Là nhân vật trung tâm được “xướng danh” trong phong trào “phụ diễn” này, nhạc sĩ Hoàng Thi Thao, hiện cư ngụ tại miền Nam California cho biết, thời đó, vì nhu cầu cạnh tranh, trước khi chiếu phim, nhiều rạp ciné đã thực hiện một số tiết mục ca nhạc, giúp vui khán giả.
“Lý do thành phần nghệ sĩ nhi đồng được ưu ái hơn cả vì nhi đồng thường trình diễn những ca khúc vui tươi, không sầu não. Tuy nhiên thỉnh thoảng họ cũng mời nhạc sĩ Trần Văn Trạch và các ca sĩ đã thành danh khác…”
Ông cũng cho biết thêm, thời đó, ngoài ông và Quốc Thắng “chạy show mệt nghỉ” còn có Kim Chi, Phương Lan, và những cặp song ca vốn là anh chị em ruột như Bích Chiêu –Anh Tuấn; Anh Minh – Đoan Trang…cũng được coi là những cái…đinh của các buổi phụ diễn.
Tưởng cũng nên nói thêm, Anh Tuấn là ca sĩ Tuấn Ngọc hôm nay; và Đoan Trang là nữ ca sĩ kiêm giáo sư dương cầm Quỳnh Giao hiện tại.
Cũng ở giai đoạn này, ở lãnh vực “chính quy,” bên cạnh những ca khúc nổi tiếng đậm nét hướng về miền Bắc như “Giấc mơ hồi hương”của Vũ Thành, “Hướng về Hà Nội” của Hoàng Dương, “Nỗi lòng người đi” của Anh Bằng… là thời gian xuất hiện và, lập tức tiến lên tuyến đầu, như những luồng gió lạ của ít nhất hai nhạc sĩ: Lam Phương, Hoàng Thi Thơ.
Nhưng nếu những ca khúc của Lam Phương được nhiều người biết với nội dung mộc mạc, nhẹnhàng, qua những sáng tác như “Khúc ca ngày mùa,” “Nắng đẹp miền Nam” thì, Hoàng Thi Thơ đã ném âm nhạc của ông vào những xoáy nước mạnh mẽ, mới. Chúng tạo thành những cơn lốc lớn, qua hai ca khúc điển hình: “Trăng rụng xuống cầu,” và “Gạo trắng trăng thanh.”
Tôi không biết hôm nay, ở hải ngoại, những người trẻ có biết tới hai ca khúc vừa kể của họ Hoàng?
Riêng tại miền Namthập niên (19)50 hầu như không mấy ai không biết. Thậm chí họ còn thuộc được ít, nhiều ca từ trong “Trăng rụng xuống cầu,”như:
Đêm nay bao con thuyền về đâu xuôi mái
Ai ca dưới trăng ngà gần xa vắn dài
Mái chèo khoan thai, trên sông hai màu
Con thuyền về đâu
Ô hay! Sao trăng rụng xuống cầu ?
Vì đâu, ô hay, sao trăng rụng xuống cầu? (1)
Về nhịp điệu một bản nhạc, thường được bị chú là Slow, Borelo hay, Boston, Tango, Valse…thì tác giả ca khúc này lại ghi “Nhịp chèo thuyền.”
Tôi nghĩ,trước họ Hoàng, có dễ chưa nhạc sĩ nào (dù là tác giả của những bài dân ca,) có một ghi chú bất ngờ, thú vị như vậy.
Cũng thế, ở bài“Gạo trắng trăng thanh” ngay dưới tựađề, họ Hoàng viết:
“(Tập Thể Dân Ca)
“Riêng tặng 2 bạn Nguyễn Hữu Thiết, Ngọc Cẩm đôi giọng Nam Thương đã gieo tràn trên giải đất đầy chim chóc nầy vô vàn âm thanh, đậm lòng như những bát cơm quê hai màu khoai sắn … H.T.T.”
Đây là khổ nhạc thứ nhất của “Gạo trắng trăng thanh”:
“Trong đêm trăng, tiếng chày khua,
“ta hát vang trong đêm trường mênh mang
“Ai đang say, chày buông rơi, nghe tiếng vơi tiếng đầy
“Ai đang đi, trên đường đê, tai lắng nghe muôn câu hò đê mê
“Vô đây em, dù trời khuya anh nhớ đưa em về. (2)
Rất nhanh chóng, cả hai ca khúc ấy đã được dân gian đem đến cho chúng một hình hài, một đời sống khác. Đời sống đường phố với lời hai, hay lời ba.
Thí dụ khi nhại theo nhịp và ý của bài “Gạo trắng trăng thanh” tác giả… “quần chúng vô danh” đã ghép tên của rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở miền Nam từ Phạm Duy, Anh Lân, qua tới Trần Văn Trạch, Lê Thương… thành những câu được trẻ con hát rao khắp hang cùng, ngõ hẻm. Họ cũng ghép đôi cho các nghệ sĩ mà họ ưa thích như:
“Cô Tuyết Mai với anh Hoàng Thi Thao;” hoặc “Cô Thúy Nga với anh Hoàng Thi Thơ.” (3)
Sự kiện một ca khúc được quần chúng cho nó một hình hài, một đời sống khác, đã nói lên tính phổ biến thác lũ của ca khúc ấy. Điều không phải ca khúc nổi tiếng nào cũng dễ dàng đạt được.
Lại nữa, cũng nhờ hai ca khúc vừa kể mà, tên tuổi đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết đã nổi lên như một hiện tượng.
Chỉ với hai sự kiện lược ghi kia, chẳng những cho thấy chúng sớm định hình tài năng âm nhạc của Hoàng Thi Thơ trong lòng người nghe mà, chúng còn được ghi nhận như những cơn lốc lớn, cuốn theo chúng hàng trăm ngàn người mê, đắm.
Dù vậy, với đám đông “ngoại đạo” thời đó, Hoàng Thi Thơ vẫn là một cái tên xa lạ.Trừ những người cùng giới, hầu hết không mấy ai biết rõ Hoàng Thi Thơ là ai!
Do đó, trước khi dõi theo bước chân nghệ thuật của Hoàng Thi Thơ, có lẽ chúng ta cũng nên biết qua nhân thân của người nhạc sĩ đặc biệt này.
Theo nhạc sĩ Hoàng Thi Thao, cháu ruột, đồng thời cũng là dưỡng tử của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thì:
“Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sinh ngày 1 tháng 7 năm 1928 tại làng Bích Khê, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông có tất cả 19 anh chị và 2 người em. Tổng cộng 22 người.
“Thân phụ nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ làm quan lớn của triều đình Huế. Cụ được phong Hồng Lô Thái Thường tự Khanh.
“Hoàng Thi Thơ tự học nhạc lúc còn trẻ. Sau này, ông ghi tên học hàm thụ với một trường nhạc ở Pháp và, bắt đầu chính thức sáng tác ở tuổi 20.
“Năm 1946, đang theo học tại trường Khải Định- Huế, ông bỏ học để tham gia kháng chiến chống Pháp. Thời gian này kéo dài khoảng hơn 5 năm.
“Năm 1951 về lại thành, năm 1952 ông đưa Hoàng Thi Thao vào Saigòn bắt đầu cuộc sống mới…”
“Ở Saigòn, ngoài thời gian dành cho sáng tác âm nhạc, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là giáo sư Anh Văn; trước khi ông trở thành Giám đốc nghệ thuật của Đoàn Văn Nghệ VN và Hí Viện Maxim,Saigon.
“Về cuộc sống đôi lứa, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gặp ca sĩ Thúy Nga khoảng cuối năm 1954 trong dịp bà chiếm giải nhất cuộc thi tuyển lựa ca sĩ ở rạp Norodom,Saigon.
“Nhiều người lầm tưởng rằng nữ ca sĩ Thúy Nga do nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đào tạo và dẫn dắt. Sự thực bà đã xuất hiện, trình diễn trên nhiều sân khấu trước khi kết hôn với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ.
“Vềs ự nghiệp sáng tác của ông, tính đến năm 2001, ông đã có khoảng 600 ca khúc; chưa kể 3 Trường Ca , 4 Nhạc Kịch và khá nhiều Nhạc cảnh.
“Ngoài ra, ông còn là tác giả cuốn sách nhan đề “Để sáng tác một bài nhạc phổ thông.”
Nhờ cuốn sách này mà không ít người đã sáng tác được những ca khúc giá trị, đóng góp cho sự phong phú của nền tân nhạc Việt, miền Nam 20 năm.
Sau hai ca khúc nổi tiếng “Gạo Trắng Trăng Thanh, Trăng Rụng Xuống Cầu,” vào cuối thập niên (19)50, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ còn tạo nên những cơn lốc hâm mộ khác; với các ca khúc đến nay còn nhiều người hát như “Tà Áo Cưới,” “Đường Xưa Lối Cũ, “Những ngày Thơ Mộng”…
Theo một số nhà nghiên cứu âm nhạc thì, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ không chỉ viết nhiều về quê hương, dân tộc, tình yêu mà, ông có có công đem các làn điệu dân ca vào nền tân nhạc rất sớm và, ông cũng là người ở lại lâu nhất so với những nhạc sĩ khác, trong nỗ lực này.
Riêng một trong những ca khúc được coi là bất tử “Đường Xưa Lối Cũ” của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, đã đi ra từ một chấn động lớn nhấtđời ông. Đó là khi ông đứng trước cái chết của thân mẫu. Bà mất năm 1958. Và sau đấy là sự rời bỏ gia đình, đi lấy chồng của người em gái.
Sự kiện tiếp theo vừa kể, đã dắt tay nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ tới sáng tác đầy cảm xúc: “Tà Áo Cưới.”
Ngoài ra, một thành viên khác trong gia tộc họ Hoàng ở làng Bích Khê, cũng cho biết thêm:
“Trong gia tộc, ông (Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ,) thuộc đời 14 nên vai vế rất cao, nhiều người phải kêu bằng “Ông”, bằng “Cố” hay “Vải.” Con cháu đời 19-20 thì không biết kêu ông bằng gì nữa. Tuy vậy chúng tôi không hề nghĩ rằng ông là nhân vật thuộc thế hệ cũ, bởi vì ông là một nghệ sĩ của thế hệ trẻ hôm nay. Ông thực sự luôn luôn trẻ, từ ngoại hình đến tâm hồn.
“Thời kỳ cách mạng tháng 8-1945, ông gia nhập Đoàn văn nghệ Quảng Trị do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba làm trưởng đoàn.
“Tháng 12-1946, kháng chiến bùng nổ, ông cùng với nhạc sĩ Trần Hoàn hoạt động tuyên truyền tại mặt trận Huế. Thượng tuần tháng 12-1947 sau hơn một tháng bao vây quân Pháp tại trường Pellerin và khách sạn Morin, mặt trận Huế vỡ.
“Hoàng Thi Thơ cùng nhạc sĩ Trần Hoàn và một số đoàn viên của Đoàn Tuyên truyền kháng chiến Trung Bộ theo các cơ quan đầu não chuyển về Vinh (Nghệ An).
“Tháng 5-1947 ông công tác ở báo Cứu Quốc Liên khu 4 do Lưu Quí Kỳ phụ trách, Chế Lan Viên làm trưởng ban biên tập.” (4)
Trong một lần công tác ở vùng địch chiếm, ông bị Pháp bắt giam một thời gian. Khi được trả tự do, ông về lại Huế, trước khi vào ở hẳnSaigon, như đã kể.
Đó là thời gian họ Hoàng khởi sự “tụ khí, luyện công” cho sự nghiệp của ông mà, với hai bộ video do trung tâm Thúy Nga Paris thực hiện, nhanđề “Hoàng Thi Thơ, một đời cho âm nhạc” và “Hoàng Thi Thơ 2” là những ấn chứng rỡ ràng nhất dành cho tài hoa âm nhạc này.
Hoàng Thi Thơ, con beo gấm của những vùng trời nghệ thuật khác,
Nói tới cõi giới âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhiều người cho rằng sẽ là một thiếu sót đáng kể, nếu không nhắc tới ít nhất hai ca khúc, như một thứ hồi ký của đời ông. Đó là các ca khúc “Đường xưa lối cũ”và “Tà áo cưới.”
Theo nhạc sĩHoàng Thi Thao, một trong những người có thẩm quyền nói về cuộc đời, cũng như tiến trình sáng tác của tác giả “Trăng rụng xuống cầu” thì, hai ca khúc kể trên được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sáng tác trong năm 1958, khi ông trở về làng Bích Khê sau nhiều năm xa cách.
Đối với thế hệ trưởng thành trong thập niên 1940 thì “Ra đi” hay “Trở về” là một đề tài tạo nhiều xúc động. Do đó, nó cũng mang lại nhiều vòng hoa vinh quang, làm thành tên tuổi không ít văn nghệ sĩ. Đó là thời gian mà những cuộc ra đi, trở về nhuốm nhiều đau thương, nhiều nước mắt nhất, do những biến động lớn của lịch sử Việt Nam thời đó.
Nhiều người cho rằng những đoạn lìa, tang chế đứt ruột này, khởi sự từ cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp. Để rồi sau đấy, là cuộc di cư vĩ đại của hơn một triệu đồng bào miền Bắc vào miền Nam tìm tự do. Và, hơn ba thập niên vừa qua, lại là cuộc di tản, vượt biển vĩ đại, là những đoạn lìa, oan nghiệt trên bước đi thăng trầm của định mệnh dân tộc.
Riêng đề tài“trở lại” hay “tìm về” của nền tân nhạc Việt trong giai đoạn thuộc các thập niên 1940, 1950, người ta ghi nhận được khá nhiều những ca khúc mà tới hôm nay, dù khói lửa đã nguôi, tàn tro đã lắng, nhưng mỗi khi nghe lại các ca khúc ấy, những tâm hồn nhậy cảm, vẫn không khỏi bồi hồi, ngậm ngùi, tựa một lần thêm chứng kiến, sống lại với xiết bao thương đau cũ.
Nếu chỉ chọn ra những ca khúc mà ngay tự nhan đề đã nói rõ, nói hết nội dung tác phẩm thì trong giới hạn của mươi năm kể trên, người ta thường liên tưởng tới “Ngày về” của Hoàng Giác; “Trở về” của Châu Kỳ; “Ngày trở về” của Phạm Duy; và dĩ nhiên không thể không nhớ “Đường xưa lối cũ” của Hoàng Thi Thơ…
Nhưng, nếu Phạm Duy “thi ca hóa” với cực tả anh thương binh trong “Ngày trở về”:
Ngày trở về, có anh nông phu chống nạng cày bừa
Vì thương yêu anh nên ngày trở về
Có con trâu xanh hết lòng giúp đỡ
Ngày trở về, lúa ngô thi nhau hát đùa trước ngõ
Gió mát trăng thanh, ôi ngày trở về
Có anh thương binh sống đời hòa bình.(3)
Hay“Ngày về” của Hoàng Giác, ngỡ ngàng vì “bạn cũ,” vì “đường tơ” đã siêu lạc chân trời khác:
Trênđường tha hương, vui gió sương
riêng lòng ta mang mối nhớ thương
âm thầm thương tiếc cho ngày về
tìm lại đường tơ nay đã dứt
Nghe tiếng chim chiều về gọi gió
như tiếng tơ lòng người bạc phước
nhắp chén men say còn vương bóng quê hương
dừng bước tha hương lòng đau. (4)
Nó vẫn là một tìm về không ra khỏi tính lãng mạn. Một dạng thức của “thú đau thương!”
Ngay“Trở về” của Châu Kỳ, tuy mang ít nhiều tính “tự sự” như:
Về đây nhìn mây nước bơ vơ
Về đây nhìn cây lá xác xơ
Về đây mong tìm bóng chiều mơ
Mong tìm mái tranh chờ
Mong tìm thấy người xưa
Về đây buồn trông cánh chim bay
Về đây buồn nghe gió heo may
Về đây đâu còn phút sum vầy
Đâu còn thắm niềm say
Lạnh lùng ngắm trời mây… (5)
Thì, dù tha thiết, ngỡ ngàng đớn đau cách mấy, vẫn là tâm cảnh của một người đi tìm…một người. Chính xác hơn, đó là cuộc trở về với hy vọng tái ngộ một tình yêu dang dở. Riêng Hoàng Thi Thơ trong trởvề qua ca khúc “Đường xưa lối cũ”mới là một trở về tìm mẹ. Tìm em. Tôi muốn gọi đó là một “chuyện kể,” có lớp lang. Một thứ “hồi ký” viết bằng âm nhạc:
Đường xưa lối cũ,
có mẹ tôi run run trong hôn hoàng
Lòng già thương nhớ,
nhớ đến tôi, lom khom đi tìm con
Khi tôi về, bồi hồi trong nắng
Tưởng gặp người em hân hoan đứng đón anh về
Nào ngờ người em sang ngang khi xuân chưa tàn
Con đò nào đây đưa em tôi vào xa vắng…
Khi tôi về, nghẹn ngào trong nắng
Tưởng gặp mẹ tôi rưng rưng đứng đón con về
Nào ngờ mẹ tôi ra đi bên kia cuộc đời
Không lời biệt ly cuối cùng trước khi phân kỳ…(5)
Cũng chính vì tính “chuyện kể”, tính“hồi ký” mà ca khúc “Đường xưa lối cũ” của họ Hoàng tới hôm nay, vẫn là những lời nói thay cho tình cảm của nhiều gia đình Việt nam; cả khi họ không cùng một tâm cảnh với tác giả.
Lại nữa, một trong những tác nhân chính, đưa tới nhiều cuộc “tử biệt sinh ly” trong tình yêu của nhân gian là, chuyện “sang sông” hay “lên xe hoa” của một trong hai người yêu nhau. Bởi thế, từ thuở rạng đông của nền tân nhạc Việt, Đoàn Chẩn – Từ Linh (6) trong ca khúc “Tà áo xanh” cũng đã làm não lòng người với:
Rồi chiều nao xác pháo
bên thềm tản mác bay
em đi trong xác pháo
anh đi không ngước mắt
thôi đành em…
Lúc anh ra đi lạnh giá tâm hồn
hoa mai rơi từng cánh trên đường
lạnh lùng mà đi tiếc nhớ thêm chi
hoa tàn nhạc bay theo không gian. (7)
Tới các ca khúc như “một người lên xe hoa” của Hoàng Trọng, hay “Tôi đưa em sang sông”của Y Vũ và Nhật Ngân, hoặc “Sang ngang”của Đỗ Lễ…, cũng là những ca khúc ở được dài lâu với những tâm hồn bi lụy.
Nhưng, có lẽ chỉ riêng một Hoàng Thi Thơ, đã đi vào thể tài này, qua bài “Tà áo cưới,” vẫn hình thức “hồi ký,”dành cho người em gái của mình, chứ không phải cho người yêu:
Những tà áo cưới thướt tha bay bay trong nắng chiều
Đưa người em gái bước chân đi đi về bến nao ?
Ôi buồn làm sao ! Em có nhớ Thu nào ?
Những tà áo cưới tiễn em đi em lấy chồng
Chim trời theo gió biết nơi đâu đâu mà ước mong !
Cung đàn thầm rơi rơi mãi tiếng tơ lòng… (8)
Dù được quảngđại quần chúng yêu mến qua nhiều thế hệ, với hàng trăm ca khúc đã in lắng, ngấn sâu trong lòng người, nhưng dường như nhạc sĩ (hay định mệnh) Hoàng Thi Thơ không phép cho ông dừng ở đó. Tôi muốn nói, định mệnh đã chọn ông làm con beo gấm tung hoành trong nhiều cánh rừng nghệ thuật mới.
Về những lãnh vực khác, theo tài liệu của nhạc sĩ Hoàng Thi Thao thì nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một nhà tổ chức tài hoa của sân khấu nghệ thuật. Ông từng là trưởng đoàn văn nghệ Việt Nam với hàng 100 nghệ sĩ.
Ông từng nhiều lần đại diện cho chính phủ VNCH, cầm đầu đoàn văn nghệ lưu diễn ở Pháp năm 1968 qua Hòa đàm Paris, kể cả các đoàn cải lương, hát bộ, cũng như luôn các đoàn văn nghê thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị / QLVNCH… Phải chăng do tài điều khiển và khả năng Anh, Pháp ngữ lưu loát của ông?
Trước và sau thời điểm vừa kể, ông cũng là người hướng dẫn các đoàn ca vũ nhạc Việt Nam lưu diễn tại Nhật, Hongkong, Đài Bắc, Vạn Tượng, Nam Vang, Kuala Lumpur, Singapor, Manila, Anh quốc và, nhiều nước thuộc Phi Châu.
Năm 1967, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ được ông Huỳnh Đạo Nghĩa, chủ nhân hãng kem Hynos mời làm giám đốc chương trình cho nhà hàng Maxim vĩ đại nhất Saigòn, trước tháng 4-1975.
Để đáp ứng nhu cầu một sân khấu lớn có tầm vóc quốc tế, với một chương trình kéo dài ba giờ đồng hồ, ngay từ năm 1967, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đã là người chủ trương dùng các vũ công chuyên nghiệp để minh họa, cũng như tạo sống động sàn diễn, tăng thêm giá trị cho những tiết mục mới lạ khác…
Được các vũ sư như Lưu Hồng, Trịnh Toàn phụ tá,…qua sân khấu Maxim, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ thời đó, đã được báo chí mệnh danh là người làm cuộc “cách mạng xanh” cho sân khấu trình diễn.
Tôi không biết có phải vì nhu cầu sân khấu đòi hỏi hay không mà, cũng thời gian này, giới hâm mộ nhạc kịch đã như lên cơn sốt hâm mộ trước vở nhạc kịch “Ả đào say” của họ Hoàng. Vở nhạc kịch, theo tiết lộ của một người trong dòng tộc họ Hoàng ở làng Bích Khê, đã rút cạn tâm trí Hoàng Thi Thơ nửa năm “lao động”không phút nghỉ.
Trướcđấy, 1963 ông đã cho dựng vở nhạc kịch đầu tiên của ông, tên “Từ Thức lạc lối bích đào.” Kế tiếp, vở“Dương Quý Phi” ra mắt công chúng năm 1964. “Cô gái điên” công diễn năm 1966…
Tôi cũng không biết có phải chính định mệnh, lại nắm tay ông từ lãnh vực sân khấu bước vào điện ảnh? Chỉ biết ở lãnh vực này, một lần nữa, Hoàng Thi Thơ lại cho thấy óc sáng tạo và, khả năng làm mới của ông từ vai trò người viết chuyện phim, tới đạo diễn, sản xuất…cùng một lúc.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thao tiết lộ rằng, qua cuốn phim “Người Cô Đơn,” nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ muốn gián tiếp cho mọi người thấy con người thật của ông. Một con người nhiều tài năng, nhưng không vì thế mà thoát được chiếc lưới…cô đơn!
Tháng 4 năm 1975 khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ đang cầm đầu một đoàn văn nghệ lưu diễn tại Nhật Bản thì biến cố 30 – 4 xẩy ra. Không thể trở về Saigon, ông chọn định cư tại tiểu bang California.
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ mất vì bệnh tim ngày 23 tháng 9 năm 2001 tại tư gia ở thành phố Glendale, miền nam Cali.
Sự mất đi của ông, đồng nghĩa với sự vụt tắt của không chỉ một mà, nhiều vì sao, trên vòm trời nghệ thuật Việt.
Du Tử Lê
Garden Grove, Dec. 7 –2010.
Chú thích:
(1), (2) (5), (7), (8): Theo dactrung.net
(3) Nhạc sĩ Hoàng Thi Thao cho biết, khi trưởng thành, nữ ca sĩ Tuyết Mai từng có thời gian chung sống với ca sĩ Duy Khánh. Và cô Thúy Nga ở đây, chính là người bạn đời của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ. Thời gian câu hát đường phố ra đời, là thời đầu khi hai người mới yêu nhau ở Saigòn.
(4) Theo bách khoa tòan thư mở Wikipedia.
(6): Trang mạng Wikipedia cho biết, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh ngày 15 tháng 6 – 1924; mất ngày 15 tháng 11 – 2001. Riêng về Từ Linh thì, trang mạng này ghi: “Tất cả ca khúc của ông (Đoàn Chuẩn) đều được ghi tên tác giảlà “Đoàn Chuẩn -Từ Linh”. Thực ra Từ Linh (?- 1992) không trực tiếp tham gia sáng tác, nhưng Đoàn Chuẩn ghi tên chung hai người để tôn vinh người bạn tri âm của mình, tôn vinh tình bạn đã góp phần tạo cảm hứng nghệ thuật. Từ Linh tên thật là Tạ Đình Thâu – một nhiếpảnh gia. Cái tên chung mà người nhạc sĩ này đã chọn để sử dụng vẫn là một ẩn số đối với công chúng.”