Trần Gia Phụng

Phan Châu Trinh và Cuộc ly khai văn hóa Hán tộc

I.- Ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc

Ảnh hưởng của văn hóa Hán tộc có thể  chia thành hai thời kỳ:  Thời kỳ 1000 năm Trung Quốc đô hộ cổ Việt và thời  kỳ đất nước chúng ta độc lập từ năm 938 cho đến thế kỷ 20.

Trong một ngàn năm đô hộ, người  Trung Quốc áp đặt nền văn hóa Hán tộc là chuyện bình thưòng.  Tuy vậy,  trong thời kỳ nầy người Trung Quốc chú trọng nhiều đến việc khai thác và bóc  lột kinh tế hơn là việc phát triển văn hóa.  Trung Quốc không tổ chức thi  cử để tuyển lựa nhân tài địa phương cổ Việt, nên người Việt ít chú trọng đến  việc học chữ Hán, vì học chẳng làm gì cả.

Trong thời kỳ độc lập, từ Ngô Quyền  trở đi, các triều đình Việt sử dụng chữ Hán làm văn tự chính thức, dầu  người Việt vẫn nói tiếng Việt.  Nền văn hóa Hán tộc chẳng những tiếp  tục được truyền bá, mà còn được truyền bá mạnh hơn, nhất là từ năm 1075, nhà Lý  mở khoa thi tam trường đầu tiên để tuyển chọn quan lại.  Thi cử được các  triều đại quân chủ tiếp tục tổ chức cho đến đầu thế kỷ 20.

Thi cử là phương pháp tuyển chọn  nhân tài dân chủ, đồng thời thi cử là con đường duy nhất để ra làm quan,  nên từ khi có thi cử Hán học ở nước ta, thì có nhiều người theo đuổi việc học chữ  Hán và nền văn hóa Hán tộc để tiến thân.  Chương trình thi cử chủ yếu là  các bộ sách Nho học, cộng thêm lịch sử Trung Quốc và một ít lịch sử nước Nam.

Các bộ sách giáo khoa nho học là Tứ  thưNgũ kinh.  Tứ thư gồm Đại học, Trung dung, Luận ngữ,  Mạnh Tử.   Ngũ kinh gồm có Kinh thi, kinh thư, kinh lễ, Kinh  dịch và Kinh Xuân thu.  Xã hội Nho giáo dựa trên căn bản ba mối quan  hệ căn bản trong đạo làm người (tam cương) là quân thần (vua tôi), phu phụ  (chồng vợ) và phụ tử (cha con).  Trong ba mối quan hệ nầy, thì đạo quân  thần (vua tôi) là lớn nhất.  Vua là trung tâm của mọi sinh hoạt xã hội,  đứng đầu xã hội.

Chế độ quân chủ Hán tộc khác với chế  độ quân chủ Tây phương ở chỗ trong nền quân chủ Hán tộc, vua là “con trời” (thiên tử), vừa nắm thế quyền, cai trị đất nước, vừa nắm thần quyền, phong chức  thần linh.  Ở Tây phương, vua chỉ nắm thế quyền.  Thần quyền thuộc về  giáo hội Ky-Tô.

II.- Phan Châu Trinh và Công cuộc  ly khai văn hóa Hán tộc

Như đã trình bày, tuy các triều đại  quân chủ dùng chữ Hán làm chuyển ngữ, nhưng người Việt vẫn nói tiếng  Việt.  Tiếng Việt là kỳ quan biểu tượng cho tinh thần độc lập của dân  tộc Việt.  Từ thế kỷ 17, khi đến truyền đạo tại Đại Việt, các giáo sĩ  Ky-Tô giáo La Mã ký âm tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh, sáng chế một văn  tự mới là Quốc ngữ.  Lúc đầu, Quốc ngữ chỉ được truyền bá trong khuôn viên  giáo đường.  Khi người Pháp xâm chiếm 6 tỉnh Nam Kỳ làm thuộc địa năm  1874, vì nhu cầu cai trị, người Pháp sử dụng chữ Quốc ngữ.  Trong thuộc  địa Nam Kỳ, Pháp bãi bỏ hoàn toàn chữ Hán ngày 1-1-1882, chỉ sử dụng chữ Pháp  và Quốc ngữ.

Bảo hộ Trung và Bắc Kỳ năm 1884, do  chủ trương khai thác và bóc lột, Pháp giới hạn việc mở mang giáo dục tại vùng  đất bảo hộ, chỉ lập một số trường Pháp cần thiết, dạy chữ Pháp để đào tạo lớp  quan lại mới cho chế độ mới.  Pháp vẫn để triều đình Huế duy trì thi cử  Hán học ở Trung và Bắc Kỳ.

Trong hoàn cảnh đó, qua đầu thế kỷ  20, dầu đã đậu phó bảng Hán học năm 1901, khi dấn thân hoạt động duy tân để mở  mang đất nước năm 1904, Phan Châu Trinh (1872-1926) đưa ra chủ trương “chấn  dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh”.  Để mở đầu cuộc khai dân trí  nhằm chấn dân khí và hậu dân sinh, đầu tiên Phan Châu Trinh vận động từ bỏ “cái  học cũ”.  Muốn từ bỏ “cái học cũ”, việc đầu tiên Phan Châu Trinh chủ  trương là bãi bỏ việc học chữ Hán, và bãi bỏ việc dùng chữ Hán, đồng thời từ bỏ  luôn thi cử Hán học.

Từ  bỏ thi cử Hán học, tức từ  bỏ việc học và truyền bá văn hóa Hán tộc.  Lời kêu gọi sĩ tử không tham dự  các kỳ thi Hán học hùng hồn nhất là bài “Chí thành thông thánh thi”, do Phan  Châu Trinh viết và bài “Danh sơn lương ngọc phú” do Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc  Kháng cùng viết năm 1905 tại Quy Nhơn.

Thay thế chữ Hán, ông kêu gọi sử  dụng Quốc ngữ.  Quốc ngữ gồm 24 chữ cái trong mẫu tự La-tinh, có thể dùng  để lắp ghép tất cả các từ ngữ trong tiếng Việt, nên rất giản dị, dễ học, dễ  viết, dễ sử dụng, dễ truyền bá văn hóa, tư tưởng, khoa học kỹ thuật.  Tại  Quảng Nam, Phan Châu Trinh cùng Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và các trí thức  cấp tiến vận động mở rất nhiều trường dạy Quốc ngữ ngay từ năm 1904.   Trường Dục Thanh ở Phan Thiết và Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội đều do Phan Châu  Trinh vận động thành lập. Bản thân Phan Châu Trinh cũng làm thơ, viết văn, viết  báo bằng Quốc ngữ.

Cuộc vận động của Phan Châu Trinh  bắt đầu từ 1904, mà cho đến năm 1919, Pháp mới bỏ các kỳ thi Hán học và cho đến  gần cuối đời Phan Châu Trinh, chữ Quốc ngữ mới được chính thức phổ cập ở bậc  tiểu học bằng nghị định ngày 18-9-1924 của toàn quyền Martial Merlin.  Từ  đây, Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức của người Việt và cũng từ đây xuất  hiện nền văn học Quốc ngữ, những tác phẩm văn chương, học thuật, nghiên cứu  Việt Nam….

Về xã hội, Phan Châu Trinh kêu gọi  bãi bỏ những hủ tục trong văn hóa Hán tộc, bỏ thói để tóc dài (búi tó) theo  kiểu người Trung Quốc, bỏ quan niệm thứ tự xã hội theo tứ dân, sĩ nông công  thương, mà kêu gọi mọi người cùng nhau học những nghề kỹ thuật, học cách thức  buôn bán theo kiểu tây phương.

Về chính trị, Phan Châu Trinh đả kích  mạnh mẽ chế độ quân chủ “thiên tử” từ Trung Quốc truyền sang.  Theo Phan  Châu Trinh, chế độ quân chủ là một chế độ nhân trị.  Ông giải thích: “Nhân  trị nghĩa là cai trị một cách rộng rãi hay nghiêm khắc, chỉ huy tùy theo lòng  vui, buồn, thương, ghét của một ông vua mà thôi, pháp luật tuy có cũng như  không.”  Do đó, nếu đất nước may mắn gặp một ông vua anh hùng, thì đất  nước hưng thịnh, nhưng nếu đất nước không may mắn, gặp một ông vua hôn ám, thì  đất nước suy sụp.  Nói cách khác, chế độ quân chủ là một chế độ tùy hứng  cá nhân người cai trị.

Thay vào đó, Phan Châu Trinh đề nghị  thành lập chế độ dân chủ pháp trị, có hiến pháp, có quốc hội, có tổng thống và  có quyền tư pháp độc lập.  Theo ông, trong chế độ dân chủ pháp trị, “quyền  lợi và bổn phận của mọi người trong nước đều có pháp luật chỉ định rõ ràng,  không khác gì là đã có đường gạch sẵn, cứ trong đường ấy mà đi tự do, muốn bước  tới bao nhiêu cũng không ai ngăn cản, chỉ trừ khi nào xâm lấn đến quyền lợi của  người khác thì không được.  Vì đối với pháp luật thì mọi người đều bình  đẳng, không có ai là quan, ai là dân cả.” (Phan Châu Trinh, “Quân trị chủ  nghĩa và dân trị chủ nghĩa”.)

Một khái niệm mới được Phan Châu  Trinh đưa vào sinh hoạt chính trị Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 là ông đề xướng  dân quyền.  Theo ông, dân quyền sẽ là đầu tàu thúc đẩy tất cả những cải  cách chính trị, kể cả việc đòi hỏi độc lập từ tay người Pháp vì ” dân  đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được.”

Như thế, trong 1000 năm Bắc thuộc,  tổ tiên chúng ta đã bị Trung Quốc áp đạt nền văn hóa Hán tộc.  Sau đó, tuy  đất nước chúng ta độc lập về chính trị, nhưng lại lệ thuộc văn hóa Hán tộc vì  trong gần một ngàn năm độc lập, các triều đại quân chủ chọn chữ Hán làm văn tự  chính thức, đưa vào chương trình học thuật các sách vở Trung Quốc,và đã đào tạo  tầng lớp trí thức theo văn hóa Hán tộc.  Lớp trí thức nầy làm quan và điều  hành xã hội cũng theo văn hóa Hán tộc.

Cho đến khi nền văn hóa Tây phương  truyền vào nước Việt, Phan Châu Trinh và các nhà trí thức cấp tiến vào đầu thế  kỷ 20 mới thấy rõ nền văn hóa Hán tộc là trở ngại chính cho sự tiến bộ của dân  tộc.  Do đó, các ông cương quyết kêu gọi từ bỏ chữ Hán, chấm dứt ý thức hệ  quân chủ, dứt khoát ly khai với nền văn hóa Hán tộc, nhằm mở hướng đi mới, canh  tân đất nước, tiến lên chế độ dân chủ.

Cuộc ly khai văn hóa Hán tộc do Phan  Châu Trinh đề xướng là con đường thiết thực, mở rộng cánh cửa văn hóa cho sự  phát triển đất nước.  Nếu không có cuộc mở đường của Phan Châu Trinh, một  mặt giới thủ cựu Việt Nam cố duy trì nền văn hóa Hán tộc nhằm duy trì quyền  lợi, một mặt người Pháp tránh mở mang văn hóa, làm cho Việt Nam chậm tiến, để  dễ bề thống trị, thì nước Việt chúng ta vốn đã chậm tiến, tiếp tục chậm tiến  lâu ngày nữa.  Có thể nói, quyết định ly khai văn hóa Hán tộc, chấm dứt  việc học chữ Hán, văn hóa Hán, chế độ quân chủ kiểu Hán, đã lót đường cho các  phong trào văn hóa, văn học và chính trị từ thời Phan Châu Trinh trở về sau.

Cần chú ý, ngày trước, tuy các triều  đình sự dụng chữ Hán làm chuyển ngữ, nhưng các triều đình hoàn toàn độc lập với  vua chúa Trung Quốc.  Ngày nay, chữ Hán không còn được sử dụng, nước nhà  tuy nói là hoàn toàn độc lập, nhưng giới lãnh đạo CSVN lại lệ thuộc nặng nề nhà  cầm quyền CS Trung Quốc, dâng đất dâng biển cho CS Trung Quốc.  Nếu chữ   Hán vẫn còn được sử dụng, thì mức độ lệ thuộc chắc chắn còn mạnh mẽ nặng nề hơn  nữa.

Như thế mới thấy viễn kiến sáng suốt  của Phan Châu Trinh cách đây một trăm năm, phải dứt khoát ly khai khỏi văn hóa  Hán tộc.

 Trần Gia  Phụng

(Trình bày trong Lễ Giỗ Phan Châu  Trinh ngày 27-3-2011 tại Nam Cali)
@caidinh

This entry was posted in Văn Hóa and tagged . Bookmark the permalink.

Comments are closed.