Chính Khí Ca

Chính Khí Ca

Audio ChinhkhiViet  –  Chinhkhica

“Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”

(Quá Đinh Linh Dương- Văn Thiên Tường)

Đế quốc Mông Cổ, từ Thành Cát Tư Hản và đến khi Hốt Tất Liêt, thu phục Trung Quốc năm 1280, là đế quốc rộng lớn nhất, tự cổ chí kim. Nhà Nam Tống (1127-1279), những năm sau cùng, cũng như các quốc gia lân cận khác, đã phải chiến đấu ác liệt và cam go với quân của Hốt Tất Liêt (1216-1294), rút cục thảm bại trước nhà Nguyên (1279-1368). Và những trang sử cuối của nhà Tống tuy bi thảm, nhưng oanh liệt, đặc biệt với Tống vong tam kiệt.

Năm 1279, trong trận hải chiến sau cùng ở đảo Nhai Sơn (Quảng Đông), và  sự kiện này, học giả Nguyễn Hiến Lê, trong quyển Sử Trung Quốc, chương 5.B-Nam Tống, viết:

 – Tể tướng Lục Tú Phu, “không thể chống cự được nữa, cầm kiếm xua hết cả vợ con phải gieo mình xuống biển, rồi cõng vua Tống Quảng Vương nhảy theo…”

– Thống tướng Trương Thế Kiệt “chưa thất vọng, dò đường thuỷ qua ViệtNam , mưu sự khôi phục, nhưng giữa đường gặp bão, thuyền chìm, chết”.

– Và Tống vong tam kiệt, lúc đó, chỉ còn lại có Văn Thiên Tường( 文天祥 -WEN TIANXIANG) đang bị Hốt Tất Liệt cầm tù tại Yên Kinh (Bắc Kinh).

Văn Thiên Tường(1236-1283), sinh  tại tỉnh Giang Tây, nhưng gốc lâu đời ở tỉnh Tứ Xuyên, Ông đỗ đầu kỳ thi Tiến sĩ năm 1256, và sau đó giữ chức Hình bộ Thượng Thư, rồi Tể tướng, đời nhà Tống…(Hình phải: Tượng Văn Thiên Tường,tại đền thờ ông ở Bắc Kinh). Năm 1205, Thiết Mộc Chân, tức Thành Cát Tư Hản (1162-1127), từ Mông Cổ đã đưa quân đi chinh phục tận các miền xa xôi trên thế giới, đến tận vùng Ba Tư và một phần châu Âu, về sau đến đời cháu nội là Hốt Tất Liệt, do sự thất bại khi chiếm vùng đất rộng lớn, nên dồn về lại chinh phục toàn bộ Trung Quốc và các nước láng giềng, Miến Điện, Nhật, Viêt Nam, Chiêm Thành, Nam Dương… trong kế hoạch mười năm từ 1268-1279.  Khi quân Nguyên tràn xuống phương Nam và bao vây Lô Lăng năm 1275, Văn Thiên Tường được lệnh vua Tống  là Tống Triệu La, ra thương thảo với địch quân, không may, bị đám tiền quân địch giữ lại, nhưng ông đã trốn thoát được và chạy về Ôn châu (tỉnh Triết Giang) tiếp tục chiến đấu. Năm 1278, tại Hải Phong (Quảng Đông) ông thua trận và bị bắt. Ông tự tử hai lần, nhưng được cứu thoát. Tướng Nguyên bắt ông viết thư kêu gọi quân Tống đầu hàng, nhưng ông từ chối.

Tháng tư năm 1279, Ông bị dẫn về (đi đường mất nửa năm) kinh đô Nguyên là Đại đô (Bắc kinh). Là người Mông cổ, nên Hốt Tất Liệt muốn dùng Văn Thiên Tường, làm lại Tể tướng, để dễ cai trị người Hán, vì dân Trung quốc lúc đó là 100 triệu người, mà Mông cổ chỉ có một triệu, nhưng ông từ chối. Ba năm sau (1283 ) vua Nguyên, vào tận nhà giam, gặp ông và hỏi: Tại sao không đồng ý ? Văn Thiên Tường trả lời: Tôi đã tận tụy phục vụ đất nước tôi, tiếc thay nay không còn cơ hội . Tôi không muốn nói gì thêm nữa và mong chỉ muốn được chết ngay mà thôi. Thế là, ngay hôm sau Hốt Tất Liêt đã cho lệnh hành hình. Vợ ông cũng bị giam tại đây, khi hay tin đã nói: Chồng tôi là tôi trung nước Tống, tôi không phản bội chồng tôi .Và đã dùng dao cứa cổ tự sát. Sau này, Hốt Tất Liệt đã lấy làm tiếc về hành động vội vã này và  thương tiếc người tôi trung nhà Tống, mà mình không xử dụng được. Nhà viết sử phương Tây William Durant, lên án cuộc hành hình man rợ này. Từ ngày bị quân Nguyên bắt, cho đến khi chết, Văn Thiên Tường đã ở trong ngục tù khoảng hơn 4 năm.

            Năm thứ ba ở trong nhà lao của vua Nguyên, ông đã viết tuyệt phẩm Chính Khí Ca(Zhengqige-Ode to the Noble Spirit), lưu lại hậu thế. Đầu bài thơ này, có đoạn mở đầu “tịnh tự” nói hoàn cảnh và lý do ông viết bài thơ này, như sau:

Chính Khí Ca tịnh tự(正氣歌並序):

Dư tù Bắc đình, tọa nhất thổ thất, thất quảng bát xích, thâm khả tứ tầm, đơn phí đê tiểu, bạch gian đoản trách, ô hạ nhi hung ám(Hình phải   Thủ bút Văn Thiên Tường). Đương thử hạ nhật, chư khí tốt nhiên: lưỡng liêu tứ tập, phù động sàng kỷ, thời tắc vi thủy khí; đồ nê bán triều, chưng ẩu lịch lạn, thời tắc vi thổ khí; tác tình bạo nhiệt, phong đạo tứ tắc, thời tắc vi nhật khí; thiềm âm tân thoán, trợ trường viêm ngược, thời tắc vi hoả khí, thương hủ ký đốn, trần trần bức nhân, thời tắc vi mễ khí; biền kiên tạp đạp, tinh tao hản cấu, thời tắc vi nhân khí; hoặc thanh hổn, hoặc hủy thi, hoặc hủ thử, ác khí tạp xuất, thời tắc vi uế khí; điệp thị số khí, đương chi giả tiên bất vi lệ, nhi dư dĩ  sàn nhược, phủ ngưỡng kỳ gian, ư chi nhị niên hỉ, hạnh nhi vô sai,thị thủy hữu dưỡng trí nhiên nhỉ. Nhiên diệc an tri sở dưỡng hà tai? Mạnh Tử viết “ngô thiện dưỡng ngô hạo nhiên chi khí.” bỉ khí hữu thất, ngô khí hữu nhất, dĩ nhất địch thất, ngô hà hoạn yên ! Huống hạo nhiên giả, nãi thiên địa chi chính khí dã, tác Chính Khí Ca nhất thủ.

Tôi đang bị giam tại một nhà tù ở phía Bắc, phòng giam bằng đất, rộng khoảng mét 2 mét, chiều dài khoảng 4 mét, lui tới mấy bước, phòng trống mà chật, nền thấp và ẩm; Bây giờ đang mùa hè, khí nóng dồn lên, trên dưới bốn bề, đứng ngồi không yên.Gặp lúc thuỷ khí, lại bê bết bùn, hơi lạnh bốc lên,Gặp lúc thổ khí, càng nắng càng nóng, bốn bề không gió.Gặp lúc nhật khí, nhà như lò nung, càng nóng dữ dội.Gặp lúc hỏa khí, ngán cơm tù thối, đày ải con người.Gặp lúc mễ khí, đôi vai cáu bẩn, mồ hôi nhể nhại.Găp lúc nhân khí, mùi hôi lẫn lộn, như chuồng xí, chuồng tiêu, chuột chết, khí độc toả ra.Gặp lúc uế khí, chừng đó khí xông lên, chuyện cũng bình thường, nhưng người càng yếu đi.Nằm sấp nằm ngữa, đã hai năm rồi, cũng không sao cả. vì trước kia đã có luyện tập, nên giờ được thế thôi. Mạnh Tử nói: “Tôi un đúc khí hạo nhiên của tôi”. Khí; có bảy loại, tôi chỉ có một, một chống bảy, có ngại lắm không?  Nhưng cái khí hạo nhiên ấy, vốn cũng từ trời đất vậy thôi. Nên chi từ đó, trộm làm bài Chính Khí Ca này vậy(Cao Kim Liên dịch).

.

正氣歌 CHÍNH KHÍ CA BÀI HÁT CHíNH KHÍ
天地有正氣,
雜然賦流形,
下則為河岳,
上則為日星,
於人曰浩然,
沛乎塞蒼冥,
皇路當清夷,
含和吐明庭,
時窮節乃見,
一一垂丹青。
在齊太史簡,
在晉董狐筆,
在秦張良椎,
在漢蘇武節,
為嚴將軍頭,
為嵇侍中血,
為張睢陽齒,
為顏常山舌,
或為遼東帽,
清操厲冰雪,
或為出師表,
鬼神位壯烈,
或為渡江楫,
慷慨吞胡羯,
或為擊賊笏,
逆豎頭破裂。
是氣所磅礡,
凜烈萬古存,
當其貫日月,
生死安足論,
地維賴以立,
天柱賴以尊,
三綱實系命,
道義為之根。
嗟予遘陽九,
隸也實不力,
楚囚纓其冠,
傳車送窮北,
鼎鑊甘如飴,
求之不可得,
陰房闃鬼火,
春院閟天黑,
牛驥同一皂,
雞棲鳳凰食,
一朝蒙霧露,
分作溝中瘠,
如此再寒暑,
百沴自僻易,
哀哉沮洳場,
為我安樂國,
豈有他謬巧,
陰陽不能賊,
顧此耿耿在,
仰視浮雲白,
悠悠我心憂,
蒼天曷有極!
哲人日已遠,
典刑在夙昔,
風簷展書讀,
古道照顏色。
Thiên địa hữu chính khí
Tạp nhiên phú lưu hình
Hạ tắc vi hà nhạc
Thượng tắc vi nhật tinh
Ư nhân viết hạo nhiên
Bái hồ tắc sương minh
Hoàng lộ đương thanh di
Hàm hoà thổ minh đình
Thời cùng tiết nãi hiện (kiến)
Nhất nhất thuỳ đan thanh
Tại Tề thái sử giản
Tại Tấn Đổng Hồ bút
Tại Tần Trương Lương chuỳ
Tại Hán Tô Vũ tiết.
Vi Nghiêm tướng quân đầu
Vi Kê thị trung huyết
Vi Trương Tuy Dương xỉ
Vi Nhan Thường sơn thiệt
Hoặc vi Liêu Đông mạo
Thanh tháo lệ băng tuyết
Hoặc vi xuất sư biểu
Quỷ thần khấp tráng liệt
Hoặc vi độ giang tiệp
Khẳng khái thôn Hồ Hiệt
Hặc vi kích tặc hốt
Nghịch thụ đầu phá liệt
Thị khí sở bàng bạc
Lẫm liệt vạn cổ tồn
Đương kỳ quán nhật nguyệt
Sinh tử an túc luân
Địa duy lại dĩ lập
Thiên trụ lại dĩ tôn
Tam cương thực hệ mệnh
Đạo nghĩa vi chi căn.
Ta dư cấu dương cứu
Lệ dã thực bất lực
Sở tù anh kỳ quan
Truyền xa tống cùng bắc
Đỉnh hoạch cam như di
Cầu chi bất khả đắc
Âm phòng khích quỷ hỏa
Xuân viện bí thiên hắc
Ngưu ký đồng nhất tạo
Kê thê phượng hoàng thực
Nhất triêu mông vụ lộ
Phân tác câu trung tích
Như thử tái hàn thử
Bách lệ tự tích dịch
Ai tai thư như trường
Vi ngã an lạc quốc
Khởi hữu tha mậu xảo
Âm dương bất năng tặc
Cố thử cảnh cảnh tại
Ngưỡng thị phù vân bạch
Du du ngã tâm bi
Thương thiên hạt hữu cực
Triết nhân nhật dĩ viễn
Điển hình tại túc tích
Phong thiềm triển thư độc
Cổ đạo chiếu nhan sắc.
Trời đất có chính khí
Tỏa ra cho muôn loài
Là sông núi dưới đất
Là trăng sao trên trời
Đầy rẫy cả vũ trụ
Khí hạo nhiên của người
Gặp cảnh đời bình trị
Triều thịnh vang lời vui
Khi cùng, tiết tháo rõ
Sử xanh ghi đời đời.
Ở Tề, sách Thái Sử
Ở Tấn, bút Đổng Hồ
Ở Tần, chùy Bác Lãng
Ở Hán, cờ họ Tô
Đầu Nghiêm thách trước giặc
Máu Kê trên áo vua
Răng Trương công chửi địch
Lưỡi Kiều Khanh mắng thù.
Hoặc là mũ Liêu Đông
Vẻ băng tuyết phau phau
Hoặc là biểu “Ra quân”
Lẫm liệt quỷ thần sầu
Hoặc qua sông gõ nhịp
Khảng khái nuốt quân Hồ
Hoặc giật hốt đánh giắc
Phường tiếm nghịch toang đầu.
Khi ấy tràn ngập tới
Oai nghiêm muôn thuở còn
Khi đã vượt nhật nguyệt
Sống thác chuyện con con!
Khuôn đất nhờ đó vững
Cột trời nhờ đó còn
Ba giường được gìn giữ
Đạo nghĩa có gốc nguồn.
Xót ta gặp vận ách
Tướng sĩ thực hèn nhát
Dải mũ buộc thân tù
Xe chở lên cực bắc
Ninh nấu cũng cam lòng
Còn để ta mong mãi
Phòng sâu ma lập lòe
Viện xuân thành ngục tối!
Ngựa giỏi nhốt cùng trâu
Chuồng gà, phượng nhặt thóc
Thân này khi gió sương
Đành rãnh ngòi lăn lóc
Thế mà hai năm qua
Tránh xa bao khí độc
Thương ôi! Chỗ lội lầm!
Lại sống yên tối sớm
Phải đâu khôn khéo gì
Âm dương không dám phạm
Vằng vặc tấm cô trung
Ngẩng nhìn mây trắng nổi
Buồn thay! Nỗi lòng ta
Trời xanh cao vòi vọi!
Thánh hiền khuất lâu rồi
Khuôn phép vẫn không mất
Hiên gió mở sách coi
Gương xưa soi trước mặt.

(Chính Khí Ca,bản dịch HoàngTạo)

Bài Chính Khí Ca (Zheng Qi Ge) thuộc thể Ge (song poem) gồm 30 khổ đôi 5 là 60  câu (30 five-character couplets-60 lines), là tiếng ca thể hiện cái tri thức của kẻ sĩ đương quyền, lòng yêu nước và thái độ hoà hoãn của vương triều Tống, qua sự xâm lược của quân phương Bắc (Nguyên), và với một thái độ lạc quan và vô uý, bởi ảnh hưởng phái Đạo gia, rằng sau khi  con người rời ra khỏi cái thân thể vật chất, sẽ được trở về một thế giới  bất tử và toàn thiện.

Thi ca của ông đã góp phần phong phú văn học đời Tống và Trung quốc và bài Chính Khí Ca này, về sau được phổ biến rộng rãi trong giới sĩ phu các nước lân cận như Nhật Bản, Đại Hàn,Việt Nam như là bài học thuộc lòng về tinh thần  yêu nước.(Hình phải:Bài thơ Chính Khí Ca được tạc dọc tường tại Miếu Thờ Văn Thiên Tường tại Bắc Kinh)

             Hiện nay, ở phía Đông thành Bắc Kinh, có một ngôi trường học lấy tên Văn Thiên Tường, cạnh đó là ngôi đền, được xây cất năm 1376, trên nền đất của nhà tù, nơi ông đã viết  bài Chính Khí Ca này, ở số 63 Fuxue Hutong, quận Dongchen. Trong đền thờ, ở gian giữa, hai bên cột, có khắc câu xưng tụng ông: “Nhà trí thức hàng đầu, Tể tướng triều Tống-Người con hiếu thảo sông Đông, thần dân trung tín.”

              Về gia cảnh, ông có hai con trai, nhưng đều mất sớm, nên nuôi ba người con của em, như con mình và sau này, chính ba người con này, đã phục quốc, đánh nhà Nguyên, theo tinh thần Chính Khí Ca mà ông đã để lại.

 Ở Hồng Kông, có một làng tên goi là San Tin, mà đa phần người dân ở đây đều mang họ Wen (Văn) mà ai cũng nghĩ rằng, đó là hậu duệ của Văn Thiên Tường (Wen Tiangxiang).  Chính tại nơi đây, họ đã dưng một tượng lớn trong một công viên, lấy tên ông, để tưởng nhớ. Ngoài ra, người Tàu, từ Triều Châu, qua  ở ViệtNam chúng ta, mang họ Văn, đều là hậu duệ của vị Tể tướng ái quốc này.

              Văn học Việt Nam cũng có các bài thơ tương tự nói về lòng yêu nước:

     1.- Hà thành chính khí ca của Nguyễn Văn Giai, ca ngợi lòng yêu nước của quan Tổng Đốc Hà Nội, Hoàng Diệu(1829-1882) đã trèo lên cây thắt cổ tự vẫn tại thành Hà Nội, khi quân Pháp do Đại tá Henri Rivière hạ thành năm 1882 :

… Chữ trung còn chút con con,
Quyết đem gửi cái tàn hồn gốc cây.
Trời cao bể rộng đất dày,
Núi Nùng song Nhị chỗ này mà ghi…

     2.- Chính Khí Việt, của nhà cách mạng Lý Đông A viết năm 1942 tại Liễu Châu, khi còn bôn ba tại đây.

Chính khí Việt suốt trời đất bàng bạc,
Chính khí Việt trong máu người Hồng Lạc,
Gió thê thê quất dậy hồn phục hưng.
Gươm Vạn Thắng cứu nước nòi giết giặc…

       “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử”, nhưng cái chết vì dân vì nước là khí phách và anh hùng trong bất cứ không gian thời gian nào, và đó cũng là trường hợp của Tể tướng Văn Thiên Tường, đã quyết định chọn lựa trong những năm tháng bị giam cầm khắc nghiệt trong ngục tù của Hốt Tất Liệt, và chính khí này đã “lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” như hai câu thơ mà ông đã viết trong bài Quá đinh linh dương và cụ Nguyễn Công Trứ (1778-1858) xem như là mẫu mực sống và  đã đưa vào trong bài thơ Chí làm trai vậy.

Trương Thúy Hậu
2006

@cohocvietnam   –   wikipedia  –  tourchina   –  wiki  –  chinabeautiful  –  culture  –  chinatour

This entry was posted in Khảo Cứu, Văn Học. Bookmark the permalink.

Comments are closed.